Những chiếc vòng thích chơi trò trốn tìm

08/06/2019 - 07:00

PNO - Vòng tránh thai có ưu điểm rẻ tiền, hiệu quả nhưng đôi lúc lại gây rắc rối khôn lường cho chủ nhân.

Tử vong vì vòng tránh thai “đi lạc”

Một bệnh viện quận tại TP.HCM vừa tiếp nhận một cụ bà hơn 70 tuổi nhập viện cấp cứu do vòng tránh thai xuyên cơ tử cung đi vào bàng quang. Sau khi chụp chiếu phim, các bác sĩ phát hiện cụ bà có đặt vòng tránh thai và vòng này đã “đi lạc” lâu ngày, khiến tạo sỏi cứng, gây sốc nhiễm trùng.

Sau khi lấy được vòng tránh thai ra ngoài, dù cụ bà được hồi sức tích cực, nhưng do sức đề kháng yếu ở người lớn tuổi nên cuối cùng bệnh nhân tử vong.

Nhung chiec vong thich choi tro tron tim
Các bác sĩ lấy vòng tránh thai cho bệnh nhân.

Thời gian qua, các bệnh viện đã phẫu thuật nội soi cho nhiều trường hợp bị vòng tránh thai “chu du” trong ổ bụng, bọng đái. Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM - cho biết: cứ 10 người đến thực hiện kế hoạch hóa gia đình sẽ có 3 - 4 người đăng ký đặt vòng tránh thai, số còn lại sử dụng các biện pháp khác như thuốc tránh thai cấy trong da, thuốc viên uống, bao cao su…

Và khoảng 1/3 số ca đang kế hoạch gia đình bằng vòng tránh thai đến lấy vòng ra, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả tình huống vòng tránh thai xuyên cơ tử cung một phần hay hoàn toàn.

Gần đây khi khám phụ khoa cho bà B.T.D. (62 tuổi, ở Tây Ninh), các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ phát hiện vòng tránh thai đã “trốn khỏi” buồng tử cung. Chụp x-quang, bác sĩ phát hiện trong bụng bà có vật lạ nhưng không thể xác định được vị trí chính xác. Với các thông tin khai thác bệnh sử, kết quả siêu âm và x-quang các bác sĩ khẳng định vòng tránh thai đã xuyên cơ tử cung đi vào ổ bụng. 

Nhung chiec vong thich choi tro tron tim
Vòng tránh thai đi lạc chỗ được Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ lấy ra cho bệnh nhân 57 tuổi vào cuối tháng Năm.

Bà D. được các bác sĩ giải thích cần phải thực hiện nội soi ổ bụng lấy vòng lạc chỗ. Nhưng khi thực hiện nội soi ổ bụng thì không thấy vòng đâu cả. Nghi ngờ vòng tránh thai có thể chui vô ruột hoặc trú gần các mạch máu, lúc này các bác sĩ quyết định nội soi bọng đái và phát hiện một viên sỏi lớn trong bọng đái có sợi dây thò ra. Sợi dây này chính là dây của vòng tránh thai. Các bác sĩ dùng kỹ thuật bóp viên sỏi và lôi vòng tránh thai ra ngoài.

Ai nên đặt vòng tránh thai?

Quy trình đặt vòng tránh thai tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Vòng tránh thai có nhiều hình dạng khác nhau như: hình mỏ neo, hình đa cung, hình chữ S, hình chữ T… nhưng được chia thành 2 nhóm cơ bản là vòng kín và vòng hở. Hiện nay gần như chỉ còn vòng hở được sử dụng, riêng vòng kín không còn sản xuất từ nhiều thập niên qua do một số bất lợi khi dùng. 

Tác hại của đặt vòng tránh thai? Vòng tránh thai có thể đi xuyên qua thành ruột. Nếu may mắn, vòng tránh thai có thể ra ngoài khi đi vệ sinh hoặc soi đại tràng lấy vòng ra; còn không vòng có thể gây rò ruột, dính ruột.

Vòng tránh thai còn có thể chui vào bọng đái và hình thành dần dần nên sỏi bọng đái; hoặc nằm sát và nằm giữa các mạch máu lớn vùng chậu gây nguy hiểm khi các bác sĩ phẫu thuật lấy vòng lạc chỗ.

Nhung chiec vong thich choi tro tron tim
Chiếc vòng tránh thai và sỏi được lấy ra khỏi bàng quang.

Vòng tránh thai hiện đại có 3 dạng gồm vòng tránh thai trơ, vòng có chứa chất đồng và vòng có chứa nội tiết. Cụ thể, ở vòng chữ T hiện nay đều có gắn thêm chất đồng (tác dụng diệt tinh trùng).

Còn vòng có nội tiết Levonorgestrel có nhiệm vụ làm nội mạc tử cung bị mỏng không phù hợp cho phôi làm tổ, làm đặc chất nhầy cổ tử cung lại, không cho tinh trùng xâm nhập, nhờ đó ngăn cản thai bám vào lòng tử cung và cản trở sự thụ thai. Ngoài ra, vòng nội tiết tố có thể giúp chị em điều trị một số bệnh phụ khoa liên quan đến nội mạc tử cung như tăng sinh nội mạc tử cung.

Thế nhưng, với vòng tránh thai, không phải ai cũng phù hợp để có thể lựa chọn. Chị em từng sinh mổ ít nhất một lần đều có thể có cổ tử cung bị kéo rút lên cao nên khó hoặc không thể đặt vòng tránh thai, hoặc chị em có tử cung gập quá mức, có cổ tử cung chít hẹp… cũng sẽ khó đặt vòng; trong khi đó, thao tác này rất dễ thực hiện cho phụ nữ từng sinh thường.

Tuy nhiên, nếu chị em sinh thường nhưng sinh quá nhiều thì đặt vòng tránh thai cũng không phù hợp, do buồng tử cung có thể dãn rộng hơn người sinh ít, khiến dụng cụ có thể không nằm đúng vị trí mà bị tuột thấp làm giảm hiệu quả ngừa thai. Ngoài ra, người chồng có thể bị đau khi quan hệ tình dục do va chạm dây vòng hoặc thân vòng bị tuột xuống thấp. 

Bác sĩ thường khuyên chị em chỉ nên đặt dụng cụ tử cung khi đã có đủ số con, bởi vòng tránh thai là một vật lạ đối với cơ thể, nên có nguy cơ gây phản ứng tiết dịch âm đạo và bội nhiễm kéo dài, hậu quả lâu dài có thể gây vô sinh, hiếm muộn hoặc thai ngoài tử cung.

Nếu có dấu hiệu sốt cao, đau bụng sau khi đặt vòng tránh thai, chị em cần trở lại ngay cơ sở y tế nơi mình đặt vòng để các bác sĩ xem lại. Và sau 1 tháng tái khám, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết chu kỳ kinh có gì lạ không, có đau bụng dữ dội hay sốt cao không. Sau khi qua 2 “kỳ sát hạch” này, chị em chỉ cần tái khám sau mỗi 6 tháng cùng với việc kiểm tra sức khỏe phụ khoa định kỳ và siêu âm xem vòng tránh thai có nằm đúng vị trí hay không.

Bao lâu nên lấy vòng tránh thai ra?

Nhung chiec vong thich choi tro tron tim
 

Sau 5 năm, vòng tránh thai sẽ mất chất đồng, hết nội tiết nên hiệu quả ngừa thai giảm dần và không còn đủ lực vảo vệ tránh thai. Do đó, nếu không có hiện tượng bất thường thì sau 5 năm, chị em cũng đến bác sĩ tư vấn. Nếu phụ nữ còn trong độ tuổi sinh đẻ, bác sĩ sẽ khuyến cáo thay vòng tránh thai khác. 

Việc lấy vòng tránh thai ra rất dễ dàng. Còn với phụ nữ đã mãn kinh cũng nên được lấy ra để tránh hiện tượng vòng bám chặt, vôi hóa… khi lấy ra có thể rất khó khăn, đồng thời tránh nguy cơ dụng cụ tử cung đi lạc chỗ, hoặc phát hiện sớm cho những trường hợp dị vật xuyên cơ tử cung đến các cơ quan gây tắc ruột, xuyên ruột, gây sỏi niệu…

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi giải thích, nếu vòng tránh thai ở bàng quang tạo sỏi sẽ gây nhiễm trùng tiểu lặp đi lặp lại. Nếu không giải quyết được tận gốc thì nhiễm trùng ngược dòng, từ bọng đái lên 2 niệu quản, rồi 2 bể thận đưa đến nhiễm trùng niệu, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng có thể tử vong. 

Cũng theo bác sĩ Nhi, với những phụ nữ lớn tuổi trên 70, tử cung bị teo nhỏ, nếu kiểm tra mỗi 6 tháng thấy vòng tránh thai đúng vị trí lòng tử cung và không có triệu chứng gì ảnh hưởng chất lượng sống, thì không nhất thiết phải lấy vòng ra, do nguy cơ xảy ra tai biến nặng nề như thủng tử cung, bàng quang, chảy máu, nhiễm trùng... cho người phụ nữ. 

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI