Ông lão mù và cây đàn đặc biệt: Lấy được vợ đẹp nhờ tiếng đàn rung động trái tim

13/06/2016 - 05:46

PNO - Một lần đi phà, bà Liễu thấy tim mình xao xuyến khi nghe tiếng đàn của ông Liêm. Biết ông Liêm đã gần 40 tuổi mà  chưa có vợ nên bà Liễu ngỏ lời xin được về sống cùng để chăm sóc cho ông.

Sau khi mẹ qua đời, ông Trương Thanh Liêm (SN 1951, quê huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, bị mù từ nhỏ) đành phải tự mình bươn chải kiếm sống bằng chính cây đàn tự chế của mình.

Ban đầu, ông nhờ người đưa đến một bến phà lớn ở Cà Mau rồi ở đó chơi đàn cho khách qua phà nghe. Số tiền khách cho cũng đủ cho ông mua đồ ăn thức uống trong ngày. Có khi ông sang tận bên Bạc Liêu để đánh đàn kiếm sống.

Trong một lần sang Bạc Liêu, cũng nhờ tiếng đàn đặc biệt của mình mà ông đã tìm được hạnh phúc của cuộc đời. Người phụ nữ chấp nhận cả đời chăm sóc cho ông tên là Nguyễn Thị Liễu (SN 1954, quê ở thị xã Hộ Phòng, tỉnh Bạc Liêu).

Ong lao mu va cay dan dac biet: Lay duoc vo dep nho tieng dan rung dong trai tim
Ông Liêm và bà Liễu trong ngôi nhà trọ chật hẹp

Bà Liễu vốn là một người phụ nữ đẹp người đẹp nết nhưng số phận cũng không được may mắn. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bà phải bươn trải làm lụng kiếm sống chăm lo cho các em. Chính vì thế mà bà Liễu cũng không dám nghĩ tới hạnh phúc cho riêng mình. Khi các em của bà đã khôn lớn trưởng thành thì bà cũng đã quá lứa lỡ thì.

Trong một lần đi phà qua sông để đi cắt cỏ thuê, bà Liễu thấy tim mình xao xuyến khi tiếng đàn của ông Liêm trên phà. Lại gần hỏi han, biết ông Liêm đã gần 40 tuổi mà cũng chưa có vợ nên bà Liễu quyết định ngỏ lời xin được về sống cùng ông để chăm sóc cho ông.

“Ngày đó mặc dù tôi cũng đã quá lứa lỡ thì nhưng vẫn còn đẹp lắm, cũng có nhiều người ngỏ ý muốn lấy tôi về làm vợ nhưng tôi không đồng ý. Bởi lẽ tôi thấy có nhiều người đàn ông đã có vợ rồi mà vẫn lăng nhăng, tằng tựu với người phụ nữ khác ở bên ngoài và tôi sợ chồng mình cũng vậy. Khi gặp được ông Liêm, tôi nghĩ rằng ông ấy bị mù như vậy sẽ chẳng bao giờ có chuyện đi ngoại tình, vậy là tôi ưng liền”.- bà Liễu chia sẻ.

Nói về việc cưới được người vợ đẹp, ông Liêm chia sẻ: “Tôi bị mù nên bao năm chẳng dám nghĩ tới việc mình sẽ lấy được vợ. Vậy mà không ngờ, lại lấy được người vợ đẹp. Nghe người ta nói vợ tôi đẹp thì tôi cũng vui chứ mình có nhìn thấy gì đâu mà biết vợ đẹp thế nào. Quan trọng là hai người thương yêu nhau là được”.

Khi đã ưng thuận, cả hai cứ thế dọn về sống chung với nhau chứ chẳng có điều kiện để tổ chức tiệc tùng gì. Hai vợ chồng dựng một túp lều tạm dưới chân cầu ở tỉnh Bạc Liêu để sinh sống. Hàng ngày ông Liêm đi đánh đàn trên các chuyến phà để kiếm tiền, còn bà Liễu thì ai thuê gì làm đó. Cuộc sống của hai vợ chồng tuy vất vả nhưng rất hạnh phúc và họ cũng đã mơ đến việc sinh một đứa con cho vui cửa vui nhà.

Đã quá tuổi sinh đẻ nên việc thụ thai của bà Liễu tương đối khó khăn. Và khi đã có thai thì bà Liễu cũng vẫn phải làm lụng vất vả kiếm sống chứ chẳng được nghỉ ngơi, kiêng khem gì. Trong một lần đi gánh nước thuê, do đường trơn trượt bà Liễu bị ngã và bị xảy thai. Sau đó bà phải phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng và không thể có được thiên chức làm mẹ nữa.

“Không sinh được con cũng buồn thật, nhưng thôi không sao vì sinh ra rồi thì nó cũng khổ như cha mẹ nó chứ đâu có khác gì. Cũng chính vì thế mà chúng tôi cũng không xin con luôn nữa mà hai vợ chồng cứ thế động viên nhau mà sống cho qua ngày thôi”- bà Liễu chia sẻ.

Những lúc rảnh rỗi, ông Liêm vẫn thường đánh đàn cho vợ nghe

Cuộc sống của hai vợ chồng đã khổ sở là vậy, mà những kẻ trộm vẫn không chịu buông tha cho họ. Nhiều lần lần hai vợ chồng đi vắng, căn lều của họ bị kẻ trộm lục tung, lấy đi tất cả những gì có thể, kể cả những chiếc xoong nồi cũ. Không thể sinh sống ở nơi này được nữa, hai vợ chồng khăn gói đi tìm một bến phà khác để kiếm sống.

Ngày đó, con đường từ Sài Gòn về miền Tây không được thuận tiện như bây giờ mà phải đi qua rất nhiều bến phá để sang sông. Trong đó bến phà Cần Thơ, qua sông Hậu là lớn nhất. Mỗi ngày có hàng ngàn lượt người xe qua lại, rất nhộn nhịp. Nhận thấy có thể kiếm sống được ở đây, vậy là hai vợ chồng dắt díu nhau tới bến bắc phà Cần Thơ (phía tỉnh Vĩnh Long) thuê một phòng trọ ở gần đó rồi hàng ngày mưu sinh.

Căn phòng trọ của hai vợ chồng ông Liêm vô cùng chật hẹp, ẩm thấp, được nợp bằng tôn, diện tích chỉ khoảng 4m2 vừa kê đủ một cái dát giường để hai vợ chồng nằm ngủ. Dưới nền đất trải mấy cái mảnh bao làm chỗ cho khách ngồi trò chuyện. Diện tích nhỏ còn lại là chỗ nấu nướng. Nhà vệ sinh chung với nhiều người ở các phòng trọ khác. Trong căn phòng ấy ngoài chiếc tivi nhỏ được người ta cho thì chẳng còn vật dụng gì đáng giá.

“Chật hẹp là vậy nhưng vợ chồng tôi cũng ở đây được hơn 20 năm rồi. Tiền thuê nhà được trả theo ngày với giá 45 ngàn đồng/ ngày bao gôm cả điện nước. Ở xóm trọ này người ta thường trả tiền nhà trọ theo tháng nhưng vợ chồng tôi kiếm được ngày nào chỉ đủ tiêu ngày đó nên không dám dồn đến cuối tháng”.- bà Liễu chia sẻ.

Hàng ngày vào buổi sáng, hai vợ chồng ra khỏi nhà vào lúc khoảng 4h, bà Liễu đi bán vé số dạo ở quanh thị xã Bình Minh, còn ông Liêm thì ôm cây đàn tự chế ra bến phà chơi đàn, ai thích thì bỏ tiền vào chiếc ca nhựa cho ông chứ ông không mở lời xin ai. Khách qua phà đông nên ông Liêm cũng kiếm được kha khá.

Ông Liêm chơi đán và khách qua phà ngẫu hứng cất giọng ca

Tuy nhiên đến năm 2010 khi cây cầu Cần Thơ khánh thành, nối liền hai bờ sông hậu cũng là lúc bến phà Cần Thơ kết thúc xứ mệnh của mình. Bến phà đóng cửa đồng nghĩa với việc thu nhập của ông Liêm cũng không còn nữa.

Trong lúc đang loay hoay không biết nên chuyển đi đâu kiếm sống thì bến phà Cần Thơ lại được tiếp tục mở lại ngay dưới chân cây cầu dây văng hiện đại kia nhưng với quy mộ nhỏ hơn.

Bởi lẽ nhiều người vẫn thích thói quen đi phà hơn đi cầu, hơn nữa để đi qua cầu Cần Thơ phải đi qua một đoạn đường vòng xa hơn tới gần chục cây số. Trong khi đó đi phà thì chỉ cần chờ đợi một lát, lên đến bờ là đã tới trung tâm TP Cần Thơ hoặc phía bắc phà là trung tâm thị xã Bình Minh, rất thuận tiện.

Tuy không còn đông đúc như trước nữa nhưng hàng ngày vẫn có hàng chục chuyến phà đưa khách sang sông, khách qua phà chủ yếu là người đi xe máy. Nếu chỉ bám lấy bến phà nhỏ này để kiếm tiền thì không đủ sống nên ông Liêm quyết định đi bán thêm cả vé số ở nơi khác nữa.

Vậy là buổi sáng ông thuê xe ôm đi bán vé số, khi thì đi Sóc Trăng, khi thì Bến Tre. Bán hết khoảng từ 130-150 tờ vé số trong vòng một buổi sáng, ông lại thuê xe ôm về phòng trọ ăn uống, nghỉ ngơi, đến chiều thì cầm cây đàn tự chế ra bến phà tiếp tục kiếm tiền.

Ông Liêm chia sẻ: “Lúc nào tôi cũng chỉ thích đi như vậy, chứ ở phòng trọ thì bí bách lắm không chịu được. Thỉnh thoảng đi bán vé số, đánh đàn dạo như thế cũng gặp được người giàu có tốt bụng hoặc là Việt kiều về nước, ngoài việc mua vé số người ta còn bo cho tôi vài chục ngàn đồng. Nhưng vui nhất là nhiều khi mình đánh đàn có hành khách đi phà ngẫu hứng ca theo luôn”.

Theo ông Liêm, sau nhiều năm đi đánh đán như vậy ông đã phải thay đến mấy mảnh gỗ, mấy chiếc chậu nhôm, còn dây đàn thì không đếm xuể. Ông Liêm cho biết: “Chỉ đánh được vài ngày là dây đàn nóng lên rồi đứt và phải thay dây mới. Còn chậu nhôm thì nhiều khi tôi gõ vào để tạo âm thanh, lâu dần nó cũng bị thủng mất, không kêu thành tiếng nữa phải thay chậu khác.Mảnh gỗ làm thân đàn thì lâu ngày đinh nó cũng bung ra, đóng lại nhiều nát hết đầu gỗ nên phải thay mảnh gỗ mới”

Ông Liêm tự sửa đàn khi dây đàn bị đứt

Mỗi ngày đi làm như vậy vợ chồng ông Liêm cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng. Nếu không có bệnh tật gì thì họ cũng tích góp được ít nhiều nhưng ngặt nỗi bà Liễu lại thường xuyên phải đi viện.

Ông Liêm chia sẻ: “Tôi được cái gầy gò nhưng cũng khỏe, phơi nắng cả ngày nhưng rất ít ốm đau vặt. Chỉ có điều tôi hút thuốc lá nhiều nên phổi bị ảnh hưởng, nhiều khi cũng thấy khó thở. Còn vợ tôi mặc dù rất to béo nhưng lại đủ thứ bệnh, nào là gan nhiễm mỡ, nao là cao huyết áp, phải đi viện thương xuyên. Nhiều hôm đang đi bán vé số bỗng nhiên ngất xỉu giữa đường may mà có người giúp đưa vào bệnh viện kịp thời”.

Bao năm qua hai vợ chồng ông Liêm luôn ao ước có một ngôi nhà nho nhỏ để khỏi phải sống cảnh đi ở trọ. Tuy nhiên họ không thể biến ước mơ thành sự thật vì chẳng tích góp được tiền, thậm chí nhiều khi phải đi vay mượn thêm tiền để đưa bà Liễu đi bệnh viện chữa bệnh.

Người chủ nhà trọ nơi hai vợ chồng ông Liêm đang sinh sống cho biết, tuy hoàn cảnh của hai vợ chồng rất nghèo khó nhưng mọi người thấy họ sống với nhau rất hạnh phúc, chẳng khi nào thấy họ to tiếng với nhau. Thỉnh thoảng buồn buồn, ông mang cây đàn tự chế ra đánh vài bài cho vợ nghe. Mọi người ở xóm trọ này đều ngưỡng mộ về chuyện tình cảm của hai con người này.

Văn Tuấn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI