Những làng nghề… chết yểu

12/01/2019 - 06:00

PNO - Hiện cả nước có khoảng 5.400 làng nghề với 11 triệu lao động thường xuyên. Không ít làng nghề chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước, thụ động trong khâu quảng bá tiêu thụ sản phẩm.

Làng nghề phát triển theo chiều… đi xuống

Làng trống An Quang ở xã Lãng Ngâm, H.Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đang “phát triển” ngược. 15-20 năm trước, An Quang có trăm hộ làm trống và đây là nghề chính của làng. Nhưng bây giờ, còn chưa đến 20 hộ theo nghề này. Trước kia, mỗi tháng, nhà ông Nguyễn Trọng Ba xuất bán đến 40 chiếc trống cỡ lớn, nhưng những năm gần đây, 40 chiếc là số lượng bán ra trong cả một năm.

Ông Đỗ Trọng Trường - Chủ tịch UBND xã Lãng Ngâm - cho biết: “Bây giờ, người ta làm bằng máy móc, năng suất tăng gấp đôi so với làm thủ công, nhưng đầu ra không có nên nhiều hộ phải bỏ nghề. Lãng Ngâm từng có một số nghề tự biến mất như nuôi tằm dệt lụa. Bây giờ, nghề làm trống đang có nguy cơ biến mất như nghề tằm tơ”.

Nhung lang nghe… chet yeu

Cường còn có “kênh” livestream giới thiệu sản phẩm như bất kỳ người bán hàng online chuyên nghiệp nào

Ở làng sơn mài Hạ Thái ở xã Duyên Thái, H.Thường Tín, TP.Hà Nội, mỗi sản phẩm đều toát lên nét tài hoa người thợ. Đầu thế kỷ XX, những bức tranh sơn mài với vật liệu mới như vỏ trứng, vỏ trai tạo màu vàng, màu son được mang đi giới thiệu tại các hội chợ ở Paris (Pháp).

Đến những năm 1960-1980, sản phẩm sơn mài Hạ Thái được tiêu thụ nhiều ở các nước Đông Âu. Nhưng giờ đây, tất cả đã là vàng son quá khứ, dù năm 2003, làng nghề này được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn làm điểm triển khai dự án xây dựng chiến lược phát triển làng nghề bền vững. Hiện sức tiêu thụ sản phẩm suy giảm, nhiều cơ sở và hộ gia đình, nghệ nhân đành phải chuyển hướng mưu sinh, các doanh nghiệp phải loay hoay với bài toán thiếu nhân công lành nghề và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Nức tiếng như làng tranh Đông Hồ (xã Song Hồ, H.Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) 400 năm tuổi từng có 17 dòng họ cùng sống với giấy dó mà hiện nay, cả làng chỉ còn lại nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và con cái nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam (đã mất năm 2017) còn giữ được nghề.

Chỉ biết “ngồi một chỗ” mà nhớ đến nghề

Làng đàn Đào Xá (xã Đông Lỗ, H.Ứng Hòa, TP.Hà Nội) có hai nét độc đáo: sản xuất nhạc cụ cả Tây lẫn ta và những người thợ làm đàn “một nốt nhạc bẻ đôi cũng không biết”. Cuối thế kỷ XIX là thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật chèo, nghề làm đàn cũng vì thế mà phát triển khắp làng Đào Xá. Sau kháng chiến chống Pháp, nghề đàn có mặt ở mọi gia đình trong làng. Khi Nhà nước thành lập một xí nghiệp chuyên sản xuất nhạc cụ, rất nhiều người thợ làng Đào Xá đã vào xí nghiệp làm đàn.

Nhưng sau đó không lâu, xí nghiệp phải dừng hoạt động. Đến khi được công nhận là làng nghề năm 2009, Đào Xá còn khoảng chục hộ theo nghề đàn, trong đó, chỉ gia đình ông Đào Văn Soạn và Đào Văn Khương là sống được bằng nghề. Nhưng bây giờ, khi chúng tôi trở lại Đào Xá, cái xưởng ngay mặt đường thôn của nhà ông Khương im lặng như tờ. Máy móc, nhà xưởng như đã ngủ yên từ lâu.

Nhung lang nghe… chet yeu

Xưởng trống lớn nhất nhì làng nghề Đọi Tam (xã Đọi Sơn, H.Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) của nghệ nhân Lê Ngọc Hùng

“Bây giờ, nhiều hộ theo nghề nên thị trường bị san sẻ”. Nghe ông Khương nói, tôi nghĩ Đào Xá đã có nhiều hộ trở lại với nghề của làng hơn xưa. Đến lúc ông thống kê: “Cả làng bây giờ có nhà tôi, nhà ông Soạn, ông Tư, ông Mạnh, ông Đoàn. Tổng cộng năm hộ làm đàn”. Thế nghĩa là trong 9 năm chúng tôi chưa trở lại ấy, Đào Xá còn có giai đoạn chỉ được vài ba hộ bám trụ với nghề.

Ông Khương nói thêm: “Trước, mỗi xưởng có đến 5-7 thợ, nhưng bây giờ, đông nhất chỉ còn nhà ông Soạn có 3 thợ, còn lại 4 hộ kia mỗi nhà 1-2 thợ, việc nay có mai không”. Ông bày tỏ nguyện vọng: “Tôi mong Nhà nước, các cấp các ngành lo cho làng Đào Xá được cái đầu ra, để sản phẩm chúng tôi còn có chỗ tiêu thụ”.

Ông Nguyễn Trọng Ba ở làng trống An Quang thì bảo: “Tôi muốn các cấp quan tâm… đặt mua loại trống này, vì nó bền, đẹp, giá cũng rẻ”. Ông Nguyễn Viết Khê - Trưởng thôn An Quang - trăn trở: “Các hộ làm trống cũng được địa phương quan tâm nhưng không được bao nhiêu. Chúng tôi rất mong được hỗ trợ để làng trống An Quang không bị mai một”.

Giữ nghề bằng những cách thức mới

Trong khi không ít làng nghề, người làm nghề chỉ biết trông chờ vào Nhà nước thì có những người sống khỏe bằng nghề truyền thống. Cũng nghề làm đàn, nhưng xưởng sản xuất của anh thợ trẻ Dương Minh Cường ở thôn Viên Đình (cùng xã Đông Lỗ, H.Ứng Hòa, TP.Hà Nội, nơi có làng đàn Đào Xá) lại có không khí hoàn toàn khác: xưởng lớn, công nhân làm việc miệt mài, tiếng máy móc inh tai, thành phẩm đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị bày khắp sân.

Trong nhà cũng la liệt những cây đàn chờ hoàn thiện, đóng gói để xếp lên ô tô chuyển đi cho khách. Ban đầu, anh Cường cũng phải đi tìm “mối”, sau đó “hữu xạ tự nhiên hương” nên khách hàng dần dần bảo nhau tự tìm đến anh để đặt. Anh Cường thổ lộ: “Nghề làm đàn cũng phải cạnh tranh khốc liệt, nên để trụ lại được với nghề thì chất lượng vẫn là yếu tố then chốt”.

Khác với những bậc “thủ cựu” ở làng đàn Đào Xá cho rằng “bây giờ, không còn ai quan tâm đến những loại đàn truyền thống”, anh Cường nhận định: “Thế hệ trẻ 8X, 9X quay về với nhạc cụ dân tộc rất nhiều”. Nói đoạn, anh ngồi xuống tràng kỷ, đeo tai nghe rồi nắn nót đôi tay trên cây đàn bầu, đàn nhị. Tiếng thánh thót của đàn bầu, tiếng réo rắt, nỉ non của nhị như gợi về những phiên xẩm chợ, hay những chiếu chèo trên đất Bắc xưa. Trên bàn là bộ “đồ nghề” để livestream như bất cứ người bán hàng online chuyên nghiệp nào.

Cũng làm nghề trống, nhưng nghệ nhân Lê Ngọc Hùng sở hữu xưởng trống lớn nhất nhì làng Đọi Tam (xã Đọi Sơn, H.Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Hiện nay, ông sản xuất cả trống, thùng rượu bằng gỗ sồi, chậu ngâm chân, bồn tắm. Cái hay là dù sản xuất các sản phẩm khác, nhưng cách làm đều từ công thức làm trống mà ra. Đọi Tam có khoảng 300 người, bây giờ trung bình mỗi ngày, một người làm được một quả trống, thì mỗi tháng là 9.000 quả trống, biết bán đi đâu cho hết? Nên việc “chuyển đổi mặt hàng” để đáp ứng nhu cầu của thị trường là điều tất yếu, vừa để giữ công nhân, vừa lấy sản phẩm hiện đại “nuôi” sản phẩm truyền thống của làng.

Thậm chí, khi đại đa số nghệ nhân lo lắng không có người “nhận lửa” nghề, thì ông Hùng rất lạc quan: “Thời nào cũng có những khó khăn riêng, quan trọng là mình phải biết chọn cái khó, biến nó thành chiến lược để kinh doanh. Như gia đình tôi, con cái vẫn tập trung sản xuất cùng bố mẹ. Tôi đang có kế hoạch lập doanh nghiệp, cổ phần hóa rồi mới chia cho con cháu. Khi lợi ích kinh tế của chúng đã nằm cả ở đó, thì ắt chúng sẽ tự có trách nhiệm, và đó cũng là cách rất tự nhiên để chúng nối nghề truyền thống của làng”.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI