Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022:

Sự hy sinh của cha, anh còn sống mãi

27/07/2022 - 06:57

PNO - Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM phối hợp với Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức chuyến thăm nhà tù Côn Đảo, dâng hương tưởng nhớ hàng vạn anh hùng, nhà cách mạng, người yêu nước đã ngã xuống nơi đây. Sau năm 1975, có nhiều cựu tù đã ở lại với nơi từng giam giữ họ và các đồng chí, đồng đội họ.

Để trọn tình với đồng đội

Trong căn nhà mình ở H.Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Nguyễn Thị Tư (73 tuổi) kể chuyện nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa ra Côn Đảo hồi đầu năm 2022, ghé thăm gia đình bà. Trước khi chia tay, nguyên Phó Chủ tịch nước dặn chồng bà: “Anh ráng sống thêm nha, em còn ra thăm nữa”. Nhờ lời dặn đó mà chồng bà - ông Nguyễn Xuân Viên, 78 tuổi, vẫn bình yên trở về sau 52 ngày điều trị ở bệnh viện, cách đây chừng một tháng. 

Bà Tư dịu dàng: “Ông giờ yếu lắm, thêm khó tính nữa. Tôi mang ly sữa tới, không dưng ông cũng nổi nóng, phải năn nỉ dữ lắm mới hớp cho vài ngụm”. Ông Viên nhỏ thó, ánh mắt đăm chiêu, cười hiền tiếp chuyện: “Cực hình kể mấy ngày không hết. Tôi ở chuồng cọp Mỹ rồi chuồng cọp Pháp cho đến ngày đất nước giải phóng”.

Gặp mặt vào dịp 27/7 tại TP.HCM năm nay (chương trình do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Thành ủy TP.HCM phối hợp tổ chức) các nữ cựu tù chính trị cho biết, niềm tin vào chính nghĩa, tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ là sức mạnh lớn nhất giúp họ vượt qua những giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà cũng như góp sức vào công cuộc dựng xây đất nước khi trở về cuộc sống thời bình ẢNH: PHÙNG HUY
Gặp mặt vào dịp 27/7 tại TPHCM năm nay (chương trình do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Thành ủy TPHCM phối hợp tổ chức) các nữ cựu tù chính trị cho biết, niềm tin vào chính nghĩa, tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ là sức mạnh lớn nhất giúp họ vượt qua những giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà cũng như góp sức vào công cuộc dựng xây đất nước khi trở về cuộc sống thời bình  - Ảnh: Phùng Huy

Năm 1965, ông Viên đi du kích, bị địch bắt, đưa qua nhiều nhà lao. Ông thà chịu tra tấn chứ nhất định không thỏa hiệp, đầu hàng. Khoảng năm 1969, ông bị đày ra Côn Đảo. Cuối năm 1975, ông về tỉnh Quảng Nam thăm quê, gặp bà rồi hỏi cưới. Bà Tư chia sẻ: “Lúc đó, tôi có nói với ông rằng “sức khỏe anh chỉ còn 50% thôi, em chấp nhận gánh vác hết thay anh những công việc nặng nhọc”. Trong tù, anh ấy đã chịu biết bao sự đày đọa vượt quá sức tưởng tượng. Làm vợ anh, tôi tự dặn mình sẽ không đọa đày anh thêm nữa, dù chỉ một câu nói”.

Sau chuyến về thăm quê, ông Viên chọn trở lại Côn Đảo sinh sống để được gần gũi, dễ bề thắp nén nhang cho đồng đội đã nằm xuống nơi này. Năm 1981, bà Tư ra Côn Đảo theo chồng, quét dọn ở các di tích trại giam. Bà kể, hằng ngày đối diện từng kỷ vật, len lỏi mọi ngõ ngách các trại giam, bà có cảm giác vừa thương, vừa kính phục chồng cùng bao nhiêu người yêu nước đã từng bị tù đày ở đây. Họ đã kiên cường chịu đựng các hình thức tra tấn, kiên cường đấu tranh ngay trong chốn lao tù để đòi quyền dân sinh, dân chủ, chịu sự đàn áp và nhiều người đã hy sinh tại đây.

Ông Tống Thế Tuyên - cán bộ Phòng Nội vụ, Lao động, Thương binh và Xã hội H.Côn Đảo - cho hay, sau ngày đất nước thống nhất, hơn 150 cựu tù chính trị đã tình nguyện ở lại để bảo vệ, xây dựng Côn Đảo. Theo thời gian, nhiều người qua đời, nhiều người vào đất liền để tiện chữa bệnh, chăm sóc. Hiện Côn Đảo chỉ còn ba cựu tù chính trị sinh sống là ông Nguyễn Xuân Viên, bà Nguyễn Thị Ni (83 tuổi) và ông Nguyễn Văn Ước (82 tuổi). 

Chị Nguyễn Thị Mỹ - con gái ông Nguyễn Văn Ước - cho hay: “Ba tôi chọn ở lại vì tình thương quá lớn với đồng đội và những người yêu nước đã ngã xuống ở mảnh đất này”. 16 năm bị bắt giam, đày qua các nhà tù và cuối cùng là Côn Đảo, ông Ước dùng đúng hai chữ “tàn khốc” để nói về chốn lao tù từng được ví là “địa ngục trần gian”, “một đi không trở lại” này. Chiến tranh kết thúc, ông Ước ở lại luôn với Côn Đảo. 

Chị Mỹ kể, từ nhỏ đến lớn, chị thường chứng kiến cảnh ông Ước nửa đêm một mình rời nhà ra đường lớn đón xe ôm vượt hơn 10km để đến Nghĩa trang Hàng Dương, Nghĩa trang Hàng Keo thắp hương cho đồng đội. Giờ tuổi cao, chân yếu, đi đứng khó nhọc nhưng ông vẫn muốn có người chở mình đi viếng mộ đồng đội. “Tôi cảm nhận được niềm vui của ba qua nét mặt, cử chỉ mỗi khi ông từ Hàng Dương, Hàng Keo về nhà” - chị Mỹ kể.
 

Bà Đoàn Lê Phong tại chuyến công tác của TP.HCM thăm Côn Đảo giữa tháng 7/2022
Bà Đoàn Lê Phong tại chuyến công tác của TPHCM thăm Côn Đảo giữa tháng 7/2022

Sống xứng đáng với cha, anh

Bà Nguyễn Thị Ni hiện sống một mình trong căn nhà nhỏ ở H.Côn Đảo. 83 tuổi, chân chậm nhưng ánh mắt vẫn tinh anh, gương mặt sáng bừng, toát lên nét cương trực, mạnh mẽ. Khí tiết đó từng đưa bà vượt qua những trận tra tấn thừa sống thiếu chết ở chốn lao tù, đến mức sau này, bà không thể có con. Tháng Bảy, tiếp đón các đoàn khách ghé thăm, bà Ni nói mình không buồn dù đang sống một mình, kể từ khi chồng mất. Với bà, được sống và gắn bó với Côn Đảo là bà thấy ấm áp. 

Qua hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, đã có 30.000 chiến sĩ cách mạng, nhà yêu nước người nằm lại Côn Đảo, nay được tập kết về Nghĩa trang Hàng Dương (gần 20.000 người nhưng hiện chỉ có gần 800 mộ có danh tính, quê quán, còn lại chưa đủ thông tin) và Nghĩa trang Hàng Keo (10.000 người). Chấm dứt 113 năm “địa ngục trần gian”, Côn Đảo đón rất nhiều khách tham quan và những đoàn công tác đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ. 

Hôm đi cùng đoàn công tác đến dâng hương ở di tích nhà tù Côn Đảo, bà Đoàn Lê Phong - Phó Trưởng ban Liên lạc cựu tù chính trị TPHCM - nói: “Lần nào đến đây, tôi cũng vẹn nguyên bồi hồi, xót xa, thương các anh các chị trải qua bao khổ nhục”. Cũng là cựu tù chính trị và có chị gái (bà Đoàn Lê Hương) là cựu tù Côn Đảo, bà Đoàn Lê Phong thấu hiểu nỗi đau từ những đòn tra tấn của kẻ thù như gí điện, đánh vào chỗ hiểm, nhét miểng chai vào chỗ kín của nữ tù khiến những năm tháng về sau, họ phải sống chung với bệnh tật.

Trước phần mộ nhà cách mạng Lưu Chí Hiếu ở Nghĩa trang Hàng Dương, Trung tướng Châu Văn Mẫn kể về những hoạt động đấu tranh  của Đảng bộ Lưu Chí Hiếu ra đời ngay trong chốn lao tù Côn Đảo
Trước phần mộ nhà cách mạng Lưu Chí Hiếu ở Nghĩa trang Hàng Dương, Trung tướng Châu Văn Mẫn kể về những hoạt động đấu tranh của Đảng bộ Lưu Chí Hiếu ra đời ngay trong chốn lao tù Côn Đảo

Từ năm 2010, nghỉ hưu, về công tác ở Ban Liên lạc cựu tù chính trị TPHCM, bà Đoàn Lê Phong tìm mọi cách giúp đỡ các cựu tù chưa được hưởng chính sách, phần lớn đang có cuộc sống rất khó khăn. Bà kể: “Có một chị được đề nghị viết tên mình để làm chính sách, chị cứ ngồi hoài, sau mới ngại ngùng nói “tôi quên chữ rồi”. Có chị nghĩ mình đã trọn đạo với đất nước nên không cần khai báo, đến khi biết mình nằm trong diện chính sách thì đồng đội cũ không còn sống để xác nhận. Có những cựu tù cần vết thương thực thể để được công nhận thương binh, nhưng khi khám, chỉ toàn bị nội thương”. Điều khiến bà thấy được an ủi là những người không làm được chính sách vẫn được quan tâm, hỗ trợ. 

Dâng nén hương tưởng nhớ hàng vạn anh hùng, nhà cách mạng, người yêu nước đã ngã xuống ở Côn Đảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nói: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng sự hy sinh vô cùng to lớn của cha anh sẽ còn sống mãi. Hôm nay và sau này, mỗi người chúng ta, bằng công sức của mình, nguyện quyết tâm viết tiếp truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, sống xứng đáng với sự nghiệp của cha anh để lại”.

Tham gia cùng đoàn, bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó Chủ tịch nước và bà cũng từng bị địch giam giữ, tra tấn tại nhà tù Côn Đảo - đã đến thắp hương trên từng ngôi mộ. Bà nói, những người ngã xuống nơi đây từng tranh đấu với khát vọng góp phần đưa đất nước đi đến thống nhất, độc lập, nhưng họ đã hy sinh khi đất nước chưa yên. 

Bà nói: “Lần nào trở lại đây, tôi cũng bùi ngùi xúc động, nhớ những đồng đội đã cùng chiến đấu với mình trong tù ngục. Trước anh linh của các đồng đội, tôi luôn nguyện tiếp tục cống hiến, để xứng đáng với đồng đội, đồng chí của mình”. 

Phong Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI