Những hậu phương lặng thầm, bền bỉ - Bài cuối: bước tiếp trên hành trình chống dịch

16/08/2021 - 06:48

PNO - “Trong lúc tham gia phòng, chống dịch tại địa phương, một số cán bộ hội phụ nữ đã bị lây nhiễm bệnh” - bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN TPHCM - thông tin.

Lỡ hẹn với con

Đang trên đường chở cơm đến Bệnh viện Q.8, chị Trần Khánh Ly - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ (PN) khu phố 3, P.4, Q.8 - bất chợt dừng lại, bước xuống xe nhắc nhở khi thấy một người đàn ông ngồi bên đường kéo khẩu trang xuống cằm để phì phèo thuốc lá. 

Bếp ăn của khu phố 3 đặt tại nhà chị đã hoạt động từ nhiều năm trước để hỗ trợ suất ăn định kỳ cho những hoàn cảnh khó khăn. Khi dịch COVID-19 bùng phát, chị hỗ trợ Hội PN P.4 tiếp tế lương thực, bữa ăn cho khu cách ly, những người cơ nhỡ, khó khăn do dịch bệnh. Lúc đầu là 100 suất mỗi ngày, nhưng từ khi TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chị nấu gần 160 suất ăn/ngày để cùng Hội LHPN Q.8 hỗ trợ lực lượng y, bác sĩ và bệnh nhân ở Bệnh viện Q.8.

Ngày nào, chị Khánh Ly cũng làm việc từ 5g đến 22g. Mỗi ngày hai lượt, chị giao cơm đến Bệnh viện Q.8 rồi về phân rau, chuyển tặng đến các khu cách ly. Lo lắng mình có nguy cơ nhiễm bệnh, chị gửi cha mẹ già (76 tuổi) và hai con cho chị ruột chăm sóc. Vợ chồng chị phải cách ly với con và cha mẹ suốt một tháng nay. Thỉnh thoảng nhớ cha mẹ và con quá, vợ chồng chị đến thăm nhưng chỉ đứng ngoài sân, trò chuyện đôi ba câu rồi về.

Hôm trước, chồng chị đi thăm con về, truyền đạt lại lời đứa con trai tám tuổi: “Con xin mẹ đừng như vậy nữa, để con được về nhà”. Cứ nghĩ chỉ cần cố gắng thêm hai tuần nữa, dịch bệnh sẽ chấm dứt nên chị gọi điện thoại trấn an con, rằng mỗi người góp một tay, dịch bệnh sẽ qua nhanh thôi, rồi chị sẽ đón con về. Thế nhưng, chị đã lỡ hẹn với con, vì dịch bệnh chưa biết khi nào mới được kiểm soát.

So với những ngày đầu hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh, bây giờ chị sợ nhiều hơn: “Nhiều khi vừa đến bệnh viện, xe cứu thương trờ tới, còi hụ inh ỏi. Tôi vừa sợ cho bản thân, vừa thương cho người bệnh và lo lắng cho xã hội”. Xa con lâu ngày, chồng chị nhớ con, hai con lại nằng nặc đòi về nhà vì nhớ mẹ, cộng nhiều lý do khác khiến chị có lúc chùn lòng. Nhưng chính những lúc như thế, các nhà hảo tâm lại liên hệ gửi chai nước mắm, bịch bột ngọt, vài ký đường, ít rau củ ủng hộ bếp ăn, chị lại tiếp tục công việc. 

Không muốn vợ vất vả, nguy hiểm, nhưng biết đó là “máu” của vợ nên chồng chị cũng không dám nói gì vì sợ chị day dứt. Mỗi lần chị đưa rau củ tặng khu cách ly hay giao cơm cho bệnh viện về, biết chị nhiều việc sẽ quên, chồng pha sẵn muối, làm nước chanh, giục chị súc họng rồi uống chanh để ngăn ngừa virus. Nhiều khi thấy tóc vợ xổ tung trong lúc nấu ăn, anh cũng lặng lẽ đến buộc giúp. 

Hai ngày sau khi TPHCM áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, cha chồng chị mất trong khi chị đang lo bếp ăn phục vụ đầy đủ những suất cơm cho tuyến đầu chống dịch. Vừa thu xếp chuyện nhà, chị vừa tranh thủ chạy giao cơm. Nhắc lại những ngày đó, chị khóc: “Mong mỏi nhất của mình lúc này là lan tỏa ý thức, để mỗi người dân tự ở trong nhà, cố gắng ở trong nhà để dịch bệnh không có cơ hội lây lan, để mọi người trở về với cuộc sống bình thường”.

"COVID ghé thăm thì gia đình mình đón nhận"

Từ đầu mùa dịch đến nay, cán bộ Hội PN ở TPHCM luân phiên nhau thực hiện năm phần việc: vận động, tiếp nhận quà và mở gian hàng 0 đồng; hỗ trợ suất ăn, nước uống miễn phí; đi chợ thay; trao tặng quà cho hội viên, PN, người khó khăn; trực chốt cách ly. 

Trên trang Facebook cá nhân ngày 14/7, chị Nguyễn Thị Ngọc Linh - Chủ tịch Hội LHPN P.13, Q.6 -  ghi dòng trạng thái (status): “Có một loại F0 mà dù biết là F0 mình cũng không thể nào giữ khoảng cách được, đành làm trái quy định mà kề bên chăm sóc, chấp nhận đồng hành”. Facebook của chị thường đăng hình ảnh các cán bộ, hội viên chuẩn bị khẩu trang, tấm chắn giọt bắn, thực phẩm, tổ chức các gian hàng 0 đồng cho khu cách ly, đi trao bữa cơm tình thương, đi tặng quà, tiếp tế tuyến đầu chống dịch ở phường… nay chuyển hướng, đăng chuyện chăm lo cho bản thân và những người thân mắc COVID-19: “COVID-19 ghé thăm thì gia đình mình đón nhận. Bệnh thì điều trị. Biết sớm, điều trị sớm và không để lây lan cho người khác, cho cộng đồng”.

 

 

Người thân của chị Nguyễn Thị Ngọc Linh - Chủ tịch Hội LHPN P.13, Q.6 - được chuyển vào khu cách ly điều trị COVID-19
Người thân của chị Nguyễn Thị Ngọc Linh - Chủ tịch Hội LHPN P.13, Q.6 - được chuyển vào khu cách ly điều trị COVID-19

 Linh tâm sự, chị bị sốc khi qua xét nghiệm, 9/11 người trong gia đình, trong đó có chị, dương tính với virus SARS-CoV-2. Nhưng đây cũng là dịp để chị thông tin về diễn biến bệnh của các thành viên trong gia đình, trao đổi kinh nghiệm về phát hiện bệnh, cách thức ứng phó khi có bệnh, cách chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người bệnh. Ngày đầu tháng Tám, Linh vui mừng cho biết, chị và con xuất viện và tiếp đó là mẹ, em trai, em dâu, anh rể cùng các cháu lần lượt khỏi bệnh.

Trong những ngày giãn cách xã hội, Ban Thường vụ Hội LHPN H.Hóc Môn chia nhau làm việc ở các khu cách ly, khu phong tỏa và cả bệnh viện điều trị COVID-19. Từ trong khu dân cư đang bị tạm phong tỏa, chị Đặng Trần Trúc Dao - Chủ tịch Hội LHPN H.Hóc Môn - vẫn điều phối việc tiếp nhận, phân bổ hàng hóa để các cán bộ Hội PN hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, chăm lo cho người dân khó khăn. 

Trong ba tháng qua, Hội LHPN các cấp của TPHCM đã cho thấy sự linh hoạt, năng động khi tham gia phòng, chống dịch COVID-19 với sự hình thành 183 bếp ăn, mô hình gian hàng 0 đồng, đi chợ giúp dân… Hội đã hỗ trợ tối đa cho PN, trẻ em và các gia đình khó khăn, bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Những nguy hiểm, rủi ro trên hành trình tham gia chống dịch không ngăn được đôi chân của các cán bộ hội bước tiếp. 

Diễm Chi - Thu Lê 

Dân thương mình vậy, mệt mỏi xua tan hết!

Là cán bộ Hội LHPN H.Hóc Môn, không đứng ngoài cuộc chiến chống dịch COVID-19, từ mấy tháng trước, chị Xuân Trang đảm nhận công tác hậu cần, chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, người dân trong các khu phong tỏa và lực lượng phòng, chống dịch. Công việc hằng ngày của chị bắt đầu từ 5g sáng, trở về nhà luôn sau 19g. Chị Trang tiếp nhận hàng hóa rồi trực tiếp chở lương thực cho bà con tại các khu phong tỏa. Ngày ba lần, chị làm tình nguyện viên chở cơm, nước uống hỗ trợ lực lượng tại các chốt. Ngày thứ Bảy, Chủ nhật cũng không nghỉ. Chị bộc bạch: “Do biết công việc đang làm có nguy cơ mắc bệnh cao nên tôi ở phòng riêng và giữ khoảng cách với các thành viên trong gia đình”.

Dù hầu hết cán bộ ở trong khu phong tỏa, khu cách ly nhưng Hội LHPN H.Hóc Môn vẫn điều hành tốt việc chăm lo cho người dân gặp khó khăn, hỗ trợ kịp thời cho lực lượng tuyến đầu chống dịch
Dù hầu hết cán bộ ở trong khu phong tỏa, khu cách ly nhưng Hội LHPN H.Hóc Môn vẫn điều hành tốt việc chăm lo cho người dân gặp khó khăn, hỗ trợ kịp thời cho lực lượng tuyến đầu chống dịch

Khi dịch diễn biến phức tạp, chị Trang còn tình nguyện tham gia trực chốt kiểm soát. Chị tâm sự: “Những ngày tham gia chốt trực số 13 của huyện, người dân đối đãi với tổ công tác rất tốt. Khi thấy tổ công tác làm việc trong thời tiết nắng nóng, người dân cho mượn mái hiên, còn mở máy phun sương cho mát. Có chị mang đến “tiếp tế” mấy ly trà đá, mấy bịch bánh tráng muối. Dân thương mình vậy, mọi mệt mỏi đều xua tan hết!”.

Đến ngày 12/7, tham gia đợt test nhanh cho lực lượng tham gia chống dịch, trở thành F0, chị Trang sững người, nghẹn ngào nhưng cũng rất nhanh, chị lấy lại tinh thần. Chị đeo khẩu trang, đứng cách xa người nhà rồi thông báo thật ngắn gọn với cả gia đình tình hình của mình rồi đi về phòng tự cách ly. Sau khoảng ba giờ, chị đã chuẩn bị cơ bản một ít đồ dùng thiết yếu. Xe cấp cứu đến, chị Xuân Trang bước nhanh ra đầu hẻm, mặc đồ bảo hộ rồi bước lên xe. “Chỉ 15 phút trong bộ đồ màu xanh tôi gần như ngộp thở vì bức bối, nóng hầm hập. Đến nơi, nhìn hàng người dài dằng dặc và từng đoàn xe ra vào liên tục, tôi cảm nhận rõ hơn về “cuộc chiến” này”, chị Xuân Trang chia sẻ.

Ở trong bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19, chị Trang ở chung phòng với hai người khác. Cả ba là bệnh nhân nhẹ và không có triệu chứng. Các chị thay nhau lau dọn, vệ sinh phòng ở thường xuyên nên căn phòng lúc nào cũng sạch sẽ, thoáng mát. Chị nói, các dịch vụ chăm sóc y tế, ăn uống, vệ sinh đều rất tốt. Ngày ăn đủ ba bữa, thi thoảng được nhân viên gửi thêm ít cam tươi, sữa hộp, cháo ăn liền, mì gói, bánh... của các đơn vị đến tặng cho bệnh viện. 

Trong 14 ngày điều trị bệnh, chị Trang không quá lo cho bản thân, ngược lại chỉ mong bình an cho gia đình. Rất may, chị và những người trong phòng đều khỏi bệnh, an toàn. Hiện chị Trang đang sắp hoàn thành thời gian cách ly tại nhà. Chị lại nóng lòng trở lại công việc lúc trước, cùng chung tay với “Phụ nữ 18 thôn vườn trầu” trong cuộc chiến chống dịch đầy cam go.

Thiên Ân

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI