Những người lớn không có... tuổi thơ!

13/04/2018 - 15:20

PNO - Bị bạo hành là ám ảnh khủng khiếp nhất của tuổi thơ, có thể may mắn mà phai nhạt ở người này nhưng lại là vết sẹo lớn dần hằn theo năm tháng ở người kia.

1. Sau hơn 40 ngày, những đứa trẻ cuối cùng trong vụ ngộ độc tập thể ở xã Phú Lộc, H.Tân Phú, tỉnh Đồng Nai cũng đã xuất viện và được về nhà. Kết quả hội chẩn chiều 12/4 cho thấy, rối loạn tiêu hóa, bệnh viện điều trị trên triệu chứng, còn triệu chứng ấy là lý do cho bệnh lý nào thì chưa có đáp án.

Nhung nguoi lon khong co... tuoi tho!
Bé Ngọc Mai, Ngọc Lan trong lúc chờ được vào phòng cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1

Dù gì thì các bé Như Ý, Ngọc Mai, Ngọc Lan cũng đã thôi không còn sốt, ói, tiêu chảy. Nhưng hơn tháng trời chừng ấy chứng hành hạ, quăng quật, những đứa trẻ cũng không còn sức mà tung tăng về nhà. 

Và chỉ khi theo lời cầu cứu của phụ huynh, lặn lội về Đồng Nai, ăn cùng, ở cạnh các bé và gia đình nhiều ngày để chứng kiến tần suất nôn ói, tiêu chảy và những cơn đau thắt liên tục; chúng tôi cũng xin phép gia đình được quay để lưu giữ toàn bộ tần suất (kèm thời gian) mà các bé phải chịu đựng để sức khỏe và sự an toàn tính mạng cho trẻ là “đề tài” duy nhất mà tờ báo này theo đuổi. 

Làm sao mà hội chứng lây lan tập thể lại kéo dài qua suốt cả tháng trời như thế? Làm sao những cơn ói, những cú quằn mình vì đau lại được “nhận diện” là trẻ đang… làm trò để thu hút sự chú ý của phụ huynh? Làm sao những biểu hiện bệnh lý như thế lại được một hai quy về tâm lý? Làm sao bất chấp sức khỏe của con trẻ mà đổ vấy cho trò phá bĩnh của người lớn? 

Ngay đến thời điểm này, liệu chừng như tôi nói ở trên, nguyên do nào dẫn tới triệu chứng rối loạn tiêu hóa dài ngày ở trẻ, có tiếp tục được tìm tòi, truy vấn? Là nhiễm độc hay nhiễm vi khuẩn? Nếu phần xét nghiệm lấy mẫu phẩm bệnh chưa đủ để cấy, hoặc giả cấy không lên thì có lưu bệnh để tiến hành xét nghiệm sinh học phân tử, giải mã trên một đoạn gen, cắt đoạn ADN để tìm cho ra khúm khuẩn lạc mà điều trị dứt điểm bằng kháng sinh? Có khi phải bức ra khỏi các quy trình thường quy bởi giải pháp không thể là sự dừng lại - trả về một cách bình thường như thế, nhất là với những đứa trẻ. 

2. Khi những clip bạo hành trẻ tại trường mầm non 30-4 được phát, không ít người cho rằng “đâu đến nỗi nào”, với họ cỡ nhồi đánh như bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa hay chủ trường, bảo mẫu Mầm Xanh thì mới “đủ đô”. Trở cán nhựa gõ vào đầu, khẻ vào chân, tát vô mặt, chửi bới “thú hay người” thì là quá nhẹ!

Ông đại diện hội cha mẹ học sinh thì một hai nhấm nhẳng rằng, cô Ngọc rất tốt, yêu thương, quan tâm học trò, con tôi hai cháu học ở trường đều rất an toàn, vui vẻ. Ông còn nhiệt tình truy bức: clip này quay từ năm 2016 - 2017, tại sao bây giờ mới tung ra, phá hoại à? Nhìn clip bé G.P. với dấu 5 ngón tay, ông cho rằng, đã bị cắt ghép và gán tội đánh bé cho cô Ngọc. 

Nhung nguoi lon khong co... tuoi tho!
Bà Ngọc vừa đánh, vừa hỏi: "Mày là con người hay thú"

Xin thưa, có lùi một, hai hay vài năm trước thì hành vi đó cũng đã xảy ra, bé G.P. có lên lớp lớn hơn thì hành vi bạo hành bé cũng đã để lại trên cơ thể của bé những tổn thương. Cho nên, thay vì cùng các phụ huynh tìm hiểu nguyên do, tìm cách để kiểm soát hành vi bạo lực, để chăm sóc trẻ tốt nhất, thì ông lại đòi thưa ra công an tìm kẻ phá hoại.

Cô Ngọc có thể vẫn là một cô giáo tốt với học trò, mà bằng chứng là đạt giáo viên giỏi cấp quận, nhưng sự tốt ấy - theo như lời kể lể của ông không có nghĩa là biện minh và gỡ gạc cho hành vi bạo hành trẻ như trong clip. 

Hãy đặt mình là cha mẹ của trẻ bị bạo hành. Hơn thế, hãy nhớ mình cũng từng là đứa trẻ. Bị bạo hành là ám ảnh khủng khiếp nhất của tuổi thơ, có thể may mắn mà phai nhạt ở người này nhưng lại là vết sẹo lớn dần hằn theo năm tháng ở người kia. Có khi là sự tránh né, không để hành vi bạo hành lặp lại ở người này nhưng lại hằn học, trả đũa, kích động ở người khác. Ngay cả những đứa trẻ không ngoan, trẻ hỗn hào, trẻ bạo lực mà cô giáo buộc phải thị uy thì đó cũng là sự phản chiếu của những người lớn đâu đó lên trẻ. 

Tôi nhớ, khi ngồi cùng Nguyễn Lưu Anh Tuấn, nạn nhân 18 năm trước của cô giáo Trần Thị Minh Châu ở trường THPT Long Thới, H.Nhà Bè, Tuấn không bị bạo hành thể xác, Tuấn bị cô giáo cô lập, để 18 năm sau, cái ẩn ức, bức bối và tránh né vẫn hiện diện nơi người cha đã có ba đứa con ấy. Mẹ Tuấn, một cựu giáo chức, hiệu trưởng nói trong dằn vặt, tôi đã không đặt mình vào trong con để hiểu những khó khăn và tổn thương mà cháu phải chịu đựng. 

Đặt mình trong con, nhìn con bằng đôi mắt của chính nó để hiểu và yêu thương, đủ dịu dàng và thấu hiểu, đủ độ lượng và công bằng để đối xử với trẻ. Đừng vì toan tính xấu xí, đừng bởi sắp đặt riêng tư mà làm tăm tối những đứa trẻ - ngay trong chính mình, hỡi những người lớn chưa bao giờ được sống bằng tâm hồn của trẻ! 

 Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI