Những "cánh én xanh" vượt bão

17/01/2022 - 07:51

PNO - Hơn hai năm qua, các doanh nghiệp xã hội đã có những sáng kiến kinh doanh hiệu quả để vượt qua thách thức mang tên COVID-19, vẫn đảm bảo các giá trị xã hội trong hoạt động kinh doanh. Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng gọi các doanh nghiệp này là những cánh én xanh vượt bão.

Tạo việc làm, thu nhập cho nạn nhân bạo lực 

Lựa chọn mô hình hoạt động khá độc đáo là tạo việc làm cho những phụ nữ từng bị bạo lực gia đình và bạo lực giới, từ một bếp cơm nhỏ, Công ty TNHH Xã hội HopeBox được phát triển thành một doanh nghiệp (DN) sản xuất bánh kẹo khi số phụ nữ đến nhờ trợ giúp tăng cao. 
Trong đại dịch COVID-19, HopeBox hợp tác với các DN lớn như Uniqlo và Vietnam Airlines để cung cấp bánh cho các sự kiện nhằm có thu nhập trả lương cho chị em. Cũng trong giai đoạn khó khăn này, công ty thành lập hội đồng quản trị ở Úc và đăng ký hoạt động tại Úc để gây quỹ và tìm kiếm thêm cơ hội việc làm cho các lao động nữ của mình. 

“Là DN xã hội đầu tiên tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bạo lực giới chuyên hỗ trợ nhà ở, các khóa học nâng cao năng lực cho phụ nữ bị bạo hành nên chúng tôi dễ nhận được tài trợ từ quốc tế trong tình cảnh kinh tế khó khăn. Sự giúp đỡ đó khiến chúng tôi kiên định hơn trong những bước đi tiếp theo” - chị Đặng Thị Hương, người sáng lập HopeBox, chia sẻ.

Doanh nghiệp xã hội là một tổ chức có các hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu mang tính xã hội, lợi nhuận được dùng để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông hoặc chủ sở hữu.

Vượu khó nhờ lập đội phản ứng nhanh 

Nghề đan lát thủ công đã sống lại tại làng nghề Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa khi xuất khẩu bắt đầu khởi sắc. Nghệ nhân Trần Thị Việt đã khởi nghiệp với nghề đan lát để kiếm đủ tiền nuôi năm đứa con. Nhận thấy việc bảo tồn làng nghề truyền thống có thể mang lại việc làm cho phụ nữ, bà thành lập Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang, quy tụ được hơn 600 phụ nữ là thợ đan, thợ chế biến nguyên liệu lành nghề. Từ năm 2015, Việt Trang xác định thêm nhiệm vụ giữ gìn giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có lúc, Việt Trang bất lực trước những đơn đặt hàng từ các nước. Cước tàu biển tăng cao khiến phí vận chuyển đội giá thêm 10-15 lần. Những khó khăn không ngừng xuất hiện: các DN xuất khẩu phải giành giật từng chiếc container rỗng; nguyên phụ liệu tăng giá; thiếu vốn lưu động; các thị trường nhập khẩu đóng cửa… Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi TPHCM giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Trong thời gian dài, hàng làm ra không thể tiêu thụ, chất đầy kho, công ty có nguy cơ không trả được lương cho nhân viên. 

Nghệ nhân Trần Thị Việt đã nhận giải vàng của UNCTAD năm 2016 trao tặng phụ nữ có công giữ bình đẳng giới trong thị trường
Nghệ nhân Trần Thị Việt đã nhận giải vàng của UNCTAD năm 2016 trao tặng phụ nữ có công giữ bình đẳng giới trong thị trường

Việt Trang đã lập đội phản ứng nhanh, tạo ra mẫu mã mới trong thời gian ngắn. Nhiều sản phẩm có thể gấp gọn, giúp tiết kiệm được không gian khi đóng kiện để vận chuyển, giảm được khá nhiều chi phí khi xuất khẩu. Hoạt động tiếp thị sản phẩm mới cũng được chuyển sang hình thức trực tuyến dù trước đó, 95% doanh số đều từ kênh bán hàng trực tiếp. Chỉ một thời gian ngắn, công ty đã bán hàng và xúc tiến thương mại 100% online. Nhân viên được đào tạo, làm quen với phương thức giao dịch với khách hàng qua các công cụ trực tuyến, làm việc với các sàn thương mại điện tử quốc tế hay tận dụng công cụ có sẵn từ Google Ads… Nhờ vậy, công ty đã duy trì được nguồn khách hàng thường xuyên. 

Chị Mai Đào - Giám đốc phát triển kinh doanh của Việt Trang - cho hay, nhờ những cải tiến trên, chi phí lưu kho giảm đến 80%, chi phí vận chuyển tới tay người tiêu dùng giảm ít nhất 50%. 

Giúp người cùng cảnh ngộ 

Xin việc mãi mà không nơi nào chịu nhận, một nhóm người khuyết tật đã cùng nhau mở tiệm photocopy và làm trà thảo dược từ hoa nhài khô. Đến năm 2019, họ không dừng lại ở việc giúp bản thân mà còn giúp được nhiều người khuyết tật khác. Vậy là Hợp tác xã (HTX) Tâm Ngọc đã được lập ở thôn Bến, xã Đông Xuân, H.Sóc Sơn, TP.Hà Nội với bảy thành viên. Tâm Ngọc tự trồng nguyên liệu và chế biến thành trà thảo dược Thanh Xuân.

Để tạo thêm công ăn việc làm cho 26 người khuyết tật, Tâm Ngọc đã liên kết với các HTX khác, tạo thêm nhiều sản phẩm trà túi lọc thảo dược mới như Cà Gai Leo Trà, Như Hoa Trà, Liên Hoa Trà. Tâm Ngọc còn sản xuất thêm 4ha gạo lứt huyết rồng, 2ha trồng rau củ quả và nuôi gà thả vườn để phục vụ đời sống và tăng thu nhập cho thành viên. Vào mùa tết, họ trồng thêm 2.000m2 hoa ly công nghệ cao. 12ha đất khô cằn bị bỏ hoang tại xã Đông Xuân và xã Đức Hòa nay đã được phủ màu xanh của trà hữu cơ. Thu nhập của các thành viên HTX Tâm Ngọc ổn định từ 2,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Trong đại dịch, Tâm Ngọc nhanh chóng làm việc với các sàn thương mại điện tử để đảm bảo tiến độ giao hàng mà vẫn tuân thủ biện pháp giãn cách xã hội. Dù dịch COVID-19 kéo dài, các thành viên HTX vẫn có thu nhập ổn định.

“Chúng tôi luôn chú trọng đến công việc và môi trường làm việc, sao cho mọi người cảm nhận như một gia đình. Với người khuyết tật, sức khỏe là thứ quý giá nhất nên chúng tôi quyết tâm làm ra sản phẩm sạch, chất lượng và tốt cho sức khỏe, môi trường” - chị Trần Thị Thuần, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Tâm Ngọc, chia sẻ.

Bà Nguyễn Phương Linh - Trưởng làng Thách thức và Sáng tạo xã hội TECHFEST 2021 - nhận định: “Gần đây, mô hình DN xã hội đã tiến bộ hơn, tiến tới mô hình tăng trưởng bao trùm (tăng trưởng hài hòa) nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế nhưng vẫn chia sẻ một cách bình đẳng cho tất cả các thành viên trong xã hội”.

Họp trực tuyến với nông dân 

Các DN đoạt giải Én xanh (chương trình quốc gia tìm kiếm và tôn vinh các sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng) được kết nối với các DN và chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành để tiếp tục triển khai sáng kiến kinh doanh tốt hơn. Cũng nằm trong nhóm Én xanh 2021, Công ty cổ phần Gạo Ông Thọ mong muốn xây dựng môi trường sống tốt đẹp hơn từ việc tạo ra gạo hữu cơ an toàn ở bán đảo Cà Mau. Kế hoạch 5 năm xây dựng DN bất ngờ đã hoàn thành chỉ trong mùa dịch. 

Chị Dương Thanh Thảo (bên phải) - Giám đốc Công ty cổ phần Gạo Ông Thọ - và các sản phẩm của công ty
Chị Dương Thanh Thảo (bên phải) - Giám đốc Công ty cổ phần Gạo Ông Thọ - và các sản phẩm của công ty

Đầu năm 2021, DN này triển khai vùng nguyên liệu hữu cơ trên bán đảo Cà Mau. Vài tháng sau, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát mạnh mẽ. Những đợt tiếp xúc giữa nông dân và cán bộ triển khai dự án bị đình lại nhưng vùng nguyên liệu lại trong vụ hè thu, lúa sắp đến ngày thu hoạch. Công ty liền thuyết phục chính quyền địa phương hỗ trợ nông dân sử dụng công cụ họp Zoom. Sau một tuần, các nhà nông đã được tập huấn kỹ thuật canh tác hữu cơ và an toàn trên không gian trực tuyến để không lỡ vụ mùa. Ngoài ra, họ còn được đào tạo trực tuyến cách ghi chép các thông số theo yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Khi các vùng nguyên liệu bước vào vụ thu hoạch thì phương tiện ghe, xe không tới vùng thu hoạch được, trong khi lúa thu hoạch sẽ hư nếu không xử lý kịp và thiệt hại là không nhỏ. Tháng Bảy, nhu cầu trữ gạo tại TPHCM lên cao nhưng việc lưu chuyển hàng hóa lại khó khăn do có nhiều chốt chặn chống dịch. Cùng lúc đó, nhu cầu mua gạo của các nhóm thiện nguyện tăng mạnh khiến giá gạo ở vùng dịch bị đẩy lên cao. 

Gạo Ông Thọ đã nhờ sự can thiệp của chính quyền địa phương và Tổ công tác giải cứu nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thông luồng vận chuyển gạo. Công ty cũng liên kết với các thương nhân đưa gạo đến người dân với giá ổn định. Khi vượt qua thời điểm khó khăn nhất, công ty đánh giá, chỉ trong vài tháng đã xây dựng được vùng nguyên liệu sản xuất đúng kỹ thuật canh tác và sắp xếp được chuỗi phân phối. Đây là những điều mà vào đầu năm 2021, lãnh đạo công ty nghĩ phải cần đến 5 năm. Không chỉ sản xuất đúng mục tiêu thân thiện với môi trường, công ty còn hỗ trợ nhiều nhóm thiện nguyện mang gạo đến cho hàng loạt công nhân bị mất việc. 

Quan tâm đến môi trường và xã hội

Bà Hooyung Young - Phó Chủ tịch United Way World Wide tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á - nhận định: “Hiện tại, có hai nhóm lớn trong các DN hướng tới tăng trưởng bao trùm là tập trung vào môi trường và tập trung vào xã hội. Các ý tưởng ban đầu rất hay nhưng họ bị thiếu hụt rất nhiều về nguồn lực. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, kinh tế bao trùm đang là một xu thế thu hút giới trẻ”.

Xu hướng tác động tích cực đến xã hội và môi trường bắt đầu gây được sự chú ý của các nhà đầu tư. Ông Bobby Liu (Quỹ TouchStone Partner) chia sẻ: “Dù không phải là quỹ đầu tư tác động, chúng tôi vẫn luôn cân nhắc đến yếu tố tác động xã hội của người khởi nghiệp (startup) khi quyết định đầu tư. Tôi cho rằng, tác động xã hội không phải là một điều mà chỉ đến khi DN đủ lớn hay đủ lợi nhuận mới cần nghĩ đến. Một ví dụ điển hình là loại hình gọi xe công nghệ đã tạo nên sự tiện lợi cho người dùng và công ăn việc làm cho rất nhiều người”.

 Mỹ Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI