Pháp có công dân đầu tiên tử vong vì COVID-19, dịch bệnh lan tới Brazil, các nước láng giềng quanh Iran lo sợ

26/02/2020 - 19:35

PNO - Ngày 26/2, Cơ quan y tế Pháp cho biết, một công dân nước này đi du lịch đến vùng Lombardy của Ý có kết quả dương tính với COVID-19 đã tử vong. Trong khi đó, Brazil phát hiện bệnh nhân đầu tiên tại vùng Nam Mỹ.

Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế công cộng Pháp Jerome Salomon cho biết, nạn nhân tử vong là một trong ba trường hợp ghi nhận mới ở Pháp trong tuần này, nâng tổng số trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19 ở nước này lên 17.

Công dân 60 tuổi nhập viện ở Paris trong tình trạng nghiêm trọng và đã chết trong đêm 25/2. Một người Pháp khác đi du lịch đến Bologna (Ý) đã phải nhập viện ở Strasbourg nhưng không ở trong tình trạng nghiêm trọng.

Pháp có công dân tử vong đầu tiên do CoVID-19, nhiều quốc gia châu Âu khác ghi nhận ca nhiễm đầu tiên.
Pháp có công dân tử vong đầu tiên do CoVID-19, nhiều quốc gia châu Âu khác ghi nhận ca nhiễm đầu tiên.

Các trường hợp nhiễm COVID-19 ở những người đi du lịch gần đây đến miền bắc nước Ý hiện đã được tìm thấy ở Pháp, Tây Ban Nha, Áo, Thụy Sĩ, Romania, Croatia và Algeria. Quốc gia mới nhất tại châu Âu có ca nhiễm COVID-19 là Hy Lạp.

Ngày 26/2, đại diện Bộ Y tế Hy Lạp - Sotiris Tsiodras cho biết, bệnh nhân là một phụ nữ Hy Lạp 38 tuổi, gần đây đã đến một khu vực phía bắc nước Ý. Người phụ nữ hiện có sức khỏe tốt và đang được theo dõi bởi một nhóm các chuyên gia tại thành phố Thessalonik.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, Brazil đã trở thành quốc gia đầu tiên tại Nam Mỹ xác nhận một trường hợp nhiễm chủng COVID-19 mới. Nguồn tin của Reuters từ chính phủ Brazil tuyên bố một người 61 tuổi không xác định danh tính đã đến thăm vùng Bologna, Ý và dương tính với COVID-19 sau khi trở lại Sao Paulo vào ngày 21/2. 

Nguồn tin cho biết bệnh nhân nam đã phát triển các triệu chứng bao gồm đau họng và sốt. Đây cũng là trường hợp nhiễm COVID-19 được xác nhận đầu tiên ở Nam Mỹ.

Các quan chức Brazil vẫn chưa đưa ra thông tin cụ thể về trường hợp bệnh nhân đầu tiên tại Nam Mỹ.
Các quan chức Brazil vẫn chưa đưa ra thông tin cụ thể về trường hợp bệnh nhân đầu tiên tại Nam Mỹ.

Quay về vùng Trung Đông, với đường biên giới chung, bệnh viện thiếu trang bị và số dân mù chữ lớn, Afghanistan và Pakistan đang lo lắng khi phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe có khả năng tàn phá nghiêm trọng đất nước, sau khi dịch bệnh do chủng COVID-19 mới bùng phát ở nước láng giềng Iran.

Islamabad đã đóng cửa các cửa khẩu biên giới chính thức, trong khi Kabul đình chỉ tất cả các chuyến đi đến Iran, nơi đã báo cáo 15 trường hợp tử vong với gần 100 trường hợp nhiễm bệnh - khiến Iran trở thành một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bên ngoài Trung Quốc.

Afghanistan đã công bố ca nhiễm virus đầu tiên liên quan đến một bệnh nhân gần đây đã đến Iran, nơi hàng triệu người Afghanistan sống.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Afghanistan đang gặp khó khăn sau hơn bốn thập kỷ chiến tranh, với một số ít bệnh viện có sẵn, tập trung chủ yếu vào chăm sóc cơ bản và chấn thương. Họ thiếu chuyên môn để đối phó với các bệnh truyền nhiễm.

Thủ đô Kabul đang lo sợ một đợt dịch bệnh khi hệ thống y tế của nước này khó có khả năng ứng phó COVID-19.
Thủ đô Kabul đang lo sợ một đợt dịch bệnh khi hệ thống y tế của nước này khó có khả năng ứng phó COVID-19.

Ở bên kia biên giới, Pakistan đang có những lo ngại ngày càng tăng về cách nước này đối phó với một ổ dịch tiềm năng. Islamabad có tiền sử không thể khống chế các bệnh truyền nhiễm như bại liệt, lao và viêm gan.

Trong khi Pakistan đã đóng cửa biên giới đất liền với Iran, họ vẫn duy trì du lịch hàng không đến và đi từ Trung Quốc – nơi vốn dĩ là nguồn thương mại béo bở cho nước này.

Chuyên gia y tế công cộng Pakistan Arshad Altaf nói với AFP: "Không may là chúng tôi không có những quy chuẩn tốt về phòng ngừa dịch bệnh. Tôi sợ rằng đất nước không được chuẩn bị tốt cho bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào về sức khỏe cộng đồng".

Ở một diễn biến khác, các nhà tổ chức tại Nhật Bản khẳng định Thế vận hội Tokyo 2020 sẽ diễn ra, ngay cả khi chính phủ kêu gọi các sự kiện lớn trong những tuần tới nên được hoãn lại, hủy bỏ hoặc thu nhỏ do lo ngại về chủng COVID-19 mới.

Nhật Bản vẫn quyết tâm tổ chức Thế vận hội Olympics 2020.
Nhật Bản vẫn quyết tâm tổ chức Thế vận hội Olympics 2020.

Số phận của Thế vận hội Mùa hè thu hút nhiều sự chú ý khi dịch COVID-19 buộc nhà chức trách phải hủy bỏ và trì hoãn mọi hoạt động công cộng ở Nhật Bản, từ các trận đấu bóng đá đến các nghi thức đánh dấu sự kiện khai mạc giải đấu Sumo tháng ba.

Nhưng các nhà tổ chức nhấn mạnh Thế vận hội và Paralympics được lên kế hoạch cho mùa hè không có nguy cơ bị loại bỏ.

Tấn Vĩ (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI