Rác tràn lan nơi cửa ngõ thành phố

22/01/2021 - 08:05

PNO - Ở các cửa ngõ vào thành phố, những xe hàng rong và những khu chợ tự phát ngang nhiên xuất hiện. Trong quá trình mua bán, các chợ tự phát và những xe hàng rong này đã để lại một lượng rác không nhỏ, góp phần gây ô nhiễm môi trường thành phố.

Cửa ngõ từ Long An vào TPHCM trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh “chào đón người đi đường” bằng biển báo mua đồng nát, nối tiếp là dãy “chợ” kéo dài hơn 5km với các loại xe ba gác trái cây, rau củ quả, thịt cá “di động” phơi dưới nắng và bụi bặm.

Xe nào cũng đầy ắp hàng hóa nhưng không hề có thùng chứa rác. Chất thải loại từ quá trình mua bán được thải ngay bên lề đường, kể cả những chất thải dễ bốc mùi như cá mắm và hải sản. Lâu ngày thành thói quen, người bán hàng rong cũng mặc định đường phố là nơi chứa rác. Chỉ khổ người đi đường mỗi khi có gió mạnh là rác bốc mùi, bụi và bao ni-lông bay khắp đường. 

Một đống rác ngay trên vỉa hè với tấm bảng “cấm đổ rác”
Một đống rác ngay trên vỉa hè với tấm bảng “cấm đổ rác”

Ở đoạn đi qua H.Bình Chánh, các xe hàng rong “quây quần” trước các khu công nghiệp như những bùng binh di động để phục vụ công nhân. Sau giờ tan ca, đủ các loại xe từ trong nhà máy chạy ra, xe buýt đón công nhân, xe máy tấp vào đi chợ tạo ra một khung cảnh khá náo loạn. 

Trong giờ cao điểm tại những tuyến đường có mật độ lưu thông cao như Huỳnh Tấn Phát, Q.7, người lưu thông trên đường phải luồn lách qua đám đông xe cộ bao quanh trước những xe hàng rong. Hiện tượng bất thường ấy lâu ngày đã trở thành bình thường đến mức người đi đường dẫu có bực mình cũng chẳng dám cau mày. 

Các khu chợ tự phát này bán cả gà, vịt, các loại chim, cá, hải sản… Những chú chó con được bày bán trong lồng dưới nắng gắt bên cạnh những lồng chim quý, đại bàng. Phân của chúng thải ra đều để lại trên phố. 

Và người đi bộ sẽ cảm thấy khó chịu với rác chất thành đống ở những gốc cây. Với tình trạng xả rác vô tội vạ từ các xe hàng rong và những người thiếu ý thức thì dù công nhân vệ sinh có quét ngày quét đêm cũng không thể gom hết rác.

Theo nghiên cứu của Văn phòng Dự án tổ chức hành động vì môi trường và phát triển tại Việt Nam (Enda), Việt Nam là một trong những nước có mức rác thải nhựa cao trên thế giới, bình quân một người thải 45kg rác thải nhựa/năm. Rất khó để thống kê được số lượng rác thải từ hàng rong là bao nhiêu nhưng bằng chứng hiện hữu là khối rác này đang góp phần làm ô nhiễm môi trường thành phố.

Trên Quốc lộ 1A đoạn giao với đường Nguyễn Văn Linh, một bãi rác lộ thiên chất quanh biển báo “cấm đổ rác”. M., 23 tuổi, đang đẩy xe bán mít ở cửa ngõ Nguyễn Văn Linh, cho biết anh cũng không biết vứt rác ở đâu nên đành vứt ngoài đường. Từ An Giang lên thành phố bán hàng rong, M. rất lơ mơ về bảo vệ môi trường. 

Theo báo cáo của World Bank, vì nhận thức của cộng đồng còn thấp, việc tiếp cận hạn chế với hệ thống thu gom rác thải và tái chế chính thức dẫn đến việc xả rác thải bất hợp pháp. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn trong thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy các dòng chất thải đang tăng nhanh. 

Mỹ Huyền - Đỗ Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI