Phù sa bồi lở sông dài

14/03/2023 - 07:07

PNO - Với một kẻ nặng tình cố xứ, ăn cơm uống nước thị thành nhưng lòng dạ vẫn chung tình với phù sa châu thổ như Tống Phước Bảo, kể ra cái tình trong tập truyện "Linh đinh tình phù sa" chỉ có bồi chứ hiếm khi nào “lở”..

Dẫu có những thân phận như lục bình trôi hết bến sông đời này tới chợ xa xứ khác theo một đoàn lô tô với những con số trúc trắc cả cuộc đời, dẫu có nhiều người nuốt nước mắt đắng cay thả đời mình theo đò qua sông vắng, họ vẫn được nâng niu bởi cái tình của người viết. Cái tình đó như một sợi dây để neo đậu lại không chỉ ở một bến quê mà nó còn neo đậu lại trong tim óc người đọc, nghe như một bản đờn ca tài tử ngọt lịm mà khúc xuống xề lại rưng rưng ray rứt mãi trong lòng. 

Văn của Tống Phước Bảo là một thứ văn trong lành bởi đã được tưới tắm bằng sông nước miền Tây. Người ta có thể xuýt xoa trước một áng văn tuyệt đỉnh bởi câu chữ thâm sâu nhưng dễ gì có thể nhớ dai bằng những câu chuyện được kể như thể mang hết ruột gan ra phơi phóng.

Bảo kể những phận đời linh đinh sông nước nhưng nhất định phải quăng thêm một sợi tình để nắm níu thương yêu ở lại. Út Thẩn của Đò qua sông vắng; Diễm, Hùng… của Như lục bình trôi; Thiệt, Út Trong của Chiếu không… là những nhân vật mà khi tàn câu chuyện, người ta vẫn nhớ như một phần đời sống động đang hiển hiện bên mình; như một người quen, một hàng xóm lâu lắc lâu lơ nào đó trong ký ức.

Suốt 12 câu chuyện được kể trong tập sách, người ta gặp lại những hình ảnh chân chất miệt sông nước đồng bằng. Ở đó có “ghe bẹo vẫn bóp tò te mà lòng ghe đựng toàn nỗi buồn”, có “Tháng Tư thả cánh ô môi khắp vàm sông. Mấy cánh ô môi lình bình trôi” (Chiếu không). Ở đó, người ta được theo chân tác giả về xứ đựng đầy những nỗi buồn: “Sông nước bưng biền vậy chứ nó thấm thía nỗi buồn lắm, nó gợn vỗ nhẹ hều vậy đó, mà nó vỗ miên trường suốt cả cuộc đời. Vỗ bạc trắng mái đầu hồi nào hổng hay” (Như lục bình trôi). 

Những xứ Cái Cùng, Sò Đo, Chẹt Sậy, Nam Vang hay Bảy Núi… khiến người xa thèm cảnh nhớ quê, người quê thì the thắt ngóng trông. Những nỗi buồn cứ gợn lên theo câu chữ. Cái tình cũng vậy mà linh đinh theo con nước lớn ròng, rồi từ sông chẻ hết xáng này qua kênh nọ, len lỏi tận chân trời góc bể nào thì ngó lại vẫn mênh mông là tình. 

Buồn đó rồi vui đó, con người đâu ai được quyền chọn cửa sinh. Vậy thì cũng không ai được quyền oán hờn người đã sinh thành mình dẫu những khúc ngoặt trong cuộc đời, người ta buộc phải bỏ rơi giọt máu của mình đâu đó ở mé sông, sân chùa, giữa chợ hay đùm túm về cho ngoại nuôi.

Những cuộc đời con người bị bỏ rơi, không được thừa nhận bởi phận con hoang như thằng Mười Sáu (Đò qua sông vắng) khiến người đọc cay sống mũi khi nó mỏi mòn trông ngóng má ruột quay về. Má nó có trở về không khi cuộc đời đã lấm lem đen thui như mủ chuối, nước sông xứ này có sạch mấy cũng không gột rửa được? Nhưng dầu gì, nó vẫn phải sống cuộc đời của nó, hứa hẹn những nỗi buồn cũng sẽ trôi đi, tan vào phù sa sông vắng.

12 truyện ngắn trong tập truyện Linh đinh tình phù sa được chắt lọc bởi lối viết rặt Nam bộ vốn đã được Tống Phước Bảo lựa chọn kỹ lưỡng. Trong nỗ lực làm mới trang viết mỗi ngày, Tống Phước Bảo ghi điểm trong lòng độc giả bởi lối hành văn chất phác nhưng khó quên của người con đất phương Nam. 

Bài và ảnh: Trần Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI