Sẻ chia với người có thu nhập thấp

05/01/2014 - 12:46

PNO - PN - Điệp khúc “tăng giá dịp Tết” luôn là nỗi lo của người lao động có thu nhập thấp. Dịp Tết Giáp Ngọ này, nỗi lo ấy phần nào đã được giải tỏa nhờ những cửa hàng liên kết Hội Phụ nữ (PN) với hàng trăm mặt hàng có...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cửa hàng “thương hiệu Hội Phụ nữ"

Cuối tháng 12/2013, người dân xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) rủ nhau mua hàng bình ổn ở “siêu thị mini” vừa mới được khai trương tại nhà chị Thu Trang (số 99/4E ấp Tam Đông). Những thùng mì tôm, nước ngọt, dầu ăn… ở đây đều có giá rẻ hơn các nơi khác từ 10-15%. Chị Nguyễn Thị Bảy (công nhân may) khoe: "Lương công nhân ba cọc ba đồng nên mình ít khi dám mua sắm mấy ngày Tết. Nhưng bây giờ đã có gian hàng bình ổn giá của Hội, mình yên tâm hẳn". Được biết, đây là cửa hàng liên kết Hội PN thứ tám trên địa bàn huyện.

Se chia voi nguoi co thu nhap thap

Cửa hàng bình ổn của Hội Phụ nữ sẽ là “điểm đến” của người lao động có thu nhập thấp

Thời gian qua, cửa hàng bình ổn của chị Phạm Trương Thị Thơ (số 26 đường 1A, KP.13, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM) đã trở thành địa chỉ mua hàng tin cậy của bà con trong vùng, đặc biệt là công nhân lao động, người thu nhập thấp. Theo chị Thơ, dù tham gia chương trình này của Hội chưa lâu nhưng doanh thu hiện đã đạt khoảng sáu triệu đồng/ngày, cao điểm có khi đạt 10 triệu đồng/ngày, tăng gấp hai-ba lần so với trước đây. Nguyên nhân chính là hàng bình ổn có giá bán rất tốt, hàng hóa lại phong phú.

Với 30 năm trong nghề buôn bán, chị Phạm Kim Thanh (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM) bộc bạch: “Mỗi người có một cách chia sẻ với chị em. Tôi chọn cách bán hàng bình ổn cho bà con. Một số mặt hàng bán gần như hòa vốn, có khi phải lỗ tiền bao bì, nhưng được chia sẻ với người dân trong lúc vật giá tăng, tôi thấy mình “thu hoạch” được rất nhiều niềm vui”.

Với sự ra đời của 14 cửa hàng bình ổn, huyện Bình Chánh đang dẫn đầu về số lượng. Chị Trần Thị Cẩm Thúy - Phó chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: “Đây là mô hình đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người lao động, vì vậy Hội PN muốn từng xã, thị trấn đều có cửa hàng bình ổn. Nhiều cửa hàng trên địa bàn huyện có doanh thu tới 45 triệu đồng/ngày. Hiện nay, việc dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết nhìn chung khá thuận lợi. Mong muốn của họ là các đối tác cho cửa hàng được thanh toán “gối đầu” với nhiều mặt hàng hơn”.

Mặt hàng ngày càng phong phú

Gần đây, việc tiểu thương ở chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) nói thách, bán hàng nhái, hàng giả lẫn lộn đã thay đổi nhiều. Có thể nói, Hội PN đã góp một phần không nhỏ trong việc cải thiện tình trạng trên. Không chỉ phục vụ tốt hơn, dịp Tết này, Ban quản lý và Hội PN còn triển khai rất nhiều chương trình bán hàng bình ổn, khuyến mãi, giảm giá… nhằm phục vụ công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Sản phẩm chất lượng, có bảng giá niêm yết… chắc chắn nơi đây sẽ là điểm đến của người có thu nhập thấp khi mua sắm tại chợ”.

Cửa hàng bình ổn giá ngành hàng rau - củ - quả của chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10, TP.HCM) lúc nào cũng đông khách. Chị Lưu Thị Lý - Chủ tịch Hội PN chợ cho biết: “An toàn vệ sinh thực phẩm là điều quan tâm hàng đầu. Chúng tôi muốn các bà nội trợ mua hàng tại chợ luôn yên tâm về độ an toàn cũng như giá cả. Dịp Tết, dù giá cả trong ngày có biến động thì những mặt hàng tại các gian hàng bình ổn vẫn giữ giá. Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng thêm nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống, các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn…”.

Theo bà Lê Thu Hiền - Trưởng ban Kinh tế Hội LHPN TP, hiện, Hội PN đã phát triển được 68 cửa hàng liên kết Hội PN - Co.op và hơn 1.426 điểm bán do Hội PN tổ chức vận động các tiểu thương tham gia bán hàng bình ổn thị trường. Hội LHPN TP thường xuyên phối hợp với Sở Công thương tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ năng bán hàng cho tiểu thương. Qua đó giúp tiểu thương nâng cao ý thức kinh doanh, hiểu và chấp hành các quy định pháp luật trong kinh doanh như niêm yết giá, bán đúng giá, không mua bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng… góp phần quan trọng ổn định thị trường.

 Phương Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI