Phan Đăng Hoàng: Inside Việt Nam (*)

17/04/2024 - 08:02

PNO - Giữa tháng Ba, Phan Đăng Hoàng vừa giới thiệu bộ sưu tập mới nhất của anh có tên Sonder (tạm dịch: sự độc đáo trong cuộc sống riêng của mỗi người) tại Tuần lễ thời trang Milan 2024, lấy cảm hứng từ tinh thần kiên định và tính nữ trong tranh của danh họa Lê Thị Lựu. Tạp chí Vogue Italia chọn Hoàng là 1 trong 5 nhà thiết kế có bộ sưu tập nổi bật nhất.

Trước đó, ngay khi vừa tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành thiết kế thời trang tại Nouva Accademia Di Belle Arti (NABA), ở tuổi 23, Phan Đăng Hoàng đã chính thức chinh phục Tuần lễ thời trang Milan 2024 - 1 trong 4 tuần lễ thời trang uy tín và danh giá nhất trên thế giới với bộ sưu tập Sculpture (tạm dịch: Điêu khắc), lấy cảm hứng từ những chuyển biến hình khối trong tác phẩm của nữ điêu khắc gia tài hoa Điềm Phùng Thị.

Cảm hứng bất tận từ Việt Nam

Sonder là bộ sưu tập (BST) thứ sáu của Hoàng giới thiệu đến công chúng yêu thời trang, kể từ BST đầu tay- Quintessence (tạm dịch: Tinh hoa). Sự độc đáo trong sáng tạo mà vẫn hòa nhịp được cùng dòng chảy thời trang thế giới đã giúp Quintessence lọt vào tốp 30 bộ sưu tập xuất sắc của trường NABA. BST này sau đó đã được chọn để trình diễn tại Afro Fashion Week Milan (AFWM), một hoạt động thuộc khuôn khổ tuần lễ thời trang Milan xuân - hè 2022. Đây có thể xem là dấu mốc quan trọng đầu tiên trong sự nghiệp thời trang của Phan Đăng Hoàng - một cái tên còn rất mới, ở tuổi đời còn rất trẻ trên xứ người.

Sau Quintessence, Hoàng thực hiện BST thứ hai mang tên La Peinture (tạm dịch: Bức tranh), lấy cảm hứng từ những bức tranh của danh họa Lê Phổ - một trong tứ kiệt trời Âu (gồm Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu). 10 thiết kế trong BST tiếp tục chọn phụ kiện đan lát truyền thống do những người thợ thủ công tại Việt Nam thực hiện suốt 7 tháng và được trình diễn trên website của Vogue Ý. Vì cùng lấy cảm hứng từ Việt Nam, từ ý tưởng cho đến chất liệu, Hoàng đã gộp 2 BST này thành đề án tốt nghiệp trong một cái tên rất đỗi thân thương: Inside Việt Nam (Bên trong Việt Nam).

“Chất liệu là phần cực kỳ quan trọng để tạo nên một BST đẹp. Đó là sự phối hợp hài hòa giữa tinh thần của nhà thiết kế và thông điệp của trang phục. Nếu trang phục thiếu đi sự kết hợp chất liệu độc đáo thì sẽ không có tiếng nói riêng của chính nó nữa”.

Nhà thiết kế Phan Đăng Hoàng

Đến mùa xuân - hè 2023, Hoàng tiếp tục khiến giới thời trang bất ngờ với BST A Dose of Joy (tạm dịch: Liệu pháp niềm vui) lấy cảm hứng từ các trò chơi dân gian trẻ em Việt Nam truyền thống như thả diều, pháo đất, ô ăn quan… xen kẽ với hình ảnh miền quê qua những cánh đồng, mương nước, cơn mưa bóng mây… Ở BST này, Hoàng sử dụng lụa tơ tằm Việt Nam đến 80%, các thiết kế nhấn vào đường cắt tinh tế, xử lý chất liệu thủ công đan lát, thêu tay, xâu chuỗi, thêu sa hạt... Tại Tuần lễ thời trang Milan thu - đông 2023, Hoàng mang đến BST Mirage (tạm dịch: Ảo ảnh), lấy cảm hứng từ vẻ đẹp Tây Bắc. Dấu ấn của cái tên Phan Đăng Hoàng dần rõ nét.

Các thiết kế của Hoàng thể hiện tinh thần giao thoa văn hóa Đông - Tây, kế thừa và phát huy tài tình những chất liệu đậm căn tính Việt Nam để kết hợp cùng nguồn năng lượng tích cực, trẻ trung của thế hệ trẻ, dám nghĩ dám làm. Tờ Defuzemag của Anh không tiếc lời khen ngợi dành cho tài năng mới nổi: “Khi xuất hiện tại Tuần lễ thời trang Milan, Hoàng ngay lập tức trở thành con cưng của giới thời trang vì nhiều lý do. Những thiết kế của anh không chỉ sáng tạo và độc đáo mà còn sử dụng chất liệu bền vững. Bên cạnh đó, anh còn tôn vinh di sản văn hóa và nghề thủ công phong phú bằng cách sử dụng vải vóc, mây tre đan lát tự nhiên của Việt Nam”.

Nhà thiết kế Phan Đăng Hoàng chụp cùng bà Anna Wintour (tổng biên tập tạp chí Vogue từ năm 1988) trong khuôn khổ Afro Fashion Week Milan
Nhà thiết kế Phan Đăng Hoàng chụp cùng bà Anna Wintour (tổng biên tập tạp chí Vogue từ năm 1988) trong khuôn khổ Afro Fashion Week Milan

Chưa đầy 3 năm, Hoàng đã trình làng 6 BST và không có sự lặp lại. Cá nhân tôi, khi biết tuổi Hoàng, đã không thể không ngạc nhiên và có chút thán phục trước sức sáng tạo không ngừng cùng tinh thần làm việc không mệt mỏi của Hoàng. Trong điều kiện làm việc không ít khó khăn, tài chính gom góp từ nhiều nguồn (gia đình, các quỹ hỗ trợ thời trang, xin tài trợ…), Hoàng một mình tự thực hiện nhiều khâu nhằm tiết kiệm tối đa chi phí. Đây là điều hiếm nhà thiết kế Việt Nam nào làm được.

Nói về cảm hứng Việt Nam trong mỗi thiết kế, Hoàng thành thật cho biết, ban đầu anh không có chủ đích khai thác nhưng khi bắt tay thực hiện, hơi thở Việt Nam, tinh thần Việt Nam cứ thế tự nhiên trỗi dậy. “Như thể tôi được dẫn dắt bởi sự gắn bó vô hình với văn hóa, với những giá trị tinh thần đã được gia đình và xứ sở nuôi dưỡng từ thuở nhỏ” - Hoàng nói.

Hành trình tự thân vận động trên xứ người cũng giúp Hoàng vỡ lẽ: “Để mọi người luôn nhớ mình bắt đầu từ đâu, phát triển như thế nào và đi đến đâu phải bắt nguồn từ nguồn gốc của mình”. Thế mạnh của Hoàng là cách chơi màu trên cùng một trang phục - rực rỡ, trẻ trung nhưng không quá đà hoặc khiến người mặc khó chịu. Đó lại là một sự kế thừa khác, từ tài năng hội họa của chính Hoàng.

“Các thiết kế của Hoàng là lời ca ngợi vẻ đẹp và trao quyền cho phụ nữ. Thẩm mỹ của anh mang đến một góc nhìn độc đáo về thời trang đương đại, khi kết hợp giữa các loại hình nghệ thuật với thời trang”.

Vogue Italia

Thời trang tựa hơi thở

Phan Đăng Hoàng không phải là cái tên xa lạ với truyền thông trong nước. Chàng trai sinh năm 2000 từng được công chúng biết đến khi mới 15 tuổi với các bức tranh truyền thần. Nhưng Hoàng biết rõ, mục tiêu và giấc mơ của anh nằm ở ngành thời trang dù ở Vinh khi đó, việc tiếp cận với thời trang khá khó khăn.

Hoàng nói, năng khiếu nghệ thuật của anh được thừa hưởng từ gia đình. Ông bà ngoại anh đều là họa sĩ của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Mẹ Hoàng trước khi dạy thanh nhạc và trở thành cán bộ văn hóa từng có thời gian dài theo ngành may mặc. Ngay từ nhỏ, Hoàng đã có niềm yêu thích với giấy vẽ, bút màu, những trang phục cắt dán… Hoàng kể: “Tôi có một cô em gái nhỏ hơn 8 tuổi. Lúc còn học phổ thông, tôi hay lấy em gái ra làm mẫu để quấn khăn, phối đồ, đeo phụ kiện. Tôi cũng thích vẽ mẫu trang phục. Khi ấy, tôi luôn ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang”.

Nhờ nỗ lực học tập, Hoàng nhận được học bổng tài năng chuyên ngành thiết kế thời trang của Nouva Accademia Di Belle Arti (NABA), Ý, ngôi trường từng lọt vào tốp 20 trường thiết kế thời trang danh giá nhất thế giới. Chính năng khiếu hội họa đã bổ trợ cho Hoàng rất nhiều trong việc bố cục màu sắc các BST; cũng như dễ dàng nhìn thấy ảnh hưởng của hội họa, điêu khắc lên các thiết kế của Hoàng qua hình khối, đường nét, phom dáng.

Một thiết kế trong bộ sưu tập Sonder
Một thiết kế trong bộ sưu tập Sonder

Nhìn lại thành quả, Hoàng lúc nào cũng thấy chưa ổn và muốn được làm tốt hơn. “Sau rất nhiều những gì đã trải qua, đã không ngừng cố gắng, tôi muốn dành lời cảm ơn đến gia đình, đến những người đã đồng hành và hỗ trợ tôi trong suốt hành trình vừa qua. Và một góc nhỏ nào đó, cho phép tôi được tự hào một chút về mình. Vì những điều đến ngoài sự mong đợi. Vì đã không bỏ cuộc, không gục ngã trước những khó khăn để đi tận cùng khát khao và giấc mơ của mình”.

Khước từ chia sẻ về những khó khăn trên đất khách, Hoàng chọn nói về sự trưởng thành qua mỗi BST. Mỗi lần dấn thân là mỗi lần Hoàng lớn thêm một chút, trau dồi thêm về kỹ thuật, tư duy thẩm mỹ, nhìn nhận thấu đáo hơn về phong cách, về bản thân. “Tôi không chỉ trưởng thành hơn về tư duy, sáng tạo mà còn trưởng thành trong nhận thức, suy nghĩ và hành động. Tôi cũng học được cách cân bằng cảm xúc, tính toán kỹ lưỡng cho công việc và mạnh mẽ hơn, tự mình có thể giải quyết những bất ngờ xảy đến”.

Tương lai với Hoàng đang rất rộng mở nhưng cũng chỉ mới bắt đầu. Và Hoàng đang chuẩn bị vào một cuộc đua mới bởi anh không muốn bị bỏ lại phía sau. Ở đó, anh luôn trở về vạch xuất phát và tiếp tục khám phá, tìm tòi. Vì Hoàng biết, chỉ khi đi với hành trang không ràng buộc bởi hào quang, danh tiếng, mới có thể tiến thật xa.

(*) Bên trong Việt Nam

Lê Phan

Ảnh do nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI