Kiên Giang: vận hành cống ngăn mặn, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm

07/02/2021 - 16:48

PNO - Với việc vận hành tạm thời cống Cái Bé để ngăn xâm nhập mặn, giữ ngọt ở tỉnh Kiên Giang, địa phương này đã tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho ngân sách mỗi năm.

Ngành chức năng ở tỉnh Kiên Giang vừa đưa vào vận hành tạm thời công trình cống đập Cái Bé để ngăn mặn, bảo vệ cho hơn 20.000 héc ta đất sản xuất nông nghiệp khi mùa khô năm 2021 đã tới gần. Đội ngũ vận hành sẽ mở cống vào lúc triều thấp, đóng lại khi triều cao và có thông báo lịch vận hành cụ thể để bà con nhân dân chủ động trong sản xuất, lưu thông tàu thuyền...

Cống và âu thuyền Cái Bé đưa vào vận hành tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang
Cống và âu thuyền Cái Bé đưa vào vận hành tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, thời gian gần đây mực nước mặn 4,0 g/l đã lấn sâu hàng chục km vào nhiều sông rạch trên địa bàn. Địa phương đã có kế hoạch đắp 340 đập tạm ngăn mặn mùa vụ, với kinh phí khoảng 160 tỷ đồng. “Cống Cái Bé vận hành sớm từ tháng 2 thì sẽ giảm được khoảng 160 đập tạm dự kiến lắp đặt”, Chi cục trưởng Nguyễn Huỳnh Trung cho biết.

Vào mùa hạn mặn 2019 - 2020, ngành nông nghiệp Kiên Giang đã triển khai gia cố, đắp mới hơn 200 đập tạm theo thời vụ để bảo vệ sản xuất nông nghiệp và thủy sản, với tổng kinh phí khoảng 34 tỷ đồng. Trong năm 2021 này, tỉnh cũng đã gửi kiến nghị Trung ương sớm hỗ trợ kinh phí trên 163 tỷ đồng trong tổng số khoảng 520 tỷ đồng mà địa phương cần có để chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong khi mùa khô cận kề (kinh phí còn lại do tỉnh chủ động).

cống vào lúc triều thấp, đóng lại khi triều cao và có thông báo lịch vận hành cụ thể để bà con nhân dân chủ động trong sản xuất, lưu thông tàu thuyền
Cống sẽ đóng - mở tùy thời điểm theo lịch vận hành cụ thể 

Hệ thống sông Cái Lớn - Cái Bé bắt nguồn từ hướng đông nam của tỉnh Kiên Giang (có kết nối với sông Hậu bằng trục kênh xáng Xà No của tỉnh Hậu Giang), rồi chảy theo hướng tây bắc đổ vào vịnh Rạch Giá. Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn 1) được biết tới như là một dự án điều tiết nước quy mô bậc nhất miền Tây Nam bộ hiện nay, được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức khởi công tại huyện Châu Thành vào cuối năm 2019 với tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Cống Cái Lớn rộng gần 0,5km với 11 khoang cống 40m, 2 âu thuyền rộng 15m và cống Cái Bé rộng 85m với 2 khoang 35m, một âu thuyền 15m. Ngoài ra, còn có tuyến đê nối từ hai cống ra quốc lộ 61 dài gần 6km.

Độ chênh lệch mực nước khá lớn sau khi đóng cống Cái Bé
Độ chênh lệch mực nước khá lớn sau khi đóng cống Cái Bé

Quy mô dự án trên có tác động chủ yếu đến hai tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và một phần của hai tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu. Khi đưa vào vận hành hệ thống thủy lợi này, sẽ giúp kiểm soát nguồn nước mặn, lợ, ngọt, tạo điều kiện sản xuất ổn định cho gần 400 héc ta ở các mô hình sản xuất nông nghiệp và thủy sản; cũng như kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm thiên tai, kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội… Dự kiến, hệ thống cống Cái Lớn sẽ đưa vào vận hành vào cuối tháng 6 tới.

Được biết, trước đó, dự án thủy lợi “khủng” này đã nhận được không ít ý kiến trái chiều từ các nhà chuyên môn, nêu quan ngại về hiệu quả kinh tế cũng như tác động tiêu cực về môi trường không chỉ riêng đối với Kiên Giang mà còn cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Đông Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI