Những Lễ hội diễn ra vào tháng Giêng

01/02/2017 - 17:59

PNO - Đi cùng ngày Tết là những lễ hội mùa Xuân diễn ra trên khắp dải đất nước Việt Nam. Trong đó, có rất nhiều Lễ hội mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hoá và tâm linh của dân tộc.

1. Lễ hội Gò Đống Đa

Lễ hội Gò Đống Đa năm nay đã được khai diễn vào hôm qua với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành của Hà Nội. 

Diễn ra vào Mùng 5 tháng Giêng tại gò Đống Đa, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội, đây là lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khoẻ, thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất.

Nhung Le hoi dien ra vao thang Gieng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các Bộ, ngành của Hà Nội đến thắp hương tại Lễ hội Gò Đống Đa ngày hôm qua, mùng 5 Tết.

2. Lễ hội Chùa Hương

Lễ hội diễn ra vào mùng 6 tháng Giêng tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Trong khu thắng cảnh Hương Sơn, được xem hành trình về một miền đất Phật – nơi Quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành. Đây là một lễ hội lớn, cùng với lễ hội chùa Yên Tử và Lễ hội chùa Bái Đính là những lễ hội gây được tiếng vang lớn ở miền Bắc. Chùa Hương đã được Bộ Văn hoá (nay là Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích Quốc gia ngày 8 tháng 4 năm 1962.

Gần như năm nào Lễ hội này cũng bị quá tải về số người tham dự, dù lễ hội kéo dài đến hết tháng 3. Năm nay, tuy ngày mai Lễ hội mới bắt đầu nhưng từ 2 đêm trước, số người đến thắp hương lễ Phật đã gây tắt nghẽn, số lượng đò lên động Hương Tích không thể đáp ứng được.

Nhung Le hoi dien ra vao thang Gieng
Chưa chính thức diễn ra nhưng người đến với Lễ hội chùa Hương đã đông đến mức gây tắt nghẽn

3. Lễ hội Cổ Loa

Cũng ở Hà Nội, Lễ hội Cổ Loa diễn ra ở huyện Đông Anh, từ ngày 1 – 16 tháng Giêng. Đây là lễ hội tưởng nhớ An Dương Vương Thục Phán, người có công dựng nước Âu Lạc.

Sáng ngày mồng 6 làng tổ chức lễ rước văn tế từ nhà vị tiên chỉ ra đền để tế thần. Theo thông lệ, văn tế soạn thảo được đặt lên giá, khi 12 ông trưởng xóm đến đông đủ cả thì bắt đầu sửa lễ. Mở đầu là năm lá cờ ngũ hành, tiếp đó đến phường bát âm giá văn tế đặt trong kiệu long đình có lọng che. Nối tiếp là quan viên trong làng và các vị kỳ mục đi theo.

4. Lễ hội Yên Tử

Khai hội vào ngày 10 tháng Giêng, Lễ hội Yên Tử diễn ra ở núi Yên Tử, xã Thượng Yên Công, huyên Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 10 tháng Giêng, lễ khai mạc Hội xuân truyền thống được tổ chức với nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm; văn nghệ diễn xướng tái hiện sự tích lịch sử, văn hóa tâm linh, những huyền thoại về Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm tôn kính; Lễ khai ấn "Dấu Thiêng Chùa Đồng" đầu năm rất quan trọng và các hoạt động văn hóa dân gian, múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian,..… tưng bừng, nhộn nhịp.

Không chỉ thu hút mọi tầng lớp nhân dân, chúng tăng, ni, phật tử ở trong và ngoài nước mà Lễ hội Yên Tử cũng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tỉnh, thành trong cả nước về dự. Lễ hội kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.

5. Lễ hội Khai ấn – Đền Trần:

Là một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng ở Việt Nam, lễ hội khai ấn Đền Trần diễn ra ở phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, từ ngày 14 tháng Giêng. Đây là một trong những lễ hội nhằm tri ân công đức 14 vị vua Trần. Hầu hết du khách tới lễ hội Đền Trần đều mong muốn có một tờ ấn và mong ước được thăng tiến trong nghề nghiệp. Ngoài lễ phát ấn, lễ hội còn tổ chức những hoạt động lễ hội truyền thống như: Múa rồng, múa lân, hát chèo, hát chầu văn, thi đấu cờ người…

Nhung Le hoi dien ra vao thang Gieng
Hình ảnh chen lấn, giẫm đạp nhau năm nào cũng diễn ra tại Lễ hội Đền Trần

6. Hội Lim

Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc.

8h ngày 13/1 Âm lịch, Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, đẹp mắt kéo dài tới cả gần km. Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ hậu. Toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần.

Để hát thờ, các liền anh,liền chị quan họ nam và nữ của tổng Nội Duệ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào. Trong khi hát, họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần.

7. Lễ hội núi Bà Đen – Tây Ninh:

Bắt đầu từ mùng 4 Tết cho đến hết tháng Giêng, Lễ hội Xuân núi Bà Đen thu hút đông đảo người dân các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM… đến cầu an. Nhiều nhất là vào Rằm tháng Giêng, khách thập phương đổ về nơi đây hành hương. Sau khi thắp hương các điện thờ, hầu hết các du khách đều tin rằng việc ghé vào trai đường ăn một bữa cơm chay của chùa sẽ đem lại rất nhiều may mắn.

8. Lễ hội chùa Bà _ Bình Dương

Lễ hội chính ở miếu Bà là Lễ hội Chùa Bà được long trọng tổ chức vào đêm ngày 14 đến rạng sáng ngày rằm 15 tháng Giêng. Đông đảo và vui nhất là buổi rước kiệu Bà tuần du chợ Thủ Dầu Một diễn ra vào ngày rằm. Buổi rước Kiệu Bà diễn ra với sự theo dõi của hàng triệu người đến từ khắp nơi trong nước.

Duyên Phương (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI