Nơi đầu sóng ngọn gió

02/09/2014 - 21:54

PNO - PN - Đến xã đảo Thạnh An, H.Cần Giờ, TP.HCM, chúng tôi được nghe nhiều lời khen ngợi của người dân đối với Chủ tịch Hội LHPN xã, chị Nguyễn Thị Ngọc Nga.

edf40wrjww2tblPage:Content

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp trung cấp du lịch, chị Nga bắt đầu cộng tác cho một số đơn vị lữ hành và đinh ninh rằng mình sẽ gắn bó với công việc hướng dẫn du lịch. Tuy nhiên, sau nhiều lần trăn trở về cuộc sống vất vả của bà con ở quê nhà Thạnh An, chị quyết tâm góp sức xây dựng quê nhà, chị nộp hồ sơ xin việc và bén duyên với công tác Hội từ đó.

Vừa nhận công việc, chị Nga đến tận nhà từng hội viên để nắm bắt cuộc sống của họ. Cũng trong thời gian đó, chị dành thời gian tìm hiểu những thế mạnh, điểm yếu của một làng chài và bắt tay phác họa ra những mô hình làm kinh tế có hiệu quả cho người dân.

Mô hình làm muối truyền thống ở ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An có nhiều tiềm năng trong việc phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân, nhưng một thời gian dài vẫn chỉ là... tiềm năng. Việc làm muối chỉ thực sự phát huy hiệu quả trong mấy năm trở lại đây, khi Hội Phụ nữ xã hỗ trợ diêm dân vay vốn. Đến nay, toàn ấp Thiềng Liềng đã có 30 hộ gia đình mở ruộng mới và nâng cấp ruộng muối cũ. Nghề làm muối trở thành “cần câu cơm” cho hàng trăm hộ dân.

Từ vài cơ sở làm mắm tôm chua nhỏ lẻ trên đảo, chị Nga đã mạnh dạn tổ chức những cuộc họp với các hội viên để cùng nhau đưa ra ý tưởng phát triển thương hiệu mắm tôm chua ở Thạnh An. Chị Hoàng Yến Phượng, chủ cơ sở mắm tôm chua Yến Phượng kể: “Lúc đầu chỉ tính làm để ăn và bán lẻ cho mọi người trên đảo, nhưng khi nghe chị Nga và các chị bên Huyện Hội phân tích, tôi đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, tìm thêm nhiều bạn hàng”. Đến nay, mỗi ngày cơ sở mắm tôm chua Yến Phượng thu được lợi nhuận từ 400.000 - 500.000 đồng. Hiện, cả xã có 17 hộ làm nghề mắm tôm chua. Tuy mới bước đầu sản xuất và bán nhỏ lẻ, nhưng việc này đã giúp nhiều hộ gia đình tăng thu nhập bình quân mỗi ngày từ 300.000 - 500.000 đồng.

Noi dau song ngon gio

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nga (bìa trái) đang thăm hỏi một gia đình hội viên ở ấp Thạnh Hòa

Mỗi khi có dịp đi đâu là chị Nga lại học hỏi cách làm ăn của những mô hình, thương hiệu thành công để về áp dụng cho xã nhà. Một lần đi Tây Ninh, chị Nga được bạn bè tặng mấy hũ muối tôm, về nhà mở ra ăn thấy ngon, chị Nga trao đổi với các dì - chị hội viên: “Họ ở vùng núi mà còn làm được muối tôm, trong khi mình ở biển, sẵn muối, sẵn tôm sao lại không làm được?”.

Nói là làm, ngay khi trở về đến Thạnh An, chị Nga họp bàn với các chị thường trực cán bộ Hội rồi phối hợp với chính quyền địa phương triển khai xuống các chi, tổ Hội lấy ý kiến của hội viên, phụ nữ. Ngay trong lần lấy ý kiến đầu tiên, đã có hai hộ dân đăng ký thử nghiệm. Không lâu sau đó, những hũ muối tôm đậm đà hương vị biển Cần Giờ được cho ra lò. Thấy “làm muối tôm cũng không khó”, nhiều hộ dân vốn làm nghề đi biển sẵn tôm và muối ngay tại địa phương đã mạnh dạn làm theo. Ở Thạnh An hiện có hai cơ sở sản xuất muối tôm và hàng chục cơ sở đang trong quá trình thử nghiệm. “Muối tôm Thạnh An mà chấm trái cây thì khỏi chê”, sau chuyến tham quan Thạnh An về, chị Nguyễn Thị Phương (Q.Bình Thạnh) tấm tắc khen.

Dù hai “làng nghề” mắm tôm chua và muối tôm ở Thạnh An mới chỉ chập chững những bước đi đầu tiên, nhưng chị Nga và các chị cán bộ Hội ở Thạnh An luôn tin tưởng bởi có Huyện Hội và Thành Hội luôn sát cánh. Làng nghề mắm tôm chua đang xin giấy chứng nhận thương hiệu, trong khi muối tôm Thạnh An đang chuẩn bị ra mắt thị trường vào năm 2015.

Điều khiến những người dân nghèo trên đảo mến mộ “chị Nga phụ nữ” không chỉ ở việc tích cực hoạt động công tác Hội, phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ giải quyết việc làm cho người dân mà còn ở chính sự nặng tình. Mỗi khi trong xã có người gặp khó khăn, ốm đau là chị Nga gõ cửa từng nhà để kêu gọi giúp đỡ. Bằng những lời lẽ ngọt ngào, hợp tình, hợp lý, việc quyên góp vài chục đến vài trăm ngàn đồng mỗi hộ gia đình khi có việc cần là chuyện dễ dàng. “Cứ có người khó khăn, bệnh tật là mỗi gia đình cố gắng dành dụm ít tiền để hỗ trợ", cụ Năm, nhà ở gần bến đò Thạnh An nói.

Làm công tác Hội nơi đầu sóng ngọn gió phải chịu nhiều vất vả, vì phải di chuyển nhiều, nhất là mỗi khi ra ấp đảo Thiềng Liềng hay vào bờ hội họp. Tuy nhiên, những khó khăn đó không hề làm chị Ngọc Nga giảm bớt hăng hái, nhiệt tình. Nói về chị Ngọc Nga, bà Hồ Thị Ái, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cần Giờ chia sẻ: “Ngọc Nga là cán bộ Hội năng nổ không chỉ trong các hoạt động phong trào mà luôn có những sáng kiến, đề xuất hợp lý để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho hội viên”.

Đình Thắng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI