Nữ quân nhân nguyện hiến xác cho sinh viên y khoa thực hành

13/08/2016 - 07:08

PNO - Nghĩ đến lúc được các sinh viên y khoa giải phẫu trong giờ thực hành khiến nữ quân nhân Trần Thị Hậu (47) cảm thấy xúc động.

Hành trình 8 năm chờ được hiến tạng

Chiều ngày 12/8, chị Trần Thị Hậu (47 tuổi, công tác tại Tỉnh đội Lạng Sơn) đang nằm điều trị tại Bệnh viện Quân y 103 (TP. Hà Nội) vui mừng chia sẻ, sau nửa tháng được ghép thận từ cơ thể người đàn ông chết não, hiện sức khỏe của chị đã dần trở lại bình thường, các chỉ số đều ở mức ổn định.

Nói về hành trình chiến đấu từ cái chết tìm đến sự sống, chị Hậu chỉ có thể miêu tả bằng 2 từ "may mắn". Chị Hậu chia sẻ: "Sáng ngày 27/7, tôi được các bác sĩ gọi điện thông báo có bệnh nhân nam chết não muốn được hiến thận và tôi là người được chọn để nhận nguồn tạng đó. Vừa nghe được thông báo, tôi và người thân vội bắt xe đến bệnh viện Quân y 103 ngay trong ngày. Đến chiều thì ca phẫu thuật diễn ra, kéo dài gần 3 tiếng".

Thế nhưng, sự "may mắn" ấy cũng phải trải qua 8 năm chờ đợi mới mỉm cười với nữ quân nhân này. Bắt đầu từ năm 2008, chị Hậu thường xuyên đi tiểu vào ban đêm, cơ thể có biểu hiện phù nề, mệt mỏi. Triệu chứng càng lúc càng tăng buộc chị phải đi khám, nhận được tờ kết luận tình trạng bệnh suy thận trên tay, chị nghĩ về tương lai với hai dòng nước mắt.

Nhưng với bản tính mạnh mẽ của người lính bộ đội thông tin cùng với sự động viên của chồng và 2 con, chị Hậu gạt đi nước mắt, nhập viện điều trị với hy vọng sự tiến bộ của y học sẽ giúp mình vượt qua cơn hoạn nạn. Tuy nhiên, 2 năm coi bệnh viện là nhà, căn bệnh suy thận của chị không những không giảm mà còn nặng hơn. Các bác sĩ cho biết, nếu không thể tìm được thận thay thế thì tính mạng của chị Hậu khó có thể giữ được. Để cầm cự chờ đợi, chị Hậu phải trải qua thủ thuật lọc màng bụng thường xuyên. Lúc này, nhận thấy ở viện điều trị không có kết quả nên chị Hậu đã xin về nhà tự lọc màng bụng định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Nu quan nhan nguyen hien xac cho sinh vien y khoa thuc hanh
Chị Trần Thị Hậu chia sẻ với PV.

Kể về hành trình tìm thận ghép, chị Hậu bồi hồi nhớ lại: "Cũng có vài lần tôi được thông báo có người hiến thận. Nhưng tất cả những lần ấy, tôi đều không đến kịp. Vì lý do chuyên môn, nếu để quả thận lâu ở ngoài cơ thể sẽ có nguy cơ hỏng nên các bác sĩ đành phải ghép cho người khác. 8 năm sống trong bệnh tật cũng là 8 năm tôi và người thân chờ đợi, đi từ hy vọng đến thất vọng, từ mong chờ đến hụt hẫng. Ngay cả với lần ghép thận vừa rồi, tôi vẫn không tin mình là người được chọn".

Nói đến đây, khuôn mặt chị Hậu đượm buồn bởi chị nghĩ về người đàn ông ở huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội đã hiến tạng sau khi trải qua tai nạn khiến bản thân bị chết não. Chị Hậu bảo, khi vừa mới tỉnh lại, bên cạnh niềm vui bản thân được cứu sống chị cũng đã tìm hiểu về hoàn cảnh của người cho tạng mình. Khi biết được gia cảnh của người đàn ông ấy cũng không khá giả gì, chị muốn làm điều gì đó bù đắp cho gia đình họ nhưng vì sức khỏe chưa hồi phục hẳn nên vẫn đau đáu trong lòng.

"Các bác sĩ khuyên tôi cứ tập trung vào việc điều trị đó, công việc tri ân để sau hẵng tính, cần phải có thời gian và cũng hết sức khéo léo để tránh sự hiểu lầm hay khiến cho người thân của họ bị tổn thương" - chị Hậu chia sẻ.

Thích được giải phẫu thân xác

Đầu tháng 8/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến thăm và gửi lời đồng viên chị Hậu, người nữ quân nhân này đã bất ngờ nói lên mong muốn sau này được hiến xác cho y học để các sinh viên ngành y có nguồn xác để học tập trong những giờ thực hành. Đây là quyết định táo bạo, khiến nhiều người bất ngờ nhưng bản thân chị Hậu đã suy nghĩ chuyện này từ rất lâu.

Chị Hậu tâm sự: "Không rõ từ khi nào tôi lại muốn như vậy, có thể là trải qua năm tháng chiến đấu với bệnh tật, tận thân trải qua mong chờ nguồn tạng trong nhiều năm. Rồi những lần nằm ở đây điều trị, thấy các sinh viên y khoa đi theo người thầy đến từng giường bệnh để học hỏi nên tôi hiểu được rằng y học nước mình còn thiếu nhiều thứ. Tôi muốn làm điều ý nghĩa cho những người đã cứu tính mạng của tôi... thế là hai bên tai tôi cứ văng vẳng lên từ "Hiến xác".

Trong quãng thời gian điều trị bệnh, chị Hậu đã tự mình tìm hiểu các điều luật liên quan đến hiến xác cho y học. Chị thấy bản thân mình hoàn toàn có thể đáp ứng được những yêu cầu đó, chỉ có điều cơ thể chị có phù hợp, được y học chấp nhận hay không thì còn phải trải qua bước kiểm tra tổng quát.

Nói tới rào cản tâm linh, gia đình trong quyết định của mình, chị Hậu chia sẻ: "Bản thân tôi không cảm thấy sợ bởi cuộc sống này tôi có được cũng là nhờ y học hiện đại. Tôi luôn muốn mình phải làm điều gì đó để đáp lại công ơn đó. Nghĩ đến giây phút được nằm trên bàn, trở thành thân xác thực tế cho sinh viên trong các giờ học giải phẫu tôi không cảm thấy sợ mà còn thích thú bởi tâm nguyện của mình trở thành hiện thực. Chồng và hai con cũng luôn ủng hộ quyết định của tôi. Từ khi biết tôi có ý định hiến xác, họ nói rằng tôn trọng và luôn ủng hộ mọi quyết định tôi đưa ra".

Đoàn Văn
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI