Sân khấu du lịch: Mộng đẹp, thực tế xa xôi

26/07/2020 - 09:36

PNO - Nhiều hoạt động nhằm phát triển loại hình du lịch kết hợp văn hoá - nghệ thuật tại TPHCM đã, đang và sẽ thực hiện nhưng hiệu quả thì vô chừng.

Chỉ vì... COVID-19?

Mekong show, vở diễn được kỳ vọng sẽ thu hút khách du lịch đã được công diễn vào đầu tháng 7 vừa qua. Đây là vở diễn trọng tâm trong năm 2020 của Nhà hát Phương Nam, được dàn dựng để phục vụ khán giả trong nước và quốc tế nhưng trước tình hình dịch COVID-19, hiện Mekong show chỉ phục vụ khán giả trong nước. Tuy nhiên các buổi công diễn, lượng khách đến xem không được như kỳ vọng.

“Sở Văn hoá – Thể thao thành phố đầu tư hơn 1 tỷ đồng để nhà hát dàn dựng vở. Bên cạnh các em học sinh cấp 2, 3, Mekong show hướng đến phục vụ khách du lịch trong nước và khách quốc tế. Tuy nhiên, do dịch bệnh ảnh hưởng nên các tour du lịch đến Việt Nam chưa được mở cửa. Điều này cũng gây khó cho nhà hát khi chúng tôi không đo được sở thích của khán giả quốc tế như thế nào”, ông Lê Diễn – Giám đốc Nhà hát Phương Nam chia sẻ.

Vở Mekong show do Nhà hát Phương Nam dàn dựng lấy cảm hứng từ hành trình khai khẩn phương Nam của người Việt.
Vở Mekong show do Nhà hát Phương Nam dàn dựng lấy cảm hứng từ hành trình khai khẩn phương Nam.

Theo ông Phan Quốc Kiệt – Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, hiện nhà hát cũng đang nghiên cứu dựng vở cho sân khấu du lịch. Từ sau đợt triển lãm 100 năm sân khấu cải lương, nhà hát Trần Hữu Trang mong muốn thực hiện một số sản phẩm hướng đến sân khấu du lịch, nhưng ông Kiệt cho biết, phải nghiên cứu thêm để phù hợp với du khách quốc tế. Ngoài ra, vì dịch COVID-19 nên các hoạt động chuẩn bị của nhà hát cũng chịu ảnh hưởng.

Trong danh sách thống kê những hoạt động đã, đang và sẽ thực hiện để phát triển sân khấu du lịch do Sở Văn hoá – Thể thao TPHCM (Sở VH-TT) phối hợp với các đơn vị, thấy được sự quan tâm của sở, đặc biệt trong việc thực hiện chủ đề năm 2020 của TPHCM - “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và thực hiện nếp sống văn minh đô thị”.

Trong đó, các hoạt động được kể như: chương trình nghệ thuật Hát Bội ra mắt vào ngày 19/7/2020 tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố và Lăng Lê Văn Duyệt vào sáng chủ nhật cách tuần trong tháng; chương trình đờn ca tài tử, cải lương do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang thực hiện mỗi tháng bắt đầu từ tháng 7/2020; Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch với những chương trình, vở diễn đầu tư trọng điểm như vở múa Kiều, chương trình hoà nhạc với các tác phẩm của Ludwig van Beethoven, Nights of Film Music; chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố, kết hợp nghệ thuật truyền thống, đương đại ra mắt vào ngày 4/7/2020 tại đường đi bộ Nguyễn Huệ...

Các tiết mục xiếc, ảo thuật kết hợp với múa rối nước tạo nên sự đặc sắc cho Mekong show.
Các tiết mục xiếc, ảo thuật kết hợp với múa rối nước tạo nên sự đặc sắc cho Mekong show.

Ngoài các hoạt động đã diễn ra, Sở Văn hoá – Thể thao TPHCM cũng thống kê các hoạt động đã lên kế hoạch nhưng bị tạm hoãn do dịch COVID-19 để thấy sở có sự chuẩn bị cho việc phát triển sân khấu du lịch. Tuy nhiên, vì dịch COVID-19, một lần nữa, gần như mọi kế hoạch đều phải chờ.

Mộng đẹp – Đường xa

Vì dịch, sân khấu du lịch chậm triển khai một số nội dung liên quan để đẩy mạnh hoạt động phát triển du lịch gắn với các loại hình văn hoá – nghệ thuật. Đây là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, dịch COVID-19 không phải là lý do để các đơn vị cũng như Sở Văn hoá – Thể thao TPHCM vin vào để nhằm lý giải cho những khiếm khuyết đã tồn tại trong thời gian dài vừa qua.

Theo ông Diễn, Mekong show hiện chưa thể diễn cho khán giả quốc tế để biết vở có thu hút họ hay không nhưng nếu không có dịch, việc phát triển sân khấu du lịch lâu nay cũng đã gặp khó, khó thu hút. “Sân khấu du lịch không chỉ cần chất lượng vở diễn mà còn cần cơ sở vật chất đảm bảo, địa điểm, giờ giấc, giá vé làm sao phù hợp với các tour du lịch. Cho nên, để làm được một tour du lịch diễn ra ổn định đôi khi thiếu trước, hụt sau. Nhìn chung, ngoại trừ À ố show và rối nước Rồng Vàng, gần như chưa có chương trình nào ổn định, đi vào hoạt động”, ông Diễn nói.

Hình ảnh trong vở Kiều do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch TPHCM kết hợp với Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam.
Hình ảnh trong vở Kiều do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch TPHCM kết hợp với Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam.

Ông Diễn cho rằng nên nhìn vào tình hình sân khấu thực tế về cơ sở vật chất, trang thiết bị để có kế hoạch phát triển đúng. Một rạp hát xập xệ, nóng bức thậm chí đến nhà vệ sinh cũng chỉ tạm đáp ứng nhu cầu chứ không đủ sạch sẽ cũng là yếu tố mà sân khấu du lịch tại thành phố khó có thể đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế.

Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang- ông Phan Quốc Kiệt cũng khẳng định, làm sân khấu du lịch cần mang tính đồng bộ và phải được nghiên cứu, tính toán cẩn thận từ khâu chuẩn bị để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp. Sân khấu du lịch khó có thể thành công trong một sớm một chiều.

Sự phát triển mang tính đồng bộ mà ông Kiệt nhắc tới có bao hàm ý kiến của NSƯT Hữu Danh – tác giả vở hát bội Sinh vi tướng, tử vi thần, hiện đang giữ vai trò quan trọng trong việc đào tạo lực lượng trẻ của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM.

Khán giả đến với sự kiện Hò dô diễn ra tại đường đi bộ Nguyễn Huệ. Hò dô là sự kiện tổ chức thành công khi mời được nhiều nghệ sĩ quốc tế cũng như giới thiệu được đời sống văn hoá nghệ thuật hiện tại của Việt Nam.
Khán giả đến với sự kiện Hò dô diễn ra tại đường đi bộ Nguyễn Huệ. Hò dô là sự kiện tổ chức thành công khi mời được nhiều nghệ sĩ quốc tế cũng như giới thiệu được đời sống văn hoá nghệ thuật hiện tại của Việt Nam.

Ông cho rằng các loại hình nghệ thuật truyền thống đang thiếu một lượng nhân sự trẻ. “Giới trẻ bây giờ không muốn tham gia nghệ thuật hát bội còn đội ngũ hiện tại của nhà hát chỉ tầm 3-5 năm nữa sẽ đồng loạt về hưu. Các bộ, ban, ngành có vạch ra một vài nguyên nhân và đang tìm cách khắc phục nhưng chưa hiệu quả. Về trăn trở của NSƯT Hữu Danh, Sở Văn hóa - Thể thao thành phố cho biết đang phối hợp cùng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam xây dựng Đề án về khuyến khích nguồn lực xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Nhưng theo ông Danh, một số toạ đàm, hội thảo đã được tổ chức nhưng chưa tìm được lối ra.

Sân khấu du lịch muốn phát triển phải có tiềm lực về nhân sự, cơ sở vật chất, sự phối hợp nhịp nhàng giữa Sở Văn hoá – Thể thao, Sở Du lịch và các đơn vị liên quan. Tuy nhiên động chạm đến vấn đề nào trong nội hàm sân khấu du lịch cũng thấy khó khăn và cụm từ "cần thời gian". 

Trong văn bản trả lời từ Sở Văn hoá – Thể thao với Báo Phụ Nữ TPHCM về những vấn đề cần tháo gỡ để đẩy mạnh hiệu quả trong việc xây dựng sân khấu du lịch, đáng tiếc những câu trả lời chưa đi vào trọng tâm. Những hạn chế về mặt chính sách, cơ sở vật chất, nhân lực chỉ được điểm qua mà chưa chỉ ra cách khắc phục. Khi không khắc phực được những tồn tại thì e chừng, hành trình đến với ước mơ càng không dễ dàng.

Sân khấu du lịch TPHCM gặp nhiều bất cập để "cất cánh" là vấn đề không mới, nhưng đáng buồn khi những câu chuyện cũ vẫn cứ nhắc đi nhắc lại mà chưa có giải pháp rõ ràng. Sau bao nhiêu năm, sân khấu du lịch vẫn cứ là chuyện của "bầu tư nhân", còn các đơn vị nhà nước vẫn cứ loay hoay "mở đường" mà chưa biết bao giờ mới về tới đích?!

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI