Những nữ Đảng viên "chân đất" - Bài 4: Chọn giúp người - giúp đời làm lẽ sống

21/10/2022 - 10:30

PNO - Với họ - những người lao động bình thường - vào Đảng là vinh dự, trách nhiệm, là được học hỏi những người đi trước về lẽ sống và cách giúp đỡ bà con. Suy nghĩ dung dị ấy đã làm nên những phẩm chất cao đẹp.

 Thương những cảnh đời éo le

“Chú ơi, bữa nay mình bán được mấy tờ? Nồi thịt kho vừa miệng cô chú không?” - chị Nguyễn Thị Vân, gọi điện cho ông Trần Tố Hà, một người bán vé số thuê phòng ngay từ những ngày đầu chị mở khu trọ ở ấp Chánh, xã Tân Xuân, H.Hóc Môn, TP.HCM. Đáp lại, giọng bên kia phấn khởi: “Nay 100 tờ đó cô Vân. Thịt mềm và thơm nên bà nhà tôi ăn được. Cô cho quà hoài, thấy ngại quá”. Chị Vân cười: “Có đáng gì đâu chú, miễn cô chú khỏe là mừng”. 

Chị Vân (phải) ghé thăm, tặng quà cho bà Oanh, người đang phải vật lộn kiếm tiền nuôi hai đứa cháu mồ côi
Chị Vân (phải) ghé thăm, tặng quà cho bà Oanh, người đang phải vật lộn kiếm tiền nuôi hai đứa cháu mồ côi

Khu trọ được xây dựng năm 2012. Từ đó tới nay, chị Vân vẫn giữ nguyên giá 1.500.000 đồng/tháng cho mỗi phòng rộng 28m2. Năm 2017, chị đầu tư nâng nền, làm thêm gác lửng và dự tính sẽ tăng giá 100.000 - 200.000 đồng, nhưng lại sợ bà con áp lực nên chị không tăng nữa. “Riêng vợ chồng chú Hà, tôi chỉ lấy 1.200.000 đồng. Chú thường xuyên lên huyết áp, còn cô bị tiểu đường, tim mạch, phải ra vô bệnh viện quanh năm, mình không nỡ” - chị Vân chia sẻ. Ngoài tiền phòng, điều đặc biệt ở người chủ trọ này là luôn dõi theo những cảnh đời éo le đang ở trọ để kịp thời giúp đỡ, khi bao gạo, lúc thùng mì. Với những cặp vợ chồng lớn tuổi như chú Hà, hễ nấu món gì ngon cho gia đình, chị lại để dành riêng ra, nấu nhừ hơn rồi đem tặng. 

Hiện tại, gia đình chị Vân ở P.Tân Chánh Hiệp, Q.12. Chị đang là Tổ phó tổ dân phố 1, khu phố 11 và là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố. Chị mới được kết nạp Đảng vào tháng 11/2021. Chị tình thiệt: “Mọi người vẫn nghĩ vào Đảng là để được đề bạt lên chức. Nhưng tôi đã 50 tuổi rồi, lại chỉ là một người lao động bình thường, vào Đảng với tôi là vinh dự, cũng là trách nhiệm. Tôi mong qua chi bộ sẽ được học hỏi những người đi trước về cách làm sao giúp bà con mình nhiều hơn, giúp mà không khiến bà con tủi phận nghèo và làm sao để hỗ trợ phụ nữ địa phương về việc làm, nơi ăn chốn ở, để chị em tự tin vào giá trị của bản thân”.

Là “người mới” trong ngôi nhà Hội, nhưng chị Vân đã nhanh chóng có được cảm tình của hội viên nhờ sống chân tình, gần gũi và có mặt kịp thời khi chị em cần. “Có chị Vân giúp, cuộc sống của mẹ con tôi đã dễ thở hơn” - chị Đặng Thị Tuyết Nhung, 41 tuổi, ở tổ 1, khu phố 11, thổ lộ. Cách nay ba năm, chồng chị Nhung qua đời sau thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư thực quản. Chị một mình nuôi ba đứa con ăn học. Là thợ may nhưng chị không có vốn để lấy vải về bán khi khách cần. Đầu năm nay, ngoài việc bỏ tiền túi để tặng học bổng cho con chị Nhung, chị Vân còn giới thiệu người mẹ nghèo vay 50 triệu đồng vốn để mua máy vắt sổ và lấy vải về bán thêm. 

Không nề hà việc khó

Đầu tháng Mười, chị Nguyễn Thị Ngọc Lý, 46 tuổi, ngược xuôi vận động khẩu trang, quần áo… để có hàng trăm phần quà tặng cho bà con nghèo tại xã Krông Na, H.Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Tới giữa tháng, chị lại hí hoáy làm các sản phẩm từ rác thải để tham gia hội thi thiết kế “Hãy tái chế tôi” do Hội LHPN Q.Bình Tân và trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Tân tổ chức. Cùng với chị Phạm Thị Hoa - Chủ tịch Hội LHPN P.Bình Trị Đông A - chị Lý đang có ý tưởng mở chợ quê ba miền nhằm giới thiệu những nét đẹp văn hóa cũng như các món đặc sản của các tỉnh, thành trên cả nước. 

Chị Lý giới thiệu sản phẩm tham gia cuộc thi tái chế rác thải với chủ đề “Hãy tái chế tôi” tại trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Tân
Chị Lý giới thiệu sản phẩm tham gia cuộc thi tái chế rác thải với chủ đề “Hãy tái chế tôi” tại trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Tân

Trước đây, chị Lý từng có 20 năm làm việc cho Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Thủy sản (INCOMFISH) trong khu công nghiệp Vĩnh Lộc và được kết nạp Đảng tại đây vào năm 2009. Chị kể: “Tôi lập gia đình năm 2000, 12 năm sau mới có được mụn con. 12 năm đó, tôi ra vô bệnh viện không biết bao nhiêu lần. Có con, tôi vừa đi làm, vừa đi học đại học, vừa chăm con. Để hoàn thành nhiệm vụ, tôi đã nhận được sự chia sẻ rất lớn của đồng nghiệp, đồng chí”. 

Nhà ở Q.Bình Tân, con học ở Q.6 theo hộ khẩu bên chồng, chồng làm ở Q.1, còn chị lại làm ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc. Sống cảnh một nhà mà ba, bốn lối đi về khiến chị Lý vừa đuối sức vừa thiếu thời gian cho con. Thế nên, vào năm 2018, chị xin nghỉ việc. Chuyện nghỉ việc khiến chị phải đắn đo suy nghĩ nhiều ngày. Thế nhưng chuyển sinh hoạt Đảng về khu phố 6, P.Bình Trị Đông A lại là cơ hội để chị sống gần hơn với bà con lao động và tham gia các hoạt động xã hội có ích tại địa phương như ra quân vệ sinh môi trường, vận động kinh phí giúp đỡ bà con nghèo... Bất kể mưa nắng, không hoạt động nào chị Lý vắng mặt. Bồn xi măng nằm giữa trục chính chạy từ đầu đường Lê Văn Quới vào tới văn phòng khu phố 6 dài gần 1.000m, trước đây chỉ có nước đọng, cỏ dại và rác, nay rực rỡ sắc hoa mười giờ là nhờ chị Lý và bà con đã ra tay cải tạo. 

Sân nhà chị hiện cũng là nơi luyện tập hằng đêm của câu lạc bộ Dân vũ thể thao Sức Sống Mới của khu phố.

Chị Lý đang là Tổ trưởng Tổ Phụ nữ 123, khu phố 6, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân, TP.HCM. Sau những đóng góp miệt mài của chị, Hội LHPN P.Bình Trị Đông A vừa đề xuất lên Đảng ủy phường và Hội LHPN quận xem xét bầu bổ sung chị vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Phó Chủ tịch Hội LHPN phường nhiệm kỳ 2021-2026. 

Mẫn Nhi


Bài cuối: Hội LHPN và những cuộc “đãi cát tìm vàng”

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI