Phá thế độc quyền, sao giá sách giáo khoa tăng phi mã?

09/09/2020 - 07:42

PNO - Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên ngành giáo dục thực hiện dạy sách giáo khoa lớp Một mới. Năm học tới 2021-2022 sẽ tiếp tục thực hiện ở lớp Hai và lớp Sáu mới. Thế nhưng, câu chuyện quanh những cuốn sách mới, từ giá cả đến quản lý, đều chưa thể yên tâm.

Cạnh tranh nhưng lại tăng giá 

Không phải đợi đến khi một trường tiểu học ở Q.8, TP.HCM đề nghị phụ huynh mua bộ sách lớp Một hơn 800.000 đồng gồm 23 đầu sách, người học mới phải gánh một cái giá quá “chát” cho loại hàng hóa thiết yếu mà bất cứ gia đình nào có con em đi học cũng phải mua. Thực tế, ngay khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa (SGK) mới thì tất cả các bộ SGK mới đều có giá cao hơn bộ hiện hành. Hiện có năm bộ SGK lớp Một được phê duyệt, trong đó Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam có bốn bộ, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội và NXB Đại học Sư phạm TP.HCM có một bộ, giá từ 179.000 - 199.000 đồng. 

Bộ sách giáo khoa ở tiểu học vốn không cần sách bổ trợ, sách tham khảo vì đã đầy đủ phần lý thuyết và bài tập Ảnh: Mai Trúc
Bộ sách giáo khoa ở tiểu học vốn không cần sách bổ trợ, sách tham khảo vì đã đầy đủ phần lý thuyết và bài tập Ảnh: Mai Trúc

Trong khi đó, bộ SGK lớp Một hiện hành của NXB Giáo dục Việt Nam sử dụng trong năm học 2019-2020 là 54.000 đồng. Rõ ràng, giá SGK mới tăng… phi mã. 

Có ý kiến cho rằng so sánh giá như thế là khập khiễng bởi bộ SGK mới nhiều đầu sách hơn bộ cũ. Vậy thì xin lấy so sánh từng đơn giá để dễ hình dung. Cuốn Tự nhiên và Xã hội trong bộ SGK hiện hành có giá 6.000 đồng thì cũng đầu sách này ở bộ Chân trời sáng tạo là 24.000 đồng, Cánh diều có giá 27.000 đồng; tăng hơn bốn lần; cuốn Toán 1 cũ có giá 13.000 đồng thì Toán 1 ở bộ Chân trời sáng tạo là 28.000 đồng và Cánh diều là 34.000 đồng, cao hơn gấp đôi. Các đầu sách tương tự cũng có giá cao hơn sách cùng loại ở bộ SGK hiện hành. 

Thế nhưng, đó là cái giá đã được giảm so với kê khai giá ban đầu. Khi thực hiện chủ trương một chương trình nhiều SGK, đa dạng đơn vị biên soạn và xuất bản đã mang đến hy vọng có một làn gió mới cho thị phần SGK vốn bao năm chỉ do NXB Giáo dục Việt Nam “ôm sô”. Hy vọng đó dĩ nhiên không ngoài sự cạnh tranh giữa các đơn vị xuất bản để cho ra những bộ SGK có chất lượng tốt nhất và giá cả cạnh tranh nhất. Mục đích lớn nhất của phá thế độc quyền là mang lại lợi ích nhiều hơn cho người tiêu dùng. Nhưng ở đây, về chất lượng SGK mới chưa thể khẳng định vượt trội hơn SGK cũ, phải chờ thời gian áp dụng và có những đánh giá khoa học hơn thì giá đã... phi mã.   

Trong những lần giải thích cho việc vì sao giá SGK tăng so với SGK hiện hành, NXB Giáo dục Việt Nam từng liệt kê: giá SGK được hình thành từ các yếu tố chi phí tổ chức bản thảo; chi phí vật tư, công in; chi phí lưu thông, bán hàng; tích hợp công nghệ 4.0, nguồn vốn biên soạn. Việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK nên có sự cạnh tranh giữa các NXB đã đẩy chi phí cho các hoạt động hội thảo giới thiệu sách tại các địa phương, chuyên gia biên soạn sách, tập huấn giáo viên, gửi sách mẫu tới các cơ sở giáo dục, quảng cáo... tăng lên. Đó là chưa kể bộ SGK lớp Một mới gồm 9 hoặc 10 cuốn, nhiều hơn bộ SGK hiện hành 3-4 cuốn.

Nhiều chưa hẳn là tốt. Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM, cho rằng: giáo dục tiểu học là cấp học nền tảng. Cốt lõi của giáo dục tiểu học không phải là SGK nhiều môn học mà là hoạt động giáo dục. Người ta cho rằng kiến thức nhân loại để tăng lên gấp đôi phải mất 1.000 năm, rồi còn 500 năm, 100 năm, 50 năm… nhưng bây giờ chỉ một năm kiến thức đã tăng lên hai lần, sách sẽ dễ dàng lạc hậu. Bởi vậy, bộ SGK ở tiểu học vốn không cần sách bổ trợ, sách tham khảo vì nó đã đầy đủ phần lý thuyết và bài tập. Thời gian học tiểu học là dành cho các hoạt động như: thể thao, âm nhạc, hội họa và trải nghiệm…

Làm sách giáo khoa hình thức cuốn chiếu có tiềm ẩn rủi ro?

Trong buổi giám sát thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK trên địa bàn TP.HCM của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đại biểu Trần Hoàng Ngân đã đề cập năm học tới theo lộ trình sẽ áp dụng SGK lớp Hai nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình biên soạn. Biên soạn sách cuốn chiếu như xem phim dài tập.

Cách đây vài ngày, Bộ GD-ĐT mới khai mạc hội đồng thẩm định SGK lớp Sáu với sự tham dự của 128 thành viên. Đối với SGK lớp Sáu, sau thời gian thông báo về việc tổ chức thẩm định SGK và tiếp nhận hồ sơ thẩm định SGK, Bộ GD-ĐT đã nhận được 43 bản mẫu SGK của đầy đủ 11 môn học/hoạt động giáo dục, giáo dục bắt buộc và bản mẫu SGK môn tự chọn tiếng Anh. Trong đó, trừ môn tin học có bốn đầu SGK, tiếng Anh có chín đầu sách, các môn còn lại mỗi môn có ba đầu sách. Còn SGK lớp Hai đang được bộ tổ chức thẩm định với bốn bản mẫu của môn toán, tám bản mẫu môn tự chọn tiếng Anh, các môn còn lại mỗi môn có ba bản mẫu…

Khi đã xã hội hóa biên soạn và xuất bản SGK, nghĩa là cơ quan quản lý nhà nước chỉ có chức năng thẩm định nội dung là chính. Không tránh khỏi trường hợp đơn vị biên soạn xuất bản ngừng xuất bản một bộ SGK nào đó nếu như gặp khó khăn hoặc không có lợi nhuận. Nhất là khi việc biên soạn SGK theo chương trình mới hiện nay được làm theo hình thức cuốn chiếu, chỉ cần một bộ SGK nào đó ngừng giữa chừng thì chắc chắn người học đang học ở những trường chọn đầu sách đó gặp thiệt thòi, thiếu tính liên thông và xuyên suốt.

Một chuyên gia cho biết, sau kết quả lựa chọn SGK lớp Một vừa rồi, có 1 - 2 đầu SGK được lựa chọn ít nên nhiều khả năng đến SGK lớp Hai sẽ gộp lại, không “đông đúc” như SGK lớp Một... 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI