Sài Gòn - TPHCM nghĩa tình bao thế hệ

12/01/2021 - 08:52

PNO - Sáng 10/1, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Thủ Đức tổ chức chương trình đi bộ đồng hành “Thủ Đức nghĩa tình” gây quỹ chăm lo bà con nghèo, quyên góp được hơn 3,9 tỷ đồng.


Sáng 10/1, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Thủ Đức (TPHCM) tổ chức chương trình đi bộ đồng hành “Thủ Đức nghĩa tình” gây quỹ chăm lo bà con nghèo. Hơn 3,9 tỷ đồng là số tiền quỹ Vì người nghèo quận Thủ Đức tiếp nhận. Con số không khỏi gây bất ngờ, song nhiều người cho rằng “thường tình thôi” vì người Sài Gòn - TPHCM vốn… nghĩa tình.

Câu chuyện từ buổi đi bộ…

Trong tiết trời se lạnh, hơn 1.500 vận động viên nghiệp dư là người dân, cán bộ, công chức, công nhân, học sinh, sinh viên tham gia đi bộ gây quỹ. Dẫn đầu là bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM, cùng nhiều lãnh đạo của mặt trận, các đoàn thể ở TPHCM. Những bước chân với cùng một mục tiêu - vì những người nghèo. 

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM (giữa) cùng lãnh đạo các đơn vị ở TP.HCM đi bộ đồng hành quyên góp vì người nghèo ẢNH: MẪN NHI
Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM (giữa) cùng lãnh đạo các đơn vị ở TPHCM đi bộ đồng hành quyên góp vì người nghèo - Ảnh: Mẫn Nhi

Tiếng reo mừng xua hết nỗi mệt nhọc khi chương trình thông báo con số hơn 3,9 tỷ đồng tiếp nhận từ 133 doanh nghiệp, tập thể, cá nhân đăng ký, đóng góp ủng hộ. Toàn bộ số tiền này sẽ dành cho các hoạt động chăm lo bà con nghèo, trước mắt là trao các phần quà hỗ trợ để bà con vui đón tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Không chỉ ở quận Thủ Đức, ngay trong những ngày đầu năm này, các tổ chức Hội, Đoàn ở thành phố đều tất bật với kế hoạch chăm lo cho người dân. Nhiều nơi lấy chung một tên gọi cho hoạt động là “Xuân yêu thương - Tết nghĩa tình” như bày tỏ sự khát khao mang về cho người dân một cái tết trọn vẹn, để nhà nhà, người người có tết. Có thể tính được từ trong các kế hoạch này là hơn 70 tỷ đồng, gần 70.000 phần quà tết, 35.000 vé xe nghĩa tình, hàng ngàn nồi hột vịt kho, hàng tấn bánh chưng, bánh tét cùng mứt tết… 

Không chỉ có tết, cứ đến dịp lễ, sự kiện lớn lại là “cái cớ” để người dân thành phố san sẻ yêu thương, nghĩa tình. Nhìn lại năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên mọi lĩnh vực, thiên tai hoành hành tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Trong khó khăn, sự hào hiệp, tấm áo nghĩa tình của thành phố đã mang hơi ấm cho từng người, từng gia đình. 

... Đến di sản của người Sài Gòn - TPHCM

Ngay trong những ngày dịch bệnh, hàng ngàn phụ nữ thành phố xắn tay áo vào các bếp cơm tình thương nấu hàng triệu suất cơm mang tặng người khó khăn, mất việc vì dịch bệnh. Cây gạo ATM độc đáo đã xuất hiện tại quận Tân Phú, rồi về huyện Bình Chánh, quận 3... 

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM, trao quà cho người dân sau buổi đi bộ gây quỹ
Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM, trao quà cho người dân sau buổi đi bộ gây quỹ

Noi gương bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Quýt, quận Gò Vấp, ở  tuổi 96 vẫn hối hả ngồi may khẩu trang, quyên tặng người khó khăn; hàng ngàn người đàn bà thức trắng may khẩu trang, làm tấm chắn giọt bắn, đan tai giả đeo khẩu trang gửi về các khu cách ly, trao đến y bác sĩ, bộ đội nơi tuyến đầu chống dịch…

Rồi những ngày đầu tháng Mười, khi các cơn bão dữ đổ bộ vào miền Trung, người dân TPHCM cũng đứng ngồi không yên. Nhiều hộ dân, văn phòng khu phố, ấp từ quận 3, 6, 11, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Cần Giờ… trở thành nơi tập kết hàng cứu trợ, nơi gói bánh tét, bánh chưng, phân chia gạo, mì tôm, thực phẩm các loại để những chuyến xe hàng kịp liên tiếp đưa về với người dân miền Trung.

Lẽ đó, trong một dịp đóng góp ý kiến hiến kế về việc xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, vì hạnh phúc của nhân dân (do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức vào tháng 6/2020), phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Phương Duy, giảng viên Học viện Cán bộ TPHCM, đã nhắc lại cột mốc 1980 - khi TPHCM khởi phát phong trào xây nhà tình thương, nhà tình nghĩa.

Ông nói: “Đó là giai đoạn còn chưa mở cửa, thành phố và đất nước đang đối diện rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, lời hiệu triệu đóng góp xây nhà tình nghĩa, tình thương đó của Đảng bộ, chính quyền thành phố đã khơi trúng tâm tư của người dân. Bởi khơi trúng mạch nguồn của nếp sống tử tế, hào sảng và nhân ái của người dân Sài Gòn xưa cũ, nên chương trình nhà tình nghĩa, tình thương, rồi các cuộc vận động Vì người nghèo ra đời sau đó, lần lượt tiếp nối thành công”. 

Ông Duy khẳng định, phong trào thiện nguyện - nghĩa tình ở TPHCM là sự bắt đầu của tiến trình hình thành ý thức xã hội mới để dần dần trở thành một nét tâm lý mới thể hiện tính đặc thù yêu nước, tinh thần xả thân, đức hy sinh cao cả, tấm lòng vì người khác, sự cao thượng vốn có của người Việt và sự trưởng thành vượt bậc về văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế. Phong trào thiện nguyện - nghĩa tình ở TPHCM đã trở thành một di sản quý báu của người Sài Gòn nói riêng. 

Ngược dòng lịch sử, mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, thành phố mang tên Bác lại có những khẩu hiệu hành động thể hiện mục tiêu, quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền và toàn dân. Trong giai đoạn phát triển nào, “nghĩa tình, đoàn kết” cũng trở thành nền tảng, môi trường văn hóa, là sợi dây tinh thần gắn kết truyền thống, hiện tại và tương lai; là những giá trị đạo đức, bảo tồn bản sắc dân tộc, giúp cho thành phố phát triển nhanh, mạnh, bền vững. Các yếu tố ấy hòa quyện và làm nên sức mạnh, sức bật thực sự của thành phố trẻ.  

Nhiều người nhận định, thực hiện chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” theo phát động của Thủ tướng Chính phủ, với chính quyền và nhân dân TPHCM… không khó! Bởi, nếu kể về chỉ tiêu các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo thì hầu như chưa có mặt trận, đoàn thể, chính quyền nào bị hụt. Con số luôn vượt đến 200-300% so với chỉ tiêu đề ra trong việc chăm lo cho người nghèo, các gia đình khó khăn đã nói lên điều này. 

 Nghi Anh

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI