Phim sử Việt "Đại Hành hoàng đế truyện" gây tranh cãi vì “sạn”

31/01/2023 - 20:13

PNO - Bộ phim tài liệu "Đại Hành hoàng đế truyện" (4 tập, lên sóng VTV1 từ ngày 30/1) nhận nhiều lời khen, nhưng cũng gây ra những tranh cãi vì “sạn”.

Đã khá lâu, màn ảnh nhỏ VTV mới có một phim sử Việt, do đó sự xuất hiện của bộ phim Đại Hành hoàng đế truyện (đạo diễn Tạ Quỳnh Tư) lập tức thu hút sự quan tâm của người xem.

Kể về cuộc đời và sự nghiệp của hoàng đế Lê Hoàn, phim thuộc thể loại tài liệu, có lời dẫn truyện bằng thoại hoặc chạy chữ, và minh họa bằng diễn xuất người đóng, xen kẽ là hình ảnh đồ họa 3D. Cách thể hiện theo kiểu phục dựng này khiến phim dù là tài liệu, nhưng giống hình thức phim truyện, nên được khán giả chú ý.

 Đại hành hoàng đế truyện tuy là phim tài liệu nhưng có diễn xuất
Đại Hành hoàng đế truyện tuy là phim tài liệu nhưng có diễn xuất

Ngay từ khi lên sóng, Đại Hành hoàng đế truyện đã gây ấn tượng với phần trang phục có đầu tư, diễn xuất tốt. So với các phim cổ trang, quần áo trong phim như giáp phục và các loại cổ phục như áo viên lĩnh, giao lĩnh, đối khâm, đường cân... có sự chuẩn xác, không đi lệch vào lối mòn áo dài khăn đóng, hay trang phục tuồng kịch.

Về diễn xuất, hai diễn viên nam - nữ chính là Thiện Tùng (vai Lê Hoàn) và Huyền Sâm (vai Dương Vân Nga) từ ngoại hình đến phong thái, cách hóa thân đều toát lên khí chất của một vị anh hùng và bậc mẫu nghi thiên hạ. Các diễn viên phụ vào vai quần thần cũng làm tốt.

Nam diễn viên Thiện Tùng vào vai Lê Hoàn khá đạt
Nam diễn viên Thiện Tùng vào vai Lê Hoàn khá đạt

Trong khuôn khổ một phim tài liệu - phục dựng, phim đã có nhiều cố gắng trong việc tái hiện trận đánh oanh liệt giữa phe ta và quân Tống. Những cảnh bàn bạc thế trận, binh lính hành quân, đóng cọc ngăn sông, hoặc lúc địch đánh úp doanh trại Lê Hoàn… dẫu chưa toát lên sự hoành tráng, nhưng vẫn thể hiện được không khí chiến đấu căng thẳng, hùng hồn. Trận đánh đập đầu rắn trên sông Bạch Đằng được dàn dựng khá kịch tính, khoe được bối cảnh thiên nhiên sông nước hùng vĩ.

Ngoại hình, tạo hình, phong thái của nữ diễn viên Huyền Sâm (vai Dương Vân Nga) được đánh giá cao
Ngoại hình, tạo hình, phong thái của nữ diễn viên Huyền Sâm (vai Dương Vân Nga) được đánh giá cao

Tuy vậy, Đại Hành hoàng đế truyện vẫn xuất hiện nhiều hạt sạn gây tiếc nuối. Đầu tiên là tóc tai của một số binh lính vẫn để kiểu undercut (hai bên da đầu cạo sát, phần trên tóc để dài hơn) hiện đại. Khâu phục trang, phụ kiện tuy tiến bộ hơn, nhưng vẫn bị một số khán giả am hiểu chỉ ra sai sót. Cụ thể mũ miện của của Lê Hoàn khi lên ngôi là 9 dải lưu, trong khi chính xác phải là 12 dải.

Phim được đánh giá có nhiều tiến bộ về khâu thiết kế so với nhiều phim cổ trang Việt
Phim được đánh giá có nhiều tiến bộ về khâu thiết kế so với nhiều phim cổ trang Việt

Với những đại cảnh đánh nhau, có lẽ do kinh phí làm phim có hạn, nên những cảnh hành động chưa tạo cảm giác "đã mắt". Các đòn đánh của quân lính 2 bên không toát đủ lực, ở một số góc máy gần, có thể thấy cảnh tát, đấm vào mặt nhau như phủi bụi.

Xem phim, cũng thấy đoạn công thành binh lính bị cây thương đâm trúng chết vô số kể, nhưng đa phần các xác chết đều trong tư thế nách còn cắp chặt cây thương trông rất buồn cười. Bối cảnh cổng thành xưa được thiết kế với bề mặt trơn láng, góc cạnh sắc sảo, trong khi thời đó, thành thường được đắp bằng đất. Một hạt sạn nữa là khâu lồng tiếng của phim thiếu tự nhiên, đôi chỗ chưa khớp với khẩu hình, làm giảm đi biểu cảm của nhân vật.

Bỏ qua những hạt sạn kể trên, Đại Hành hoàng đế truyện vẫn là một bộ phim đáng xem. Phim cho thấy sự làm nghề chu đáo, có tâm của ê kíp. Thời lượng 4 tập phim dù ít ỏi, nhưng cũng đủ giải tỏa cơn khát phim sử Việt trên màn ảnh nhỏ.

H.Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI