Sữa mẹ có khả năng kháng vi-rút SARS-CoV-2?

01/10/2020 - 10:29

PNO - Một nhóm nghiên cứu ở Bắc Kinh vừa phát hiện sữa mẹ ngăn chặn sự gắn kết, xâm nhập của vi-rút và cả sự nhân lên của vi-rút sau khi xâm nhập.

 

Một nhóm nghiên cứu ở Bắc Kinh thử nghiệm tác động của sữa mẹ đối với các tế bào tiếp xúc với vi-rút Sars-CoV-2. Nguồn sữa được thu thập vào năm 2017, trước khi bắt đầu đại dịch, và các loại tế bào thử nghiệm lấy từ nhiều nguồn khác nhau, từ tế bào thận động vật đến tế bào phổi và ruột của trẻ nhỏ.

Trong thí nghiệm, nhóm nghiên cứu trộn một số tế bào khỏe mạnh vào sữa mẹ, sau đó rửa sạch sữa và cho tế bào tiếp xúc với vi-rút. Họ quan sát thấy hầu như không có sự liên kết hoặc xâm nhập của vi-rút vào các tế bào này, và việc điều trị bằng sữa cũng ngăn chặn sự nhân lên của vi-rút trong các tế bào đã nhiễm bệnh. Trước đây, sữa mẹ đã được biết là có tác dụng ngăn chặn vi khuẩn và vi-rút như HIV.

Trưởng nhóm nghiên cứu - giáo sư Tong Yigang từ Đại học Công nghệ Hóa học Bắc Kinh, kết luận trong báo cáo đăng trên trang biorxiv.org: “Sữa mẹ đã ngăn chặn sự gắn kết, xâm nhập của vi-rút và thậm chí cả sự nhân lên của vi-rút sau khi xâm nhập”.

Cũng theo nghiên cứu, sữa bò và dê có thể ngăn chặn khoảng 70% các chủng vi-rút sống. Trong khi đó, hiệu quả dành cho sữa mẹ đạt gần 100%. Tuy nhiên, nhóm phát hiện ra rằng việc đun nóng sữa ở nhiệt độ 90oC trong 10 phút khiến tỷ lệ bảo vệ chống lại SARS-CoV-2 giảm xuống dưới 20%.

Việc cho con bú trước đây được coi là làm tăng nguy cơ lây truyền vi-rút. Tại Vũ Hán, nơi dịch COVID-19 xuất hiện đầu tiên, trẻ sơ sinh được tách khỏi những người mẹ có kết quả xét nghiệm dương tính và nuôi hoàn toàn bằng sữa công thức.

Tương tự, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ cảnh báo rằng, trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, mà người mẹ nằm trong nhóm nghi ngờ hoặc dương tính COVID-19, cũng nên được coi là ca nhiễm “tình nghi”. Dù vậy, nghiên cứu mới này ủng hộ quan điểm chính thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng các bà mẹ nên tiếp tục cho con bú ngay cả khi họ nhiễm COVID-19.

Ngọc Hạ (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI