Sáng tạo và thích ứng nhanh giúp ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đứng vững giữa đại dịch COVID-19

11/09/2020 - 17:58

PNO - Huy động vốn cộng đồng, tăng cường tổ chức các buổi trình diễn trực tuyến... giúp ngành âm nhạc và điện ảnh xứ kim chi phục hồi nhanh chóng.

Khác với tình hình ảm đạm chung của ngành công nghiệp giải trí toàn cầu, chìm đắm trong suy thoái do ảnh hưởng của dịch bệnh, Hàn Quốc đã trở thành mô hình phát triển khuôn mẫu cho các nước khác. Trong khó khăn, làn sóng Hallyu (làn sóng Hàn Quốc) vẫn đứng vững và liên tục xô đổ các kỷ lục từ âm nhạc cho đến phim ảnh.

Khi khán giả trở thành nhà đầu tư

So với các lĩnh vực khác, điện ảnh được xem là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ tại xứ kim chi bởi công chúng e ngại đến nơi công cộng, đặc biệt là các rạp chiếu phim, cộng thêm áp lực cạnh tranh đến từ nền tảng trực tuyến Netflix. Tuy nhiên, những tác phẩm bom tấn như Bán đảo Peninsula, Tôi còn sống, Steel Rain 2: Summit… cùng sự sáng tạo trong công tác truyền thông, tổ chức sản xuất đã giải cứu rạp phim và các nhà làm phim.

“Space Sweepers”, với sự tham gia của Song Joong-ki và Kim Tae-ri và được coi là bom tấn vũ trụ gốc đầu tiên của Hàn Quốc,
“Space Sweepers”, với sự tham gia của Song Joong Ki và Kim Tae Ri, là bom tấn vũ trụ đầu tiên của Hàn Quốc.

Merrychristmas - đơn vị phân phối Space Sweepers, bom tấn khoa học viễn tưởng đầu tiên của Hàn Quốc - trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã thông báo chuyển sang phương thức huy động vốn cộng đồng Crowdy, kêu gọi công chúng hỗ trợ ngân sách tiếp thị 300 triệu won (tương đương 254.000 USD). Sau ít ngày, hơn 4.500 người đã đăng ký tham gia, đạt khoảng 74% mục tiêu đặt ra.

“Chúng tôi bắt đầu dự án để tìm kiếm nguồn tài trợ phim thông qua các phương tiện khác nhau nhằm phòng ngừa rủi ro. Đây là thời điểm tồi tệ cho bất kỳ bộ phim nào ra rạp nhưng chúng tôi biết rằng vẫn có rất nhiều người muốn đầu tư vào tác phẩm” - Chris Chung, Giám đốc điều hành của Merrychristmas nói với Korea Herald.

Cụ thể, với tư cách là nhà đầu tư, công chúng sẽ đóng góp một số tiền nhỏ để đổi lại quà tặng, vé hoặc khoản tiền hoa hồng. Huy động vốn cộng đồng được sử dụng như một phương tiện để quảng bá và tương tác với khán giả trước khi phim ra mắt. Trước đó, một số dự án phim tài liệu về cố tổng thống Roh Moo-hyun, Our President (2017), phim tài liệu điều tra về thảm họa chìm phà Sewol năm 2014, Intention (2018) hay các bộ phim thương mại như Kim Ji-Young, Born 1982, Forbidden Dream The Divine Fury… từng áp dụng phương thức này.

Space Sweepers huy động vốn cộng đồng
"Space Sweepers" là bộ phim được huy động vốn từ cộng đồng.

Theo đó, các nhà đầu tư sẽ được phát hành trái phiếu ứng với số tiền họ đã bỏ ra, đồng thời nhận một phần lợi nhuận của phim theo giá trị số cổ phiếu mà họ nắm giữ.

Tương tự, các nhà đầu tư trong Space Sweepers đã được phát hành trái phiếu. Số tiền tối thiểu mà công chúng tài trợ thông qua Crowdy là 500.000 won (khoảng 10 triệu VND) và phim sẽ tạo ra lợi nhuận nếu doanh số bán vé vượt quá 5,8 triệu lượt xem, nhưng họ cũng chịu rủi ro lỗ nếu phim không đạt được điểm hòa vốn. Được biết, chi phí sản xuất Space Sweepers vào khoảng 24 tỷ won (gần 20 triệu USD), là phim thương mại lớn đầu tiên huy động vốn từ cộng đồng.

"Ê-kíp sản xuất hay diễn viên đều đang mời gọi công chúng và người hâm mộ tham gia góp vốn. Thay vì chỉ là khán giả đơn thuần, người xem sẽ trực tiếp đóng góp vào thành công của tác phẩm” - Kim Ju-won, người quản lý của Crowdy cho biết.

Nếu chiến dịch thành công sẽ cung cấp một tiêu chuẩn mới cho ngành công nghiệp điện ảnh hiện tại và tương lai: “Cách mọi người tiếp cận và xem phim đang có nhiều thay đổi, nhưng tôi tin rằng rạp chiếu phim sẽ không biến mất hoàn toàn. Phương thức huy động vốn từ cộng đồng cũng là cách để tìm hiểu xu hướng thể loại, dòng phim mà khán giả đang yêu thích để mạnh tay hơn khi đầu tư các sản phẩm” - Kim Ju-won nói.

Kim Ji-Young, Born 1982, Forbidden Dream và The Divine Fury… từng áp dụng phương thức huy động vốn cộng đồng.
"Kim Ji-Young, Born 1982", "Forbidden Dream" và "The Divine Fury"… từng áp dụng phương thức huy động vốn cộng đồng.

Kỷ nguyên trực tuyến

Khi hàng loạt các buổi hòa nhạc, sự kiện bị hủy bỏ cũng là lúc K-pop chứng minh sức công phá khủng khiếp trên nền tảng kỹ thuật số, được xem là thế mạnh của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Việc xây dựng fandom (cộng đồng người hâm mộ) vững chắc toàn cầu đã giúp những nhóm nhạc nổi tiếng như BTS, Blackpink, Twice... càn quét các bảng xếp hạng âm nhạc lớn nhỏ, kể cả thị trường khó tính như Anh và Mỹ.

Các ca khúc K-pop: Dynamite (BTS), How you like that, Ice Cream (Blackpink) liên tục nằm trong top dẫn đầu Billboard Hot 100, iTunes Top Songs..., xác lập nhiều thành tích lịch sử cho thị trường âm nhạc Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung. Buổi hòa nhạc trực tuyến Bang Bang Con: The Live của BTS vào tháng 6 còn thu hút hơn 756.000 khán giả đến từ 107 quốc gia khác nhau, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

“Thật kỳ lạ, sự hiện diện toàn cầu của làn sóng Hallyu đã trở nên mạnh mẽ hơn, sau khi người dân trên khắp thế giới phải ở nhà trong mùa dịch. Điều này khiến họ chuyển hướng sang các hình thức giải trí, chẳng hạn như phim, trò chơi, chương trình truyền hình và các buổi hòa nhạc trực tuyến - vốn đã là những mặt hàng xuất khẩu văn hóa chủ lực của Hàn Quốc” - Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Hàn Quốc, ông Park Yang-woo bất ngờ trước sự phát triển bền vững của K-pop, bất chấp đại dịch.

BTS trong buổi hòa nhạc trực tuyến Bang Bang Con: The Live'.
BTS trong buổi hòa nhạc trực tuyến "Bang Bang Con: The Live".

Không thể phủ nhận thành công này đến từ chính sự năng động, thích ứng tốt và không ngại thử nghiệm các phương pháp mới mẻ. “Đối mặt với COVID-19, ngành công nghiệp văn hóa đang áp dụng các phương pháp mới, chẳng hạn như phát trực tuyến và dịch vụ OTT, cung cấp nội dung như âm thanh, video chất lượng cao cho người tiêu dùng” - Park Yang-woo cho biết.

Bộ trưởng cũng chia sẻ thêm, chính phủ đang lên kế hoạch cụ thể về việc dành 113 tỷ won (95 triệu USD) cho công nghệ R&D, bao gồm công nghệ thực tế ảo VR, thực tế ảo tăng cường AR và trí tuệ nhân tạo (AI) vào năm 2021, tăng 18% so với 95,6 tỷ won của năm nay. Điều này nhằm chuẩn bị cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kỷ nguyên 5G và 6G, tạo ra một môi trường bền vững cho sự lan tỏa toàn cầu của quyền lực mềm Hàn Quốc. Qua đó, khuyến khích các triển lãm và nhiều buổi hòa nhạc được phát trực tuyến, hỗ trợ, nuôi dưỡng nguồn nhân lực trẻ tài năng.

Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI