Quần thể di tích Huế ngập trong biển nước

15/10/2020 - 20:35

PNO - Hầu hết các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế bị ngập lụt do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài và cơn bão số 6.

Ở miền Trung, mùa mưa bão thường kéo dài từ 1 đến 2 tháng, trong khi đó sự lưu thông nguồn nước tại kinh thành Huế rất hạn chế do hệ thống cống rãnh phần lớn đều đã bị san lấp, dẫn đến việc nhiều khu vực bị ngập úng.

Nước lũ dâng cao ở khu vực trước cổng Ngọ Môn
Nước lũ dâng cao ở khu vực trước cổng Ngọ Môn

Các di tích ở Huế đều nằm dọc theo triền sông Hương nên chịu sự chi phối mạnh mẽ của mực nước sông trong các mùa lũ, lụt. Theo kết quả khảo sát của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế, hệ thống sông Hương có diện tích lưu vực là 2.830km2, chiều dài sông 104km, độ cao đầu nguồn 900m. Do thượng lưu ngắn và dốc nên khi có mưa lũ, nước tập trung và chảy rất nhanh về hạ lưu, gây ngập lụt nghiêm trọng.

Kù Đài ngập trong lũ.
Kỳ Đài ngập trong lũ.

Vật liệu xây dựng các công trình kiến trúc lịch sử ở Huế thường là gỗ hoặc đắp đất, hoặc xây bằng vôi vữa truyền thống… nên rất dễ ngấm nước và có nguy cơ bị hủy hoại hoặc biến dạng cấu trúc do nghiêng lún, nứt gãy hoặc mối mọt.

Vì thế, các di tích ở đây không tránh khỏi những tổn thất nghiêm trọng khi bị ngập trong lũ lụt như: giảm độ vững chắc của các vật liệu xây dựng ở các kiến trúc gỗ, phần tường thành bằng đất của khu vực kinh thành dẫn đến giảm tuổi thọ của công trình; gây xói lở bờ kè hệ thống Hộ thành hào bao quanh khu vực kinh thành và bờ kè các hồ tự nhiên hoặc nhân tạo tại các di tích; hủy hoại hiện vật ngoài trời, phá hủy các di tích khảo cổ học…

Bên ngoài Hộ thành hào nước ngập sâu.
Nước lũ  sông Hương dâng cao ngập cả Nghinh Lương Đình

Quần thể Di tích Cố đô Huế bao gồm 15 di tích và cụm di tích nằm trên địa bàn 4 huyện, thị xã, thành phố là: thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của tỉnh, là cố đô của Việt Nam dưới triều nhà Nguyễn (1802 - 1945). Tại phiên họp lần thứ 17 của Uỷ ban Di sản thế giới tại Colombia năm 1993, khi quyết định công nhận Quần thể Di tích Cố đô Huế là di sản văn hoá của nhân loại, UNESCO đã khẳng định giá trị mang tính toàn cầu của quần thể này.

Theo đó, Quần thể Di tích Cố đô Huế tiêu biểu cho những thành tựu nghệ thuật độc đáo, là những kiệt tác do bàn tay con người tạo dựng, có giá trị to lớn về mặt kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật kiến trúc. Cố đô Huế cũng là một quần thể kiến trúc tiêu biểu của một thời kỳ lịch sử quan trọng, có sự kết hợp chặt chẽ với các sự kiện trọng đại, những tư tưởng, tín ngưỡng có ảnh hưởng lớn và các danh nhân lịch sử.

Xem thêm một số hình ảnh Quần thể Di tích cố đô Huế trong lụt, bão:

Lối dẫn vào điện Thái Hòa mênh mông trong nước
Lối dẫn vào Điện Thái Hòa mênh mông trong nước
Nước lũ dâng cao ở khu vực cửa Hiển Nhơn - một trong bốn cổng thành dẫn vào khu Đại Nội Huế.
Nước lũ dâng cao ở khu vực cửa Hiển Nhơn - một trong bốn cổng thành dẫn vào khu Đại Nội Huế.
Phía bên ngoài Hoàng thành Huế.
Phía bên ngoài Hoàng thành Huế.
Cung Trường Sanh - từng được vua Thiệu Trị xếp vào hàng thứ bảy của thắng cảnh đất Thần Kinh - nay cũng trong biển nước.
Cung Trường Sanh - từng được vua Thiệu Trị xếp vào hàng thứ bảy của thắng cảnh đất Thần Kinh - nay ngập trong biển nước.
Lối dẫn vào điện Thái Hòa - nơi đăng quang của 13 vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại, được coi là trung tâm của đất nước – cũng đang bị “bao vây” bởi nước.
Lối dẫn vào Điện Thái Hòa - nơi đăng quang của 13 vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại, được coi là trung tâm của đất nước – cũng đang bị “bao vây” bởi nước.
Phía trước cổng Ngọ Môn nước lũ ngập sâu gần 1m.
Phía trước cổng Ngọ Môn nước lũ ngập sâu gần 1m.
Người dân đi lội lụt bên phía Thượng Tứ.
Người dân lội lụt bên phía Thượng Tứ.

Bài, ảnh: Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI