Quá nhiều khách hủy tour vì COVID-19, doanh nghiệp du lịch xử lý không xuể

09/08/2020 - 08:10

PNO - Hà Nội, TPHCM đều có trên 30.000 khách hủy tour vì dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp lữ hành vốn đã khó lại càng thêm khó.

Báo cáo của Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho thấy, đến nay đã có hàng chục ngàn khách du lịch hoãn, hủy tour du lịch gây thiệt hại rất lớn đối với các đơn vị cung ứng và sử dụng dịch vụ du lịch.

có trên 35.000 chương trình du lịch bao gồm tour trọn gói, tour tự chọn, dịch vụ (khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan…) của các doanh nghiệp du lịch lớn TPHCM đã bị huỷ
Có trên 35.000 chương trình du lịch bao gồm tour trọn gói, tour tự chọn, dịch vụ (khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan…) của các doanh nghiệp du lịch lớn TPHCM đã bị hủy

Cụ thể, theo Sở Du lịch Hà Nội, từ ngày 28/7 đến ngày 2/8 đã có 31.891 khách hủy tour nội địa. Công suất phòng khách sạn tính chung đạt khoảng 12%. Một số công ty lữ hành lớn như Vietrantour có khoảng 3.500 khách hủy tour, gây thiệt hại cho doanh nghiệp khoảng 21 tỷ đồng. Công ty Flamingo Redtours có 9.000 khách hủy tour, gây thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng. Công ty Hanoitourist có khoảng 5.000 khách hủy tour, thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng.

Sở Du lịch TPHCM cho biết, có trên 35.000 chương trình du lịch bao gồm tour trọn gói, tour tự chọn, dịch vụ (khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan…) của các doanh nghiệp du lịch lớn TPHCM đã bị hủy. Riêng Công ty Vietravel đã nhận yêu cầu hủy của hơn 20.000 lượt khách, thiệt hại ước tính 90 tỷ đồng. 

Tại những thành phố du lịch nổi tiếng trong nước, các dịch vụ lưu trú cũng đồng loạt nhận được thông báo hủy dịch vụ. Tại Đà Lạt, 16.000 phòng đã bị hủy và còn tiếp tục tăng thêm, 8 công ty lữ hành tại Lâm Đồng báo đã có khoảng 4.000 lượt khách hủy tour. Thừa Thiên - Huế có 1.931 khách hủy tour, thiệt hại về doanh thu khoảng 1.100 tỷ đồng.

Bình Định có 85% lượng phòng bị hủy tour. Bà Rịa - Vũng Tàu có 93 đơn vị kinh doanh bị đóng cửa. Đà Nẵng có hàng ngàn khách du lịch bị kẹt tại địa phương, dịch vụ du lịch bị hủy rất lớn.

Dự kiến trong tháng 8/2020, tỷ lệ hủy phòng ở các địa phương sẽ lên hơn 90%. Đối với các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng có công suất cao như: Đà Lạt (Lâm Đồng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Ninh Bình... tỷ lệ hủy phòng của khách du lịch đã đặt là hơn 80% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trước diễn biến khó lường của dịch bệnh.

Bên cạnh một số khách đồng ý hoãn, điều chỉnh thời gian đi du lịch, nhiều khách hàng khi hủy tour yêu cầu hoàn lại tiền 100%. Việc hoàn trả kinh phí cho khách đặt trước là rất khó khăn do kinh phí này cũng đã được doanh nghiệp lữ hành đặt vé máy bay, khách sạn, dịch vụ tại điểm đến theo chương trình tour.

Các doanh nghiệp đều mong muốn trong thời điểm khó khăn hiện nay, du khách cần bình tĩnh, cảm thông để doanh nghiệp có thêm thời gian tìm ra các phương án tốt nhất bảo vệ quyền lợi khách hàng và giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. 

Tại cuộc họp trực tuyến tháo gỡ khó khăn ngành Du lịch được Tổng cục Du lịch tổ chức cuối tuần qua, các giải pháp gợi mở được đưa ra lúc này là đề nghị các hãng hàng không xem xét hoàn trả chi phí đặt vé máy bay cho khách du lịch (theo tỷ lệ hợp lý), tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành giải quyết hoãn, hủy tour của khách. Đề nghị các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Du lịch giải quyết hoãn hủy tour du lịch một cách cụ thể, tránh gây tâm lý hoang mang cho du khách. 

Các doanh nghiệp du lịch tiếp tục tìm biện pháp phù hợp, chuyển đổi các chương trình du khách. Đồng thời, Tổng cục Du lịch sẽ tổng hợp các kiến nghị của các doanh nghiệp lữ hành, Hiệp hội du lịch và các địa phương để báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch.

Hoàng Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI