Phân luồng… nửa vời sau trung học cơ sở

15/07/2020 - 06:45

PNO - Nhiều người vẫn nghĩ 30% học sinh không vào được lớp Mười công lập là phân luồng sau trung học cơ sở. Nhưng thực chất đó là sự phân chia thị phần giáo dục phổ thông giữa các loại hình trường.

“Hằng năm, cả nước có khoảng 1,2 triệu học sinh (HS) tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), nhưng chỉ chưa tới 200.000 HS vào học nghề. Đa phần HS vào các trường trung học phổ thông (THPT) công lập, dân lập, quốc tế và giáo dục thường xuyên (GDTX)”, tiến sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Quốc tế TP.HCM, nêu vấn đề. 

Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Lý, nghị quyết của Chính phủ là phân luồng 30% HS sau THCS vào học nghề. Nhưng hiện nay, một số tỉnh thành, nhất là các thành phố lớn có hệ thống trường phổ thông ngoài công lập hùng hậu đã không thực hiện đúng tinh thần trên. Đặc biệt, tại TP.HCM, sau THCS là sự phân chia thị phần của hệ thống các trường này. Thậm chí, các chính sách quản lý gần như khuyến khích khi trường THPT ngoài công lập được tựu trường sớm, không bị khống chế học toàn thời gian hai buổi đều là văn hóa để tạo thành tích… Rõ ràng là sai với tinh thần của nghị quyết. 

Học sinh Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội trong giờ học thực hành
Học sinh Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội trong giờ học thực hành - Ảnh Đại Minh 

Tại TP.HCM, theo Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2020-2021, các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố sẽ tuyển 70% HS tốt nghiệp THCS vào học lớp Mười. Nghĩa là khoảng 30% còn lại với khoảng 29.000 HS sẽ không vào được lớp Mười. Nhưng không phải tất cả 30% HS này sẽ vào học nghề. Trong đó có khoảng 14.000 thí sinh không đăng ký dự thi vào lớp Mười, vốn đã có dự định học tiếp lên trường quốc tế, tư thục hoặc du học… Số trượt còn lại (khoảng 15.000) cũng sẽ tiếp tục được “chia” cho trường THPT dân lập, quốc tế, trung tâm GDTX, trường nghề…

Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ Bách khoa Sài Gòn, cho biết, công tác phân luồng các năm trước gặp không ít khó khăn. Rất ít trường phổ thông và phụ huynh quan tâm. Gần đây, tình hình có cải thiện hơn. Như năm rồi, trường tuyển được 300 HS chưa tốt nghiệp THPT. Ngoài chất lượng, trường phải giải quyết vấn đề quan niệm xã hội và tâm lý phụ huynh về việc học nghề. Khi HS vào học rồi, trường còn hướng dẫn thủ tục để HS về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nhận hỗ trợ học phí, trường hợp nào không được, trường sẽ cử người đi cùng… 

Đó là chưa kể, các trường trung cấp, cao đẳng còn gặp khó bởi chính sách để thu hút HS muốn học song song cả nghề và văn hóa. Theo quy định, trường nghề chỉ được phép đào tạo văn hóa bốn môn. Còn văn hóa bảy môn là của GDTX hay 13 môn của THPT nên HS không thể thi THPT quốc gia hay lấy bằng tốt nghiệp THPT. Các trường muốn đào tạo bắt buộc phải liên kết với các trung tâm GDTX, rất bất cập.

“Đúng ra, nên giao việc dạy văn hóa bảy môn về các trường có dạy hệ 9+ để không lãng phí và nâng cao chất lượng. Luật Giáo dục có hiệu lực từ 1/7/2020 cho phép các trường cao đẳng, trung cấp dạy văn hóa hệ thường xuyên nhưng đến giờ chưa có các văn bản hướng dẫn nên chắc năm nay chưa thể triển khai”, tiến sĩ Lý cho hay. 

Về thực trạng này, tiến sĩ Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng: câu chuyện phân luồng cần có sự gắn kết của nhiều nhà, trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo là quan trọng nhất, chỉ đạo hệ thống các trường phổ thông và chỉ đạo về công tác hướng nghiệp phân luồng.Trước nay, chúng ta vẫn nói có ba nhà quan trọng gồm nhà trường, nhà nước, nhà doanh nghiệp. Nhưng phân luồng còn đòi hỏi thêm “nhà mình”. Bản thân phụ huynh và HS nhận thức được cơ hội việc làm, cơ hội thu nhập và thăng tiến trong giáo dục nghề nghiệp. Ai muốn có việc làm sớm, chi phí học tập thấp, ra trường có việc làm ngay thì có thể học giáo dục nghề nghiệp. Học xong, muốn học tiếp lên đại học vẫn được, theo hình thức liên thông… 

Lợi ích là thế nhưng để thuyết phục sự thay đổi nhận thức và định kiến xã hội không phải dễ. Nhất là khi hiện nay mỗi gia đình có ít con, mỗi đứa trẻ phải mang nhiều mong muốn của cha mẹ thì 15 tuổi cho con vào học nghề mà không phải học phổ thông để vào đại học là sự lựa chọn cân não. Nhưng chẳng phải mọi nền nếp của xã hội đều sẽ được hình thành, điều tiết nếu có chính sách tốt đó sao? 

Phân luồng hay phân chia thị phần giáo dục phổ thông là sự lựa chọn của các nhà quản lý giáo dục - đào tạo. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI