Nữ sinh đạt 27,5 trượt Đại học vì "mù internet":Do tháo sim điện thoại đã đăng ký với nhà trường?

05/11/2016 - 16:49

PNO - Ông Vũ Văn Sử - PGĐ Sở GD-ĐT Hà Giang cho rằng đây là việc đáng tiếc, không mong muốn nhưng lỗi cơ bản thuộc về em Huyền.

Thông tin vụ việc nữ sinh Đặng Thị Huyền (dân tộc Hoa, ở thôn Na Cho Cai, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cầu cứu vì mình đạt 27,5 điểm thi THPT Quốc gia 2016, đồng thời có giải quốc gia mà vẫn không trúng tuyển Đại học... vì "mù internet".

Chiều 5/11, để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ với bà Trần Bích Thúy, Hiệu phó Trường PTDTNT cấp 2 - cấp 3 Yên Minh, Hà Giang (ngôi trường em Huyền theo học cấp 3) để tìm hiểu rõ vụ việc.

Trao đổi với PV, bà Thúy xác nhận thông tin vụ việc, đồng thời cho biết, trong quá trình học tập, Huyền vốn là học sinh giỏi của trường, em đạt giải ba Quốc gia môn Địa lý, đem lại vinh dự cho nhà trường, việc sơ suất trong vấn đề xét tuyển đại học xảy ra với Huyền là điều không mong muốn.

"Trước đó, trong quá trình tham dự, triển khai kỳ thi tuyển sinh nhà trường cũng có ban tuyển sinh, và cũng có hướng dẫn em làm hồ sơ tuyển thẳng. Tuy nhiên, Huyền từ chối và xin phép thi bằng chính năng lực của em.

Khi có kết quả THPT Quốc gia 2016 điểm thi của Huyền cũng rất là cao, các thầy cô cũng hướng dẫn Huyền đăng ký nguyện vọng từng đợt một và cần chú ý hết sức, chủ động làm... Huyền cũng đăng ký vào 2 trường như trong tâm thư em có tâm sự. Thế nhưng, sau khi trở về địa phương, nhà các em cách trường rất xa khoảng 40 km,  em không đến trường và cũng không cần thầy cô hỗ trợ tư vấn nữa".

Nu sinh dat 27,5 truot Dai hoc vi
Nữ sinh Đặng Thị Huyền (dân tộc Hoa, ở thôn Na Cho Cai, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cầu cứu vì mình đạt 27,5 điểm thi THPT Quốc gia 2016, đồng thời có giải quốc gia mà vẫn không trúng tuyển Đại học... vì "mù internet".

Bà Thúy cho biết thêm: "Phía giáo viên chủ nhiệm và sở cũng đã chỉ đạo các phòng tổng hợp các em đỗ đại học. Các thầy cô ở ban tuyển sinh của nhà trường với giáo viên chủ nhiệm cũng đã liên lạc với Huyền nhưng không được (do số điện thoại em đăng ký với nhà trường em lại tháo sim ra)...

Sau khi hết đợt 1 đến đợt 2 các cô không thể nào liên lạc được với em ấy. Mãi đến khi cô giáo chủ nhiệm liên hệ với chính quyền địa phương, hỏi qua người nhà, người thân của em xin số điện thoại mới liên lạc được", bà Bích Thúy kể lại.

Nhìn nhận về câu chuyện xảy ra với thí sinh Đặng Thị Huyền, vị lãnh đạo trường cho rằng: "Cũng một phần do em Huyền chủ quan quá, rồi công việc đồng áng với nhà nông với bố mẹ nên không để ý theo dõi. Khu vực em sinh sống cũng thuộc vùng khó khăn có khi cũng không nhận được giấy báo của trường đỗ ở đâu để gửi chính xác giấy xác nhận của mình đến đó. Nếu nộp vào rồi để xác nhận em đỗ... Nếu sau ngày đó, không thấy em ấy nộp thì có nghĩa là từ chối, có lẽ em ấy rơi vào trường hợp ấy".

Theo bà Thúy, nhà trường cũng cảm thấy rất buồn vì trong niềm vui sướng đỗ đại học đem đến niềm vinh dự cho nhà trường nhưng lại xảy ra chuyện đó. "Nếu như, em ấy chủ động liên lạc với nhà trường cần sự giúp đỡ thì sẽ không có cái vụ việc này xảy ra, rất đáng tiếc cho em ấy", bà Thúy nhấn mạnh.

Cùng ngày, trao đổi với PV, ông Vũ Văn Sử - PGĐ Sở GD-ĐT Hà Giang cũng cho rằng đây là việc đáng tiếc, không mong muốn, tuy nhiên lỗi cơ bản thuộc về em Huyền.

"Việc các em chưa hiểu, sơ suất để xảy ra điều đáng tiếc ấy là lỗi của các em. Bởi lẽ, hàng nghìn hàng vạn người người ta biết mình lại không chú trọng cái việc ấy... Trong hướng dẫn rất rõ câu chuyện xét tuyển nó sẽ như thế nào, làm rất kỹ, rất rõ, tổ chức hội nghị trực tuyến các kiểu, hướng dẫn đầy đủ.. cuối cùng lại có một em lại không để tâm việc ấy.

Chúng tôi đã cho kiểm tra thì tất cả các xã đều có bưu điện xã, kết nối internet. Chúng tôi cho báo cáo để chờ xem Bộ có ý kiến với trường thế nào, còn về nguyên tắc mà nói thì đã như vậy rồi, tôi nghĩ là cũng có cái khó...", Vị lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Giang nhìn nhận.

Trước đó, như báo Phụ nữ TP.HCM đưa tin, Em Đặng Thị Huyền (dân tộc Hoa, ở thôn Na Cho Cai, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) gửi Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cầu cứu vì mình đạt điểm cao, có giải quốc gia mà vẫn không trúng tuyển ĐH.

Cụ thể, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Huyền đạt 27,5  điểm 3 môn (Văn, Sử, Địa, điểm cộng). Huyền đã làm 2 bộ hồ sơ gửi xét tuyển vào 2 trường: ĐH Luật Hà Nội (nguyện vọng (NV) 1 vào ngành Luật kinh tế, NV 2 vào ngành Luật) và ĐH Sư phạm Hà Nội khoa Việt Nam học.

Đến khi các bạn nhập học cả thì Huyền xác định là mình đã trượt, em vô cùng thất vọng. Ngay cả cô giáo chủ nhiệm của Huyền cũng rất tiếc và không hiểu vì sao cô học sinh xuất sắc của mình lại trượt ĐH.

Sau đó, Huyền nhận được giấy mời lên Hà Nội dự lễ tuyên dương học sinh dân tộc đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia, đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Tại đây, mọi người mới chỉ cho Huyền gọi điện lên phòng đào tạo các trường để hỏi lý do.

Lúc này, Huyền mới vỡ lẽ, do không thạo sử dụng Internet (trước đó em toàn nhờ cô giáo xem hộ), không có điều kiện cập nhật thông tin về danh sách trúng tuyển trong thời gian các trường công bố, em đã không kịp thời gửi giấy báo điểm để xác nhận mình trúng tuyển. Do vậy, cả 2 trường đều coi em là ... "thí sinh ảo".

"Giờ em không biết phải làm thế nào cả. Không biết ai có thể giúp em. Chỉ mong có một phép màu để thời gian quay ngược trở lại, để cánh cửa vào giảng đường ĐH đừng khép lại" - Huyền nghẹn ngào.

Hà My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI