“Quên” đức nghiệp, nhà làm sách “quỵt” luôn nhuận bút nhà văn

01/07/2020 - 22:39

PNO - Nhuận bút tác phẩm đôi khi chỉ là niềm khích lệ cho lao động chữ nghĩa mà người cầm bút xứng đáng được nhận. Quỵt tiền/nợ tiền/lơ nhuận bút của nhà văn - nói theo cách nào đi nữa cũng đều đáng lên án.

Nhà văn Bùi Anh Tấn vừa chia sẻ trên facebook việc anh bị một đơn vị làm sách “nợ” tiền nhuận bút đã lâu. Nội dung dòng trạng thái đầu tiên, anh chỉ nêu bức xúc, không công khai danh tính đối tác. Chỉ một thời gian ngắn, anh nhận được email phản hồi và khoản nhuận bút trên. Sự việc sớm được giải quyết nhờ mạng xã hội. Nhưng phải “rên rỉ thảm thiết” đòi nhuận bút - theo cách nói vui của nhà văn Bùi Anh Tấn - là việc chẳng đặng đừng. 

Nhà văn Bùi Anh Tấn nhiều lần bị phải lên tiếng đòi quyền lợi
Nhà văn Bùi Anh Tấn nhiều lần bị phải lên tiếng đòi quyền lợi

Nhuận bút của nhà văn vốn không nhiều. Theo mức chi trả 10%-12% giá bìa cho một tác phẩm, nếu giá bìa 100.000 đồng/cuốn với số lượng bản in 2.000-3.000 bản, tác giả cuốn sách sẽ được nhận nhuận bút từ 20-30 triệu đồng. Nhưng nếu giá bìa chỉ vài chục ngàn đồng/cuốn, in khoảng 1.000-1.500 bản, tính ra tiền nhuận bút sau khi trừ thuế thu nhập chỉ còn lại con số ít ỏi. Việc tác phẩm được tái bản hoặc sử dụng phái sinh (ebook, audio book) cũng là cơ hội để tác giả nhận thêm chút tiền tác quyền; song, chuyện nợ/quỵt tiền nhuận bút của nhà văn lâu nay không phải là hiếm. Với bản thân nhà văn Bùi Anh Tấn, đây cũng không phải lần đầu anh gặp phải chuyện “ầu ơ” như vậy.

Người trong giới vẫn rỉ tai nhau về những cách làm tinh vi và khó có thể khiếu nại - điều được xem là “bình thường” đối với những đơn vị làm sách thiếu uy tín. Chẳng hạn: số lượng bản in nhiều hơn con số thực đăng ký với Cục xuất bản, in và phát hành và trong hợp đồng sử dụng tác phẩm; hoặc khai thác ebook (dù số nhuận bút cũng chẳng đáng là bao) nhưng không chi trả nhuận bút cho tác giả. 

Một nhà văn lớn tuổi chia sẻ, ông từng phát hiện đơn vị làm sách “ăn tiền” của mình theo cả hai cách trên, nhưng không đả động gì tới nhuận bút cho tác giả. Biết vậy, nhưng ông không “tố”, phần vì không sử dụng mạng xã hội, phần vì không muốn làm lớn chuyện. Đôi khi việc lên tiếng nghi ngờ những trường hợp như thế cũng không đạt được kết quả gì. Thậm chí còn phải nhận về sự bực bội, uất ức vì thái độ ứng xử thiếu tôn trọng của phía đối tác. 

Trong cuộc trò chuyện bên lề, một người đàn anh ngoài giới văn chương khi biết nhuận bút của nhà văn cho một cuốn sách đã giật mình thốt lên: “Bèo bọt thế sao?”. Không kể những tên tuổi best-seller, sống được bằng nhuận bút tác phẩm như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư… thì hai chữ “bèo bọt” quả phản ánh đúng thực tế. Đó là chưa kể tác giả mua thêm sách tặng bạn bè, bạn đọc, có khi còn “âm” cả tiền nhuận bút. 

Nhà văn Lê Hữu Nam là một trong số tác giả hiếm hoi lên tiếng tố cáo Bách Việt Books in vượt quá số lượng hợp đồng, tác phẩm Mật ngữ rừng xanh.
Nhà văn Lê Hữu Nam là một trong số tác giả hiếm hoi lên tiếng tố cáo Bách Việt Books in vượt quá số lượng hợp đồng, tác phẩm Mật ngữ rừng xanh.

Nhuận bút tác phẩm đôi khi chỉ là niềm khích lệ cho lao động chữ nghĩa mà người cầm bút xứng đáng được nhận. Trong hồi ức của những nhà văn từng sống được bằng ngòi bút như Mường Mán, Trần Mạnh Tuấn, mỗi tác phẩm trước kia đều in với số lượng hàng chục ngàn bản. Còn bây giờ, có khi nhà xuất bản chỉ “rón rén” in 500 bản, hoặc nhiều lắm là 1.000 bản, bán được thì mới in tiếp. Với số lượng bản in ít ỏi như vậy, nhuận bút lại càng thấp. 

Quỵt tiền/nợ tiền/lơ nhuận bút của nhà văn - nói theo cách nào đi nữa cũng đều đáng lên án. Đây là vấn đề đức nghiệp của nhà làm sách, “ăn trên đầu nhà văn” cũng là tội ác. Sau mỗi vụ việc, cũng chỉ có nhà văn, tác giả tự rút kinh nghiệm. Cách tối ưu nhất để bảo vệ mình khỏi những điều không mong đợi như trên vẫn là tìm đến, hợp tác với những nhà xuất bản có uy tín, “chọn mặt gửi vàng”. 

Hoàng Hạc 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI