Phim Việt quay bối cảnh nước ngoài: Đắt có xắt ra miếng?

15/12/2017 - 08:24

PNO - Trong thời phim Việt ra rạp phải cạnh tranh lẫn nhau và với phim ngoại như hiện nay, việc mở rộng không gian bối cảnh ra nước ngoài cũng là một hướng đi của các nhà làm phim.

Trong thời phim Việt ra rạp phải cạnh tranh lẫn nhau và với phim ngoại như hiện nay, việc mở rộng không gian bối cảnh ra nước ngoài cũng là một hướng đi của các nhà làm phim. Tốn kém là chuyện hiển nhiên, nhưng hiệu quả liệu có tương xứng?

Phim Viet quay boi canh nuoc ngoai: Dat co xat ra mieng?

Hiệu quả bối cảnh nước ngoài trong Dạ cổ hoài lang không được mấy vì tính “sân khấu” của phim

Giấc mơ Mỹ là tác phẩm điện ảnh “chịu chơi” nhất làng phim Việt khi có tới 60% bối cảnh quay ở Mỹ, đưa người xem chu du qua những địa điểm nổi tiếng xứ cờ hoa.

Trước đó, Dạ cổ hoài lang, Âm mưu giày gót nhọn cũng quay tại Mỹ nhưng với thời lượng hạn chế. Phim Đích tôn độc đắc ra rạp tết năm nay cũng có những khung hình quay ở San Diego, Los Angeles…

Ngoài Mỹ, khán giả còn từng được chiêm ngưỡng cảnh đẹp nước Đức trong Quyên, cảnh Campuchia trong phim tết 2014 - Hai Lúa, cảnh Thái Lan trong Thầu Chín ở Xiêm.

Ra nước ngoài quay phim là chuyện không đơn giản. Đoàn phim Giấc mơ Mỹ phải dự trù ba ê-kíp ghi hình để phòng trường hợp có người không xin được visa. Kết quả: chỉ có chục người lên đường trong khi nếu ở Việt Nam, nhân sự một đoàn phim phải 50 người.

Ngay cả khi bỏ qua yếu tố kinh tế thì thủ tục hành chính, điều kiện thời tiết tự nhiên, bối cảnh thực tế thay đổi so với dự kiến, thậm chí cả những phát sinh “từ trên trời rơi xuống” đều là những thách thức đối với các nhà làm phim.

Đoàn phim Dạ cổ hoài lang sang Canada để ghi hình tuyết rơi, nhưng chờ suốt một tuần mà tuyết không xuất hiện, đành kéo nhau về. Để chuẩn bị những cảnh quay ở Thái Lan cho Thầu Chín ở Xiêm, nhà sản xuất - đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, biên kịch Đinh Thiên Phúc, quay phim… đã cất công sang Thái tìm hiểu, khảo sát thực tế hàng tháng trời, nhưng do thời gian từ khi đi thực địa đến lúc bấm máy xa nhau, cộng tình hình chính trị Thái Lan bất ổn nên các bối cảnh đã tìm gần như phá sản.

Phim Viet quay boi canh nuoc ngoai: Dat co xat ra mieng?
60% bối cảnh của Giấc mơ Mỹ được quay ở Mỹ

Chia sẻ về quá trình xuất ngoại ghi hình phim Đích tôn độc đắc, chị Mai Liên, phụ trách sản xuất phim, cho biết: “Để có năm phút phim hồi tưởng giai đoạn yêu nhau trên đất Mỹ của hai nhân vật, đoàn phim mất 12 ngày ghi hình ở California. Nếu giả cảnh Mỹ thì chỉ có thể giả được cảnh nội hoặc cảnh những khu phố đẹp ở quận 2, quận 7, nhưng sẽ không hiệu quả vì không có được những cảnh đặc trưng của Mỹ; nên dù tốn kém, đoàn phim cũng sang Mỹ quay”.

Bù lại cho sự tốn kém, vất vả đó là những thước phim đẹp, giới thiệu những nét đặc sắc về thiên nhiên, cảnh vật của nước bạn đến người xem. Những khung hình phương xa cũng là điểm nhấn, yếu tố PR cho phim. Tuy nhiên, hiệu quả mà bối cảnh ngoại mang lại không hẳn luôn tỷ lệ thuận với công sức, sự tốn kém mà đoàn phim bỏ ra.

Trong Quyên, những khung hình tuyết trắng đẹp đến nao lòng của đỉnh núi Zugspitze hay sắc thu lãng mạn của đất trời Berlin chẳng cứu nổi câu chuyện khá nhạt về mặt cảm xúc của người phụ nữ tên Quyên và bi kịch đời sống tha hương của người Việt ở Đức.

Dạ cổ hoài lang, mang tiếng phim điện ảnh, nhưng chất sân khấu lộ rõ trong lối diễn xuất, lời thoại; không gian lại đóng khung trong ngôi biệt thự khiến khán giả khó tìm được cảm xúc với phim. Những cảnh quay ở nước ngoài, vì thế, cũng không tác dụng gì nhiều.

Phim Viet quay boi canh nuoc ngoai: Dat co xat ra mieng?
Bối cảnh nước ngoài khá đẹp nhưng vẫn không cứu được phim Quyên

Hai Lúa đưa được các danh thắng của Campuchia như đền Angkor Wat và không khí lễ hội đặc trưng của nước bạn vào phim, nhưng hành trình của nhân vật Hai Lúa lại khiên cưỡng, sắp đặt, nhiều tình tiết phi logic khiến những ảnh quay ở Campuchia chỉ như những thước phim quảng bá văn hóa du lịch giùm quốc gia láng giềng.

Nội dung phim yêu cầu và kinh phí cho phép là hai căn cứ để một đoàn phim xuất ngoại ghi hình. Thế nhưng điều hấp dẫn người xem ở một tác phẩm điện ảnh là sự tổng hòa của cốt truyện - xương sống, nhân vật - nền móng và lời thoại - linh hồn của kịch bản. Nếu không làm tốt các điểm này, dù có tốn kém, bối cảnh ngoại sẽ chỉ dừng lại ở mức độ “làm màu” cho phim chứ không thuyết phục nổi khán giả. 

Nếu như trong Âm mưu giày gót nhọn, những thước phim lướt qua về con đường thời trang Garment District, quảng trường thời đại Times Square, công viên trung tâm Central Park… phục vụ khá tốt mục đích giới thiệu xuất thân của nhân vật chính Anne - một chuyên viên thiết kế thời trang tại Mỹ thì ở Giấc mơ Mỹ, khán giả lại tiếc cho những bối cảnh sang trọng và hoành tráng như du thuyền năm sao, máy bay trực thăng, đoàn xe môtô phân khối lớn, bởi diễn tiến phim chưa thuyết phục.

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI