Ông đã về Nam

21/03/2018 - 09:38

PNO - “Không ít lần ông Khải nói với chúng tôi rằng, rất nhớ quê, thương đồng bào miền Nam, đặc biệt là với quê hương Củ Chi. Lúc nào ông cũng nói khi về hưu, ông sẽ về Củ Chi”.

Trong những tháng ngày cam go và ác liệt của chiến trường miền Nam trước và sau tết Mậu Thân 1968, dù sức khỏe không tốt nhưng Bác Hồ luôn đau đáu, Người muốn vào Nam, vào với đồng bào ruột thịt, vào để chia sẻ, động viên chiến sĩ. Bác ăn hết một chén cơm đầy rồi nói với đại tướng Lê Đức Anh: “Chú thấy Bác còn khỏe đấy! Chú hãy chuẩn bị cho Bác đi vào thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam”. Nhưng Người đã không vào kịp! 

Ong da ve Nam
Lần thăm hỏi và trao đổi cuối cùng của các thành viên Ban chỉ đạo biên soạn công trình lịch sử với chú Sáu Khải - ảnh: T.T.T.

Không hiểu sao, tôi cứ mang theo cái nỗi đau đáu ấy trong suốt buổi tối ngày 19/3, khi đứng lẫn trong dòng người dọc theo quốc lộ 22 tiễn đưa ông về Hội trường Thống Nhất. Một hoàn cảnh khác nhưng chung một tình yêu sâu đậm dành cho miền Nam, mà theo lời bà Phạm Chi Lan - thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải - “Không ít lần ông Khải nói với chúng tôi rằng, rất nhớ quê, thương đồng bào miền Nam, đặc biệt là với quê hương Củ Chi. Lúc nào ông cũng nói khi về hưu, ông sẽ về Củ Chi”. 

Lọt lòng từ mảnh đất thép, mới 8 tuổi đầu đã biết lén ra bưng, tiếp tế cơm nước và tin tức cho ông ngoại là cụ Phan Văn Ngoan và đội nghĩa quân Hóc Môn nhưng Phan Văn Khải rời quê nhà khá sớm. Ông xa quê thật lâu. Ngày trở về, cũng chỉ có 2 năm trước khi miền Nam giải phóng, để rồi sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại TP.HCM, ông lại trở ra Bắc, thêm 13 năm dằng dặc.

Có phải vì điều đó mà trong ông, không chỉ là nỗi nhớ; hay ngay cả khi nỗi nhớ đã được lấp đầy thì vẫn như thể chưa đủ, chưa bù đắp lại những ân tình mà ông cả đời chỉ biết cưu mang để trả cho tròn vẹn. 

Ân tình của cả dân tộc này với mảnh đất Thành đồng đã chịu bao đau thương mất mát, nếu không soi khuôn mặt mình xuống con nước Rạch Xẻo, Rạch Tra thì làm sao thấy hết dòng chảy của máu, của hàng trăm sinh mạng đã đổ xuống hôm qua nơi mảnh đất Bình Mỹ. Để bài học về lòng biết ơn của hậu thế sẽ phải luôn được nhắc nhở, ghi sâu. 

Ong da ve Nam
 

Có lẽ thế nên từ ngày trở về Củ Chi, vẫn cái phong thái chậm rãi, cái bản tính chắc chắn, căn cốt ấy, ông đi “giáp vòng” nào là Trung ương Cục miền Nam, cái thời ông về Nam, công tác ở Bắc Tây Ninh; nào là khu Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính kháng chiến Nam bộ ở Long An, vùng Đồng Tháp Mười… tập hợp, vận động, lĩnh xướng các công trình tôn tạo các di chỉ cách mạng.

Còn nhớ, hôm khánh thành khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, cách nay 2 năm, ông nói, “Tôi tin rằng, sau khi hoàn thành khu truyền thống cách mạng này sẽ góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của đông đảo đảng viên, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào, giúp vào việc nâng cao lòng tự hào là công dân của thành phố anh hùng, xây dựng niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng”. 

Hẳn, trong ấy có ông, là ông - một công dân của thành phố anh hùng, hiểu và ưu tư về việc làm sao lưu giữ cho trọn vẹn, đầy đủ để trao truyền cho mai sau một phần lịch sử của đất nước này - đã được viết bằng máu và tình yêu hòa bình, khát khao độc lập của những lưu dân Nam bộ.

Bởi nếu không thì làm sao công trình ghi chép lịch sử cuối cùng của đời ông, tuy chưa đóng thành bản thảo nhưng do chính ông khởi xướng, lại là công trình về Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, là Lực lượng Liên minh Dân tộc dân chủ hòa bình, là Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - linh hồn và là sức mạnh chính nghĩa của nhân dân Nam bộ trong cuộc chiến đấu không nao núng trên chiến trường quân sự, không khoan nhượng trên chính trường đàm phán, không lùi bước trước mọi âm mưu chính trị của kẻ thù; để từ đó tạo dựng chiến lũy lòng dân trên khắp miền Nam từ năm 1960 đến năm 1973.  

Cái vĩ thanh không hề ngọt ngào và vinh quang của thời hậu chiến vẫn để lại không ít ngậm ngùi, xót xa. Và có lẽ, ông không hờ hững để lật qua những trang sách khác, cái cúi xuống ân cần, nhẫn nại lại là tư thế soi mình qua chiếc gương lịch sử, để không ai, không điều gì bị lãng quên, bị phai nhạt.

Công trình ấy, như lời hứa của ông Hai Nhựt (nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải), của ông Ba Đua (nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua), của bà Thân Thị Thư (trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM) - những thành viên chỉ đạo biên soạn - trước anh linh ông Sáu Khải, sẽ cố gắng thực hiện với chất lượng cao nhất. Và chúng ta, những người đọc hậu thế sẽ đánh vần từng chữ cái về con người và vùng đất lịch sử này.

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI