Sân golf không có tội!

11/06/2017 - 15:00

PNO - Sân golf không có tội. Người ta đã lợi dụng một hoạt động thể thao cần đến một khoảng không gian lớn để "xí" đất phục vụ cho mục đích khác.

Sân golf rộng 157 ha nằm trong sân bay Tân Sơn Nhất xây dựng từ năm 2007, khai trương năm 2017 không chỉ có sân golf 36 lỗ rộng thêng thang mà còn có cả khách sạn, biệt thự, căn hộ, nhà hàng… lộng lẫy như cung điện từ lâu đã bị cử tri chất vấn và báo chí tốn không biết bao nhiêu giấy mực nhưng vẫn thản nhiên tồn tại.

Trong khi đó sân bay đang quá tải, ngành hàng không bất lực chưa tìm ra được phương án để mở rộng sân bay vì không còn đất. Một điều khiến cho dư luận bức xức khi áp lực giao thông ở cửa ngõ duy nhất là tuyến đường Trường Sơn vào sân bay tình trạng kẹt xe là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân, đặc biệt là hành khách đi máy bay.

San golf khong co toi!
Toàn bộ sân C nằm sát hàng rào cây xanh ngăn cách giữa đường băng cất cánh, hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh: Dân Trí)

Nếu sân golf này được xây dựng trên một vùng đất hoang hóa, một vùng đất không có khả năng sản xuất nông nghiệp, nằm trong qui hoạch, phù hợp với phát triển địa phương, tạo mảng xanh và thu hút khách du lịch… chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ và đồng thuận của xã hội.

Từ câu chuyện sân golf trong sân bay càng khiến cho dư luận hoài nghi về tính minh bạch của các dự án liên quan đến môn thể thao quý tộc này.

Một thực trạng đang tồn tại hiện nay là tỉnh thành nào cũng đề xuất bổ sung qui hoạch xây dựng sân golf, nơi này nơi khác xén đất trong nội đô, đất nông nghiệp để làm dự án golf… dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thừa; rồi chuyện hoài nghi về sân golf có thể gây ô nhiễm môi trường vẫn chưa có một nghiên cứu đánh giá chính xác từ thực tế khiến cho dư luận hoang mang.

Một dự án khoác áo sân golf nằm ngay trên địa bàn Quận 2 có tên thương mại là Saigon Golf, Country Club and Residences cũng chính là “người anh em” của chủ đầu tư sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo quy hoạch, dự án chia thành hai khu vực: Khu nhà ở diện tích 22 ha với 193 nền nhà biệt thự, nhà liên kế sân vườn và 2 blocks chung cư với 132 căn hộ cao cấp với 8 căn penthouse độc đáo; Khu liên hợp sân golf rộng lên đến hơn 92 ha với các công trình như CLB sân golf, khu nghỉ dưỡng spa, sân golf 18 lỗ, khách sạn 400 phòng...

Tuy nhiên, hàng chục năm trôi qua, dự án này vẫn chỉ nằm trên giấy và đang âm thầm xóa chức năng golf để phù phép thành khu đô thị.

Một minh họa sinh động khác, là sân golf Phan Thiết. Sau khi mua lại của nhà đầu tư nước ngoài, tập đoàn Rạng Đông ngay lập tức xin chuyển thành khu đô thị. Điều này đã làm xảy ra cuộc xung đột giữa hội viên và ông chủ mới của sân. Sự việc diễn ra trong một thời gian dài và cuối cùng “lá phổi xanh” của thành phố Phan Thiết đang bị biến thành khu đô thị trong nay mai.

Cần nhìn nhận một cách khách quan rằng việc phát triển sân golf đã tạo nên môi trường đầu tư tốt, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và khách du lịch đến Việt Nam. Các dự án sân golf đã tạo công ăn việc làm cho lao động, hoàn thiện hạ tầng cảnh quan, thúc đẩy thu hút đầu tư… đã đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Nhiều khu vực có sân golf phát triển trên những vùng đất hoang hóa, đất trống, đồi trọc, cồn cát ven biển... đã có sự thay đổi tích cực, trở thành những điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và thu hút khách du lịch quốc tế.

Ngược lại, nếu việc đầu tư sân golf trên đất nông nghiệp đang khai thác trong các khu đô thị mà quỹ đất khan hiếm như Q.2 (TP.HCM), trong khu vực sân bay như Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Long Biên (Hà Nội)... chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, ảnh hưởng đến an toàn bay...

San golf khong co toi!
Áp lực giao thông ở cửa ngõ duy nhất vào sân bay là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân

Một điều mà dư luận đặc biệt quan tâm là chuyện nhập nhèm giữa làm thể thao, phát triển du lịch với kinh doanh bất động sản. Chỉ có những người trong nghề mới biết rằng chỉ có lập dự án sân golf mới xin được nhiều quỹ đất một cách hợp lý; bởi trung bình một sân golf 18 lỗ chiếm khoảng 80-100ha, cứ thế, khi lập dự án, các chủ đầu tư vẽ lên những dự án sân golf lý tưởng 27 lỗ, 36 lỗ, 54 lỗ… để sở hữu được diện tích đất như kỳ vọng.

Sau khi được phê duyệt, nhiều chủ đầu tư triển khai hạ tầng, song song đó tiến hành thủ tục xin điều chỉnh mục đích sử dụng trong giấy phép để chuyển từ golf sang khu đô thị hoặc khu phức hợp nghỉ dưỡng…

Với một động tác lách luật này, nhiều dự án sân golf trở thành khu đô thị với giá trị sử dụng đất tăng lên gấp cả ngàn lần.

Theo quyết định 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện quy hoạch sân golf đến năm 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ, sẽ bổ sung thêm 28 sân golf vào quy hoạch với tổng diện tích đất xây dựng là 3.812ha, nâng tổng số sân golf đến năm 2020 là 115 sân.

Tuy nhiên, đến nay, dường như các dự án được khoác áo sân golf không còn dừng lại ở những con số trên mà đã biến hóa nhảy múa theo thời gian. Không biết rồi đây sẽ còn bao dự án sân golf trên cả nước được chủ đầu tư khoác áo mới theo phiên bản của sân golf  Phan Thiết?

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trên cả nước hiện nay có hơn 30 sân golf đi vào hoạt động, trong số đó có khoảng 3-5 sân golf hoạt động có lãi thuần túy từ dịch vụ golf, số còn lại sống nhờ vào các dịch vụ nghỉ dưỡng, bất động sản…

Tại sao lĩnh vực golf kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn đủ hấp lực để thu hút các nhà đầu tư rót tiền vào các dự án golf?

Chưa kể sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất đến thời điểm này không chỉ dừng lại ở vấn đề quá tải của ngành hàng không mà còn là vấn nạn kẹt xe ngay cửa ngõ ra vào thành phố, đẩy mạnh thêm vấn đề cấp bách trong quá trình đầu tư sân bay quốc tế Long Thành… Vấn đề đã hiện rõ ở đây, là người ta đặt sân golf không đúng chỗ và lợi dụng chúng để đạt được một mục đích khác phía sau mà ai cũng biết: là bất động sản!

Chỉ cần như thế, đủ hiểu, sân golf nào có tội.

Thu Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI