Nữ GS đầu tiên ở lĩnh vực TDTT: “Bảy mươi chưa phải là già”

20/11/2013 - 07:54

PNO - PNO - Trong số 56 người nhận giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS) ngày 18/11/2013 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Nhà giáo ưu tú, GS.TS Lê Nguyệt Nga của Trường ĐH Thể dục thể thao (TDTT) TP.HCM là một trường...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Bà là nhà giáo lớn tuổi nhất (72 tuổi) được phong GS năm nay, là nữ GS đầu tiên ở lĩnh vực TDTT, nếu tính riêng ở miền Nam thì bà là GS ở lĩnh vực TDTT đầu tiên kể cả nam lẫn nữ. Một điểm đặt biệt nữa là hầu hết những thành quả bà đạt được đều rơi vào giai đoạn sau khi về hưu.

Nu GS dau tien o linh vuc TDTT: “Bay muoi chua phai la gia”

Nhà giáo ưu tú - GS.TS Lê Nguyệt Nga

Thành công sau khi về hưu

* Phóng viên: Được phong GS ở tuổi ngoài bảy mươi, cảm giác của bà thế nào?

- GS.TS Lê Nguyệt Nga: Khi biết thông tin nằm trong danh sách các GS được Nhà nước phong tặng năm nay và là GS lớn tuổi nhất, tôi rất vui. Ở tuổi ngoài 70 mà được phong GS, đây là một sự công nhận của Nhà nước. Đây cũng là niềm vui cho ngành của TDTT, vì nữ GS ở lĩnh vực TDTT thì tôi là người đầu tiên trong cả nước. Tính riêng ở miền Nam, thì tôi là giáo sư TDTT đầu tiên kể cả nam lẫn nữ. Chính về thế mà nhiều thầy cô trong trường, trong ngành động viên tôi rất nhiều…

* Xin bà chia sẻ thêm về quá trình hoạt động nghiên cứu ở lĩnh vực TDTT của mình?

- Một điều khá lạ là những thành công tôi đạt được lại rơi vào giai đoạn sau khi về hưu. Năm 1965, tôi tốt nghiệp ĐH; năm 1974 tốt nghiệp phó tiến sĩ; 17 năm sau, năm 1991 được phong PGS (50 tuổi); 22 năm sau (2013), mới được phong GS. Tôi về hưu năm 1997. Trong khoảng thời gian về hưu 16 năm, tôi đã thực hiện 8 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp TP, hướng dẫn thành công 7 nghiên cứu sinh, trên 40 thạc sĩ và viết trên 40 bài báo khoa học.

*Đây thật là một “kỳ tích” của bà sau khi về hưu. Với một người đương chức làm NCKH là chuyện không không đơn giản, với một người đã về hưu như bà, có lẽ càng khó hơn nhiều?

- Có lẽ, do tôi yêu ngành. Tôi có cảm giác, mình như một hạt giống đến hôm nay đơm hoa kết trái trong một môi trường tốt. Ở môi trường này, tôi được Sở KHCN, Sở VH-TT&DL… đồng ý cho làm đề tài và quan trọng là tôi có khách thể để nghiên cứu, đó là các vận động viên, những sinh viên, cộng tác viên đồng cảm và tham gia vào đề tài của tôi.

Với tôi, trong khoa học, 70 tuổi chưa phải là già. Những người cao tuổi như GS Vũ Khiêu, GS Nguyễn Lân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình… luôn là những thần tượng của tôi trong học tập và NCKH. Chỉ cần còn sức khỏe, cái gì có lợi cho sinh viên, cho xã hội thì mình làm.

Nu GS dau tien o linh vuc TDTT: “Bay muoi chua phai la gia”

Bà Lê Nguyệt Nga (thứ 3 từ phải sang)

* Quá trình hướng dẫn nghiên cứu sinh và làm khoa học của bà có thuận lợi lắm không?

- Trong nghiên cứu giảng dạy, tôi tương đối nghiêm khắc, đôi khi khắt khe nữa. Nhiều lúc tôi không hài lòng với học trò lắm, do họ chậm tiến độ hay nhiều lý do khác. Hoặc công việc họ làm không như ý mình. Gặp những trường hợp như thế tôi thường có buổi trao đổi riêng với họ. Mặt khác, tôi cũng rất kiên trì chỉ cho họ những giải pháp để hoàn thành công việc ấy. Bên cạnh đó, tôi động viên người ta với tương lai, viễn cảnh khi người ta hoàn thành công việc.

Sau này nhiều học trò gặp lại tâm sự: “Không có cô chắc em bỏ cuộc, nhiều khi nghĩ tới cô mà em cố gắng vì không muốn để cô buồn”. Nhiều nghiên cứu sinh, thạc sĩ bảo vệ xong luận án khi nhắc tới tên tôi, bỗng dưng bật khóc nức nở tại hội trường… Đấy là những tình cảm rất thật, những kỷ niệm đẹp của một nhà giáo như tôi.

Duyên nợ với khoa học TDTT

* Khi nói về TDTT thì người ta hay liên tưởng đến những đấng mày râu “vai u thịt bắp”, với bà khi đến với lĩnh vực này chắc là có nhiều kỷ niệm, tâm tư?

- Con đường dẫn tôi đến với nghề giáo và lĩnh vực TDTT cũng khá là thuận lợi. Năm 1965, tôi tốt nghiệp đại học TDTT ở nước ngoài về, được Uỷ ban TDTT phân công về công tác ở đội bơi của Trường huấn luyện TDTT Trung ương là trung tâm Nhổn bây giờ, với vai trò là huấn luyện viên (HLV). Công việc của tôi là trực tiếp huấn luyện đội tuyển bơi lội trẻ và làm phiên dịch cho một chuyên gia nước ngoài.

Từ đó, tôi tiếp cận được mô hình vận động viên (VĐV) cấp cao bơi lội. Thời đó, điều kiện cơ sở vất chất còn nhiều khó khăn, mỗi lần tập bơi thì phải đi bộ một quãng đường rất dài qua Quảng trường Ba Đình, mùa đông thì VĐV phải tập bơi trong điều kiện giá rét rất gian khổ. Tự dưng tôi nảy ra ý tưởng: làm sao để có thể giúp cho các VĐV của mình với điều kiện như vậy có thể đạt được một thành tích tốt nhất.

Sau đó, tôi nghĩ, chỉ duy nhất là làm thế nào để khoa học hóa quá trình huấn luyện VĐV, đơn giản là áp dụng các kiến thức đã học ở trường vào thực tiễn huấn luyện VĐV. 3 năm sau, những chiêm nghiệm của tôi đã có được lời giải. Vào dịp đi tập huấn ở CHDC Đức, trong một cuộc thi đấu nội bộ ở Berlin thì VĐV Phạm Thị Mão do tôi huấn luyện đã chiến thắng một VĐV tuyển quốc gia của nước chủ nhà.

Năm 1968, khi đội bơi do tôi huấn luyện đi tập huấn ở CHDC Đức, ông Chủ tịch Ủy ban Olympic của CHDC Đức đến thăm đoàn và khẳng định: “TDTT là một môn khoa học tổng hợp của các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội”.

Chính câu nói này đã để lại trong tôi một suy nghĩ: “Muốn nâng cao TDTT thì không phải đơn giản. Nghĩa là muốn chiến thắng đối thủ, mình phải biết đối thủ mạnh điểm nào, yếu ở điểm nào và mình cũng mạnh điểm nào, yếu ở điểm nào… Và nhiệm vụ của người HLV là làm thế nào khắc phục được những mạnh, yếu của VĐV mình. Mà muốn nâng cao thành tích của VĐV là cả một quá trình huấn luyện rất khoa học, phải tận dụng kiến thức cũng như thành tựu của rất nhiều các môn khoa học khác.

Điều quan trọng ở đây là bằng cách nào, thể hiện cụ thể trong huấn luyện, trong thi đấu, đây chính là vấn đề khoa học trong giảng dạy, trong huấn luyện và trong thi đấu thể thao.

Nu GS dau tien o linh vuc TDTT: “Bay muoi chua phai la gia”

Sinh viên Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM tập luyện bơi lội

* Là một người có thâm niên trong nghề giáo và ở lĩnh vực khá đặc thù, chắc bà có nhiều điều muốn nhắn gửi đến các VĐV, cũng như các bạn trẻ?

-Tôi từng nói với các học trò: “Nếu các bạn đi thi đấu ở nước ngoài, hãy nhớ rằng các bạn là những nhà ngoại giao, các bạn phải làm sao để mang đến với mọi người những hình ảnh đẹp nhất về người Việt Nam. Bạn chiến đấu phải ngoan cường, có thể thực lực bạn không bằng nhưng bạn thua vẫn trong một tư thế rất cố gắng”.

Điều tôi muốn gửi gắm đến các bạn trẻ hôm nay là: Hãy đến với khoa học, đừng nghĩ khoa học là cái gì đó xa vời, thật ra khoa học rất gần gũi với ta, nó là một cái gì đó đang tồn tại, nó chưa hoàn chỉnh… bạn sẽ làm một cái gì đấy cho nó tốt hơn theo một định hướng cụ thể.

* Để đạt được học hàm, học vị cao trong giáo dục thì ai cũng phải nỗi lực rất nhiều, với một người phụ nữ, lại ở lĩnh vực TDTT, bà có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm là làm thế nào để “đảm việc nước giỏi việc nhà”?

- Để có quả ngọt như ngày hôm nay, bên cạnh các tổ chức, các đồng nghiệp, học trò, tôi luôn thầm cảm ơn người chồng của mình. Chính ông là người chắp cánh để ước mơ của tôi được bay cao, bay xa hơn. Thật lòng mà nói, nếu người phụ nữ đã dấn thân vào quản lý, khoa học thì việc quan tâm đến gia đình không thể làm tốt bằng chị em chuyên lo việc bếp núc trong nhà.

Dù vậy, tôi vẫn muốn khẳng định, với người phụ nữ thì chỗ dựa vững chắc nhất vẫn là gia đình, có chỗ dựa vững chắc thì sự nghiệp mới vững vàng được! Người phụ nữ phải là người có trách nhiệm giữ lửa, giữ ấm trong gia đình. Nhiều khi, tôi phải đi công tác xa nhà thì chính người chồng phải quán xuyến nhiều thứ. Tuy nhiên, khi có điều kiện ở nhà thì tôi phải làm tròn những công việc nội trợ của mình.

Điều cuối cùng mà tôi muốn chia sẻ câu chuyện về những thành công mình đã đạt được là: “Một hạt giống tốt phải được nảy mầm trong một môi trường tốt, môi trường đấy chính là nơi tôi đã từng làm việc”.

* Xin cám ơn bà về cuộc trò chuyện!

Nhà giáo ưu tú - GS.TS Lê Nguyệt Nga

Sinh năm 1941. Tốt nghiệp đại học TDTT tại Bắc Kinh (Trung Quốc) lúc 24 tuổi.

Năm 1965 - 1968, làm huấn luyện viên bơi lội cho đội tuyển bơi lội Việt Nam tại Trường huấn luyện TDTT Trung ương.

Năm 1969 - 1974, làm luận án phó tiến sĩ tại Hungary.

Tháng 9/1975, vào TP.HCM, công tác tại Sở Thể dục thể thao TP.HCM.

Năm 1976, giữ chức vụ Trưởng phòng Giáo vụ của Trường Cán bộ TDTT Miền Nam.

Năm 1981, là Hiệu phó Trường Đại học Thể dục thể thao TP.HCM.

Từ năm 1992 - 1996, vừa làm Phó hiệu trưởng trường Đại học Thể dục thể thao TP.HCM, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm huấn luyện TDTT quốc gia.

Năm 1993, được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Rất nhiều học trò được GS Nga đào tạo nay đã trở thành những cán bộ giữ chức vụ quan trọng, như Tiến sĩ Phạm Quang Bản - Phó vụ trưởng Ban Khoa giáo Trung ương (phụ trách phía Nam), Tiến sĩ Nguyễn Thành Lâm - Giám đốc Trung tâm huấn luyện thể thao TP.HCM, Tiến sĩ Đặng Hà Việt - Phó Giám đốc Trung tâm huấn luyện thể thao TP.HCM, Tiến sĩ Chung Tấn Phong - Tổng thư ký liên đoàn Thể thao dưới nước TP.HCM, Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao TP.HCM…

H.Chương (thực hiện)

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI