Những tâm hồn đồng điệu

28/02/2022 - 06:41

PNO - Từ những mối lương duyên giữa thi nhân và nhạc sĩ, sự tương giao trong tiết tấu, giai điệu của người soạn nhạc với thi phẩm của nhà thơ, sẽ cho ra đời khúc nhạc giao hòa của những tâm hồn đồng điệu.

Khúc ru trầm với 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh là cuộc hội ngộ của gần 40 nhạc sĩ ở mọi miền đất nước và nước ngoài: nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Trần Thế Bảo, Hoài An, Võ Hoài Phúc, Quỳnh Hợp, Quỳnh Lệ, Trịnh Thùy Mỹ, Trung Kim, Minh Trí (TP.HCM); nhạc sĩ Trọng Đài, Nguyễn Cường, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Vĩnh Tiến, Trọng Lưu, Nguyễn Trần Đức Anh (Hà Nội), Lê Anh (Huế), Dương Văn Lợt (Kon Tum), Nguyễn Ngọc Tiến, Phạm Đăng Khương (Mỹ).

Tuyển tập Khúc ru trầm
Tuyển tập Khúc ru trầm

Riêng các nhạc sĩ tên tuổi ở ngay chính quê hương Quảng Nam Đà Nẵng của nhà thơ chiếm phần nhiều, như nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh, Đình Thậm, Huỳnh Ngọc Hải, Diệp Chí Huy, Nguyễn Đức, Nguyễn Xuân Minh, Thái Nghĩa, Trần Ái Nghĩa, Nguyễn Duy Khoái, Phan Trường Sơn, Quang Khánh, Thái Phú, Đinh Gia Hòa, Trương Công Ảnh… Họ đã trải lòng cùng hồn thơ Nguyễn Ngọc Hạnh suốt gần một đời người.

Thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh nặng về tâm tưởng, hoài niệm. Hàng loạt bài thơ của anh như bài Làng, Nhớ mùa hoa ven sông, Qua đò nhớ mẹ, Ký ức làng quê, Gửi em chỗ ướt mẹ nằm, Cạn cháy cơn mơ… chỉ mới nghe tựa đã gợi lên bao niềm thương nỗi nhớ về làng, về dòng sông thời thơ bé.

Khi tuyển tập Khúc ru trầm chính thức ra mắt, thì gần như 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã được nhiều ca sĩ, nhóm nhạc phổ biến rộng rãi đến công chúng. Phần nhiều ca khúc trong tuyển tập Khúc ru trầm mang âm hưởng dân ca miền Trung, giọng điệu lắng sâu, ca từ nhẹ nhàng, trong sáng đậm chất làng quê mộc mạc của thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Chính vì vậy, từ lâu, những khúc nhạc phổ từ thơ anh đã được công chúng yêu thích; nhiều tác phẩm được giới thiệu trên VTV, QRT và hàng loạt các chương trình, phóng sự văn nghệ trên các đài truyền hình, phát thanh, báo chí, YouTube…

Nhiều nhà phê bình văn học từng nhận xét, về mặt thi pháp, đặc biệt là thi ảnh ngôn từ, thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chứa đựng khả năng biểu cảm lớn, mang ý nghĩa sâu xa, bởi đó là ngôn từ của cảm xúc, cất lên từ sự thôi thúc của chính trái tim nhạy cảm, yêu thương vô bờ. Thơ anh giàu tính nhạc, đọc lên đã thành giai điệu trữ tình. Đó là lợi thế để thơ Nguyễn Ngọc Hạnh được phổ nhạc nhiều, và trở thành những ca khúc.

Nhiều người cho rằng, điều cốt lõi trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh có sức lan tỏa, chạm tới tận trong thẳm sâu trái tim người nhạc sĩ. Từ đó, họ đã tìm thấy chính mình, gặp lại bóng dáng quê hương, nguồn cội… Nguyễn Ngọc Hạnh ra đi từ làng, về sống nơi phố thị, nhưng tình cảm với quê hương vẫn vẹn nguyên, âm ỉ chảy trong huyết mạch. 

Tập sách khá ấn tượng với tranh vẽ trẻ trung hiện đại của họa sĩ Lê Thiết Cương. Lật từng trang trong Khúc ru trầm, người xem càng bất ngờ với những ký họa chân dung nhạc sĩ của họa sĩ Đặng Tiến, một người con gốc Quảng Nam đang sống tại Hải Phòng. Xen kẽ giữa những bản kẻ nhạc là những bức tranh của nhà thơ - họa sĩ Nguyễn Quang Thiều.

Khúc ru trầm là một minh chứng cho hành trình sáng tạo và lao động nghệ thuật bền bỉ, nghiêm túc của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Hơn ai hết chính ông là người hiểu sâu sắc mối quan hệ giữa nhà thơ với thơ, giữa thơ ca và âm nhạc. Đây là nơi trú ngụ, nương thân, tỏa sáng, nâng đỡ nhau của những tâm hồn đồng điệu trên đường về nguồn cội.

Lê Phước Trịnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI