“Tài chính toàn diện” chưa toàn diện

30/12/2021 - 14:20

PNO - Ông Nguyễn Phú An - ngụ xã La Tơi, H.Ia H’Drai, tỉnh Gia Lai - phải chạy xe máy 80km mới đến được cây ATM để rút tiền. Câu chuyện gây bất ngờ cho nhiều người này do ông Nguyễn Phú An - Phó Chủ tịch UBND xã La Tơi, H.Ia H’Drai, tỉnh Gia Lai - chia sẻ.

Cây ATM gần nhất nằm ở H.Sa Thầy, cách nhà ông An 80km. Cả đi lẫn về, ông An phải chạy xe máy 160km, mất khoảng bốn giờ. Huyện Ia H’Drai - nơi ông sinh sống - không có chi nhánh ngân hàng (NH) và trụ ATM. Ở đây khi cần tiền mặt, nhiều người dân phải chuyển khoản cho các chủ cửa hàng, sau đó nhận lại tiền mặt với mức phí 10.000 đồng/1 triệu đồng. Cả huyện có hơn 12.000 người, trong đó khoảng 500 cán bộ, công chức, giáo viên và hơn 5.000 công nhân hưởng lương từ ngân sách và doanh nghiệp (DN) nhưng không có chi nhánh NH thương mại và cây ATM nào. UBND tỉnh đã nhiều lần đề nghị NH Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) sớm thành lập phòng giao dịch NH và lắp các trụ ATM nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Câu chuyện nói trên cho thấy một thực tế: các NH chỉ chú trọng phát hành thẻ ATM mà chưa chú trọng phát triển hạ tầng máy ATM tương ứng. Không chỉ ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn mà ngay cả ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng ven của TP.HCM cũng thiếu máy ATM, dẫn đến tình trạng đến ngày nhận lương công nhân phải xếp hàng rồng rắn chờ đến lượt rút tiền từ máy ATM hoặc phải đi đến nhiều điểm có trụ ATM mới rút được tiền do máy bị hết tiền, bị lỗi kỹ thuật. 

Hiện việc phân bổ máy ATM phần nào bị chi phối bởi yếu tố lợi nhuận nên các NH chưa chú trọng phân bổ cho vùng nông thôn - Ảnh minh họa
Hiện việc phân bổ máy ATM phần nào bị chi phối bởi yếu tố lợi nhuận nên các NH chưa chú trọng phân bổ cho vùng nông thôn - Ảnh minh họa

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2015 Việt Nam có 16.937 máy ATM; năm 2020 tăng lên 19.636 máy. Mật độ máy ATM/1.000km2 cũng tăng từ gần 55 máy lên hơn 63 máy. Tuy nhiên, so với các nước láng giềng, mật độ máy ATM tại Việt Nam tương đối thấp. Theo IMF, từ năm 2017, mật độ máy ATM/1.000km2 của Thái Lan là 124 , Philippines 58… Chưa kể, mật độ máy ATM tại Việt Nam phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở thành thị và rất ít ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. 

Đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. NHNNVN đã triển khai kế hoạch thực hiện. Tài chính toàn diện (Financial Inclusion) được NH Thế giới (WB) định nghĩa là việc các cá nhân và DN có thể tiếp cận dễ dàng các sản phẩm dịch vụ tài chính hữu ích với giá cả phải chăng, đáp ứng được các nhu cầu của họ bao gồm chuyển tiền, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững. Hiện hơn 60 quốc gia đã triển khai thực hiện chiến lược này.

Tại Việt Nam, chiến lược tài chính toàn diện còn yêu cầu phải chú trọng đến nhóm người nghèo, người có thu nhập thấp, người yếu thế, DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ. 

Tài chính toàn diện được coi là trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững. Một trong những nội dung quan trọng để thúc đẩy nền tài chính toàn diện là phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, trong đó đẩy mạnh số lượng và triển khai mạng lưới máy ATM, máy POS (thanh toán thẻ) rộng lớn để phục vụ nhu cầu thanh toán của người dân. 

Hiện việc phân bổ máy ATM phần nào bị chi phối bởi yếu tố lợi nhuận nên các NH chưa chú trọng phân bổ cho vùng nông thôn. Để các vùng nông thôn được “phủ” máy ATM, cần quy định rõ mỗi NH phải có bao nhiêu phần trăm số máy ATM được lắp đặt ở vùng nông thôn hoặc mỗi huyện có ít nhất bao nhiêu máy. 

Dịch vụ Mobile Money (thanh toán di động) đang được kỳ vọng sẽ bù đắp cho sự thiếu hụt máy ATM bởi chỉ cần thông qua mạng di động, người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn tiếp cận được dịch vụ tài chính như nạp tiền, rút tiền, chuyển tiền. Tuy nhiên, cũng giống như các dịch vụ tài chính khác, để người dân ở vùng nông thôn sử dụng Mobile Money thuận tiện, các nhà mạng phải phát triển hạ tầng ở nông thôn. Hiện nay, nhà mạng quy định, những người không có tài khoản NH phải thực hiện việc nạp tiền, rút tiền tại các điểm cung cấp dịch vụ hoặc các điểm kinh doanh của nhà mạng. Nếu các điểm này không có hoặc phân bố thưa thớt, người dân ở nông thôn cũng sẽ khổ sở như nỗi khổ mà ông Nguyễn Phú An và người dân xã La Tơi phải chịu mỗi lần muốn rút tiền. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI