Phụ nữ mất dần quyền làm chủ bản thân và sinh nở?

09/05/2022 - 06:28

PNO - Với những tác động từ phong trào bình đẳng giới, phụ nữ đã đạt được nhiều thành tựu đáng khâm phục. Dù vậy gần đây, những căng thẳng về luật pháp, chính trị tại một số quốc gia phần nào đe dọa đến quyền làm chủ bản thân và sinh con của phụ nữ.

Hủy bỏ quyền phá thai không chỉ ảnh hưởng đến nước Mỹ

Một bản dự thảo bị rò rỉ  của Tòa án Tối cao Mỹ tiết lộ rằng các thẩm phán có thể sớm hủy bỏ phán quyết mang tính bước ngoặt năm 1973 (vụ việc Roe kiện Wade), cho phép phụ nữ ở Mỹ có quyền phá thai theo hiến pháp. Quyết định đó nghĩa là mỗi tiểu bang có thể đưa ra luật riêng về việc phá thai, cụ thể trong những trường hợp nào.

Phụ nữ thế giới đang đứng trươc nhiều nguy cơ trong việc bảo vệ sức khỏe sinh sản và lựa chọn sinh con - ẢNH: GETTY IMAGES
Phụ nữ thế giới đang đứng trước nhiều nguy cơ trong việc bảo vệ sức khỏe sinh sản và lựa chọn sinh con - Ảnh: Getty Images

Nếu phán quyết năm 1973 bị bãi bỏ, 58 triệu phụ nữ có thể sẽ bị cấm phá thai và mất khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc phá thai an toàn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức quốc tế khác công nhận rằng việc tiếp cận phá thai có liên quan đến quyền con người. Cấm phá thai không làm giảm số ca phá thai mà chỉ khiến thủ thuật kém an toàn hơn. 

Ở những quốc gia hạn chế phá thai, 75% ca phá thai trở nên không an toàn so với con số 13% ở những quốc gia có dịch vụ phá thai theo yêu cầu. Khoảng một nửa số trường hợp mang thai ngoài ý muốn kết thúc bằng phá thai - bất kể việc dịch vụ phá thai có hợp pháp hay không. Mặt khác, tư tưởng chống phá thai ở Mỹ còn ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của nước này, và làm gián đoạn khả năng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản ở châu Phi cũng như trên toàn cầu. 

Mỹ là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho các chương trình quốc tế về sức khỏe sinh sản và tình dục. Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào viện trợ có thể sử dụng lệnh cấm phá thai của Mỹ để hạn chế hơn nữa việc tiếp cận phá thai, vì lo ngại rằng hỗ trợ y tế mà họ phụ thuộc có thể bị cắt giảm.

Điều này xảy ra theo quy định áp dụng dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, yêu cầu các tổ chức phi chính phủ có trụ sở bên ngoài Mỹ nhưng nhận hỗ trợ y tế toàn cầu của Chính phủ Mỹ xác nhận rằng, họ sẽ không sử dụng bất kỳ khoản tài trợ nào để cung cấp dịch vụ phá thai hợp pháp, giới thiệu, thông tin hoặc ủng hộ việc tự do hóa luật phá thai.

Bất chấp ý định ban đầu, nghiên cứu chỉ ra rằng chính sách này đã dẫn đến việc tăng số ca phá thai và giảm việc sử dụng các biện pháp tránh thai ở vùng châu Phi cận Sahara, khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe.

Vướng mắc trong kế hoạch sinh con

Gwendolyn Tan - một phụ nữ Singapore độc  thân - quyết định đông lạnh trứng khi cô 31 tuổi. Cô luôn muốn có những đứa con nhưng vẫn chưa tìm thấy một nửa phù hợp. Tan đã tự mình bay hàng ngàn cây số đến thủ đô Bangkok (Thái Lan) để làm thủ thuật lấy trứng. Quá trình này tiêu tốn khoảng 11.000 USD, nhưng đối với Tan và nhiều phụ nữ ở Singapore muốn đông lạnh trứng, đi ra nước ngoài là lựa chọn duy nhất vào thời điểm đó, bởi việc đông lạnh trứng bị cấm ở Singapore trừ một vài trường hợp ngoại lệ. 

Năm 2020, Bộ Phát triển gia đình và xã hội của đảo quốc sư tử cho biết, họ phải tính đến “những lo ngại về đạo đức và xã hội đối với việc hợp pháp hóa đông lạnh trứng”, cùng với các yếu tố khác. Tuy nhiên, vào tháng 4/2022, trong một động thái mang tính đột phá, Chính phủ Singapore thông báo rằng từ năm 2023, phụ nữ độc thân từ 21 - 35 tuổi sẽ được phép đông lạnh trứng. Nhưng có một lưu ý quan trọng đi kèm, phụ nữ chỉ có thể sử dụng trứng sau khi họ kết hôn. Điều này ngay lập tức loại trừ những phụ nữ độc thân muốn nuôi con ngoài hôn nhân và cả những cặp đồng tính không thể kết hôn theo luật Singapore. 

Một lựa chọn khác cho những phụ nữ muốn có con nhưng khó hoặc không thể sinh sản là mang thai hộ. Dù vậy, số lượng quốc gia cho phép việc mang thai hộ quốc tế đã giảm xuống. Những người phản đối cách làm này cho rằng thỏa thuận mang thai hộ đã thương mại hóa một trong những trải nghiệm thiêng liêng nhất của con người.

Ở các nước kém phát triển, mang thai hộ có thể được xem như một kiểu cưỡng bức sinh sản. Những lo ngại về nạn buôn người và bóc lột đã khiến Ấn Độ thông qua luật cấm mang thai hộ vào năm 2019.

Campuchia, Thái Lan và Nepal cũng đã từng là điểm đến thường xuyên của những cá nhân, cặp đôi nước ngoài tìm kiếm người mang thai hộ đến khi các quốc gia này đưa ra hạn chế về mặt pháp lý. 

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo - trong đó một bên chỉ chi trả các chi phí liên quan đến thai nghén - là hợp pháp ở Anh, Hà Lan. Tại Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha, cha mẹ của những đứa trẻ được sinh ra từ mang thai hộ thường phải đối mặt với những thách thức về đòi quyền lợi hợp pháp. Tại Mỹ, các biện pháp bảo vệ pháp lý thay đổi theo từng tiểu bang. Ukraine, Nga và Georgia là ba trong số ít quốc gia cho phép mang thai hộ quốc tế hợp pháp, nhưng cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine hiện mang đến một môi trường hỗn loạn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. 

Linh La (theo NY Times, MSN, Conversation)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI