Rì rầm trong tiếng đất...

07/02/2017 - 15:39

PNO - Đất trở mình, đất đón nhận những cuộc cải tạo, hóa sinh, hấp thụ mới. Những vụ mùa không còn thụ động theo thời tiết - cũng đang biến đổi thất thường...

Không phải vô tình mà ngay trong những ngày đầu năm Đinh Dậu, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xông đất bằng việc nhấn nút khởi động chuỗi quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam, từ đó, “bổ đề cơ bản” của nền nông nghiệp quốc gia đã được người đứng đầu chính phủ tìm thấy những phép giải đầu tiên.

Không phải ngẫu nhiên mà trong ngày làm việc đầu năm của bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, là cuộc “hành đàm” từ nông dân Củ Chi đến nhà xưởng của tập đoàn Vinamilk để kết nối phân tích - chỉ đạo hướng hoạt động tam giác nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp trong câu chuyện chủ động nguồn nguyên liệu và nỗi đau đáu của ông về “người chủ nông dân” ngay trên ao vườn, ruộng đất của mình.

Cũng là ông, tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, trao đổi với những nhà quản lý - khoa học nông nghiệp, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM nói, người nông dân phải làm giàu trên mảnh đất của chính họ từ công nghệ cao. Vẫn là ông, thói quen của tư duy - hành động, hỏi, người nông dân Củ Chi, ngoài mua hạt giống tại Khu nông nghiệp công nghệ cao, thì họ được gì nữa từ đây?...

Ri ram  trong tieng dat...
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng và ban lãnh đạo Công ty Vinamilk cùng tham quan nhà máy sản xuất sữa

Khởi hành cho một năm lại là cuộc trở về mang tính cội nguồn - một quốc gia nông nghiệp, một nền văn minh lúa nước, một dòng chảy văn hóa làng xã với tính cố kết cộng đồng - cộng cảm, một biểu tượng quyền lực thuộc về thủ lĩnh nhân dân. Nó hoàn toàn khác biệt quốc gia láng giềng phương Bắc với sự chồng lấn của nền văn minh du mục - đô thị, của chủ nghĩa Trung Hoa trung tâm (sinocentrisme) với lý thuyết bình thiên hạ, dẫn đến việc xác lập quyền lực đế vương - làm biểu tượng.

Một trong những huyền thoại anh hùng của dân tộc Việt cũng khởi nguyên từ đồng ruộng, khi người mẹ ướm một bàn chân lạ mà hạ sinh ra Gióng, bảy nong cơm, ba nong cà nuôi Gióng lớn như thổi để ngày nước nhà lâm nguy, Gióng hóa thành sức mạnh vô song, nhổ tre đánh đuổi giặc thù.

Những sáng kiến của nông dân trong mấy năm trở lại đây, đôi khi lại vô tình (hay là cố ý của một bộ phận truyền thông) đặt họ lên bàn cân phát minh khoa học, tạo ra một phép đối sánh không tương thích để rồi vừa cào bằng và mặc sức chì chiết các nhà khoa học (thực thụ) vừa lộng kiếng những gương mặt dãi dầu, mà quên đi đã tồn tại ngàn năm cái trí khôn dân gian, dòng chảy folklore sáng tạo không ngừng sau những lũy tre làng, trên những triền đê, đồng ruộng.

Nông nghiệp - nông thôn - nông dân, trước khi là một chính sách, một nghị quyết đã là một thực thể sống động, bền chặt và căn cốt, là thành lũy của quốc gia này, của dân tộc này đi từ khởi thủy đến hành trình dựng nước, giữ nước, kiến tạo - phát triển đất nước. Bởi suy cho cùng, để công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa thành công thì sức mạnh nội sinh Việt Nam chính là cuộc phục sinh và kiến tạo từ nền tảng nông nghiệp quốc dân trong chỉnh thể tam nông.

Phát triển nền kinh tế nông nghiệp công nghệ cao - chất lượng cao, hướng đến phục vụ thị trường nội địa, khai thông nguồn nhân lực, từ nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp với bệ đỡ là nhà nước, đó chẳng phải là sức mạnh tự thân, là điều kiện và là hành trình khởi nghiệp tự lực của một quốc gia nông nghiệp.

Dĩ nhiên, lược bỏ những hạn chế, tiêu cực của tư duy khép kín, bế quan, manh mún, trì trệ… yếu tố “công nghiệp - hiện đại” được tận dụng như một công cụ, một phương thức chủ đạo trong vòng tròn kinh tế nông nghiệp sản xuất - phân phối - lưu thông - trao đổi.

Chỉ khi tận mắt nhìn thấy sự thất bát của trái cây Việt Nam trước sức xâm lấn của trái cây ngoại, trong đó chủ yếu là trái cây Thái Lan, chúng ta mới… giật thót, xám hồn; mà không thấu thị tầm nhìn, sức đầu tư của nước bạn về lĩnh vực nông nghiệp lương thực từ cả hơn chục năm trước.

Cố Quốc vương Thái Lan, Bhumibol Adulyadej, với hình ảnh quen thuộc là cuốn sổ, chiếc máy ảnh, ông vi hành thường xuyên, liên tục về các làng mạc, nông trang, ông trò chuyện, ghi chép và tìm cách giúp đỡ nông dân, từ giới thiệu giống cây trồng đến bảo tồn nguồn nước, ông khuyên nhủ người dân không chặt rừng để rừng giữ nước, cây giúp nước ít bốc hơi hơn vào mùa khô, để tích lũy nước tưới tắm cho cây, cho đất…

Sinh viên Thái, ngành nông nghiệp, từ năm thứ 2 sẽ được thực tập trên đồng ruộng, học hỏi từ chính nông dân, nguồn tri thức không chỉ được nâng cao từ sách vở mà còn thu nhặt trên mỗi luống cày. Sức mạnh của đất (theo nghĩa của tên Quốc vương Bhumibol Adulyadej), hay xứ sở (land) của người Thái (Thai) đã được đánh thức từ một tâm thức nông nghiệp - là thế!

Một nền nông nghiệp công nghệ cao phải cần được nhận diện cho đúng với bản chất của từng thể, từng loài, từng giống cây con, để chuỗi quy trình nghiên cứu - ứng dụng - triển khai - kiểm định - thu hoạch phải xuất phát và đảm bảo vận hành theo tính quy luật, tính khoa học; và đặc biệt là tính trung thực (vốn đã bao hàm trong tính khoa học) bởi nếu chỉ là sự vay mua, mò đoán, chắp vá, lệ thuộc thì chiếc áo công nghệ không bao giờ che nổi cái sinh thể nông nghiệp đang yếu ốm, xanh xao.

Tận cùng, nông nghiệp công nghệ cao chưa bao giờ là một cuộc thoát xác khỏi môi sinh tự nhiên đang lưu chuyển khôn lường. Những nghiên cứu, tìm tòi, ứng dụng của khoa học là giúp cho cây trồng, vật nuôi (kể cả con người) thích ứng, tồn tại được với sự biến đổi của môi trường sinh dưỡng, của những hệ lụy từ đột biến gen, từ những thay đổi không dễ nhìn thấy của bào quan, của những kháng thể đơn bào, đa bào, vi sinh…

Đất trở mình, đất đón nhận những cuộc cải tạo, hóa sinh, hấp thụ mới. Những vụ mùa không còn thụ động theo thời tiết - cũng đang biến đổi thất thường. Người nông dân không còn phải thấp thỏm “trông trời trông đất trông mây/ trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm”, nhưng lại đủ chân cứng đá mềm, đủ tri thức và sự “tầm soát” của khoa học, để chủ động nguồn giống, nguồn nguyên liệu, các chế phẩm sinh học giúp ức chế, kích thích, tăng trưởng quá trình sinh sôi các vi sinh vật có lợi trước các vi sinh vật có hại, tăng tính quang hợp của cây và phục hồi nguồn môi sinh cho đất, cho nước, cho hệ sinh thái thiên nhiên mà con người vĩnh viễn nương tựa. 

LÊ HUYỀN ÁI MỸ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI