Những bộ phim hé lộ chính trường khốc liệt tại Mỹ

04/11/2020 - 15:13

PNO - Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ từ lâu là đề tài ưa thích của một số nhà sản xuất phim không chỉ sống tại xứ cờ hoa, mà còn đến từ các quốc gia khác.

House of Cards (Sóng gió chính trường)

House of Cards được xem là một trong những bộ phim truyền hình đình đám nhất về đề tài tranh cử tổng thống Mỹ. Phim dài 6 mùa, ra mắt lần đầu vào năm 2013 và kết thúc vào năm 2018.

House of Cards xoay quanh cuộc chạy đua vào vị trí tổng thống Mỹ của nghị sĩ đảng Dân chủ - Frank Underwood (Kevin Spacey thủ vai). Frank Underwood là người không đơn giản, ông tham vọng quyền lực, tàn nhẫn, xảo quyệt hòng bước vào được Nhà Trắng. Để đạt được mục đích, bên cạnh Frank Underwood còn có sự trợ giúp của nhiều người, trong đó có người vợ Claire Underwood (Robin Wright).

Nam diễn viên Kevin Spacey làm nên thành công của House of Cards.
Nam diễn viên Kevin Spacey góp phần làm nên thành công của House of Cards

House of Cards hấp dẫn nhờ vào những tình tiết lột tả sự khốc liệt của chính trường Mỹ, phơi bày những thủ đoạn đen tối, cáo già của các ứng viên tranh cử chức tổng thống. Bên cạnh đó, diễn xuất của nam diễn viên Kevin Spacey, Robin Wright và dàn diễn viên trong phim cũng là điểm thu hút người xem.   

Bộ phim giành được hàng loạt đề cử, giải thưởng danh giá. Phim giúp Kevin Spacey, Robin Wright nhận được giải Nam/Nữ diễn viên chính xuất sắc, thể loại chính kịch tại Quả cầu vàng 2015. Kevin Spacey giúp làm nên thương hiệu House of Cards nhưng cũng chính nam diễn viên là người khiến series phải dừng ở mùa 6.

Một trích đoạn trong House of Cards mùa 1:

 

 

Tháng 10/2017, diễn viên Anthony Rapp đã cáo buộc Kevin Spacey từng cưỡng bức mình trong một buổi tiệc vào hơn 30 năm trước. Dù thời gian khá xa nhưng những gì Anthony Rapp tố cáo khiến Kevin Spacey phải đăng đàn phân minh, xin lỗi và thừa nhận mình là người đồng tính.

Vì lùm xùm đời tư, vào mùa 6, Kevin Spacey không còn xuất hiện trong phim, nhân vật của ông buộc phải đưa vào tình huống bị giết hại để phim được tiếp tục. Vì thiếu nhân vật của Kevin Spacey, mạch phim đôi chỗ lủng củng, kém hấp dẫn. Sau 6 mùa, Netflix tuyên bố dừng sản xuất series thu hút lượng người xem khủng nhất trên nền tảng.

The ides of March (Chiến dịch tranh cử)

The ides of March ra mắt vào năm 2011 là một trong những bộ phim tiếp tục “vén màn” những mảng tối trong cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống Mỹ. Phim do George Clooney đạo diễn kiêm đóng vai chính. Bộ phim giành được đề cử cho Kịch bản xuất sắc, Nam chính xuất sắc tại giải Oscar. Trên IMDb, phim giành được 7.1/10 điểm.

The ides of March tiết lộ những sự thật ghê rợn về chính trường khốc liệt tại Mỹ.
The ides of March tiết lộ những sự thật ghê rợn về chính trường khốc liệt tại Mỹ

Cuộc đua quyền lực trong The ides of March diễn ra giữa Mike Morris (George Clooney), ứng cử viên cho chức tổng thống thuộc đảng Dân chủ và người còn lại là thượng nghị sĩ Ted Pullman (Michael Mantell), đại diện đảng Cộng hòa. Phim chọn “lát cắt” bầu cử tại bang Ohio, số phiếu của bang này sẽ quyết định cho chiến thắng chung cuộc.

Trong phim, người trợ lý thân cận của Mike Morris - Stephen Myers (Ryan Gosling) là nhân vật phụ nhưng đóng vai trò quan trọng, phát hiện ra nhiều tình tiết đến rợn người về mặt tối của cuộc đua chính trị. Anh là nhân vật bị áp đảo, khủng bố tâm lý sau cuộc gặp bí mật với 1 thành viên của phe đối thủ.

The American President (Chuyện tình tổng thống Mỹ)

The American President là bộ phim khai thác câu chuyện khác với House of Cards The ides of March. Bộ phim hài, lãng mạn mở ra từ chuyện tình yêu sét đánh giữa tổng thống goá vợ Andrew Shepherd (Michael Douglas) và một nữ chuyên gia vận động hành lang Sydney Ellen Wade (do Annette Bening đóng). Cô là người mới chuyển tới làm việc tại Washington DC.

Ngoài nói về chính trị, bộ phim còn được xem là một trong những tác phẩm nói về tình yêu xuất sắc.
Ngoài nói về chính trị, bộ phim còn được xem là một trong những tác phẩm về tình yêu xuất sắc

Câu chuyện tình cảm giữa tổng thống và người phụ nữ xinh đẹp ngày càng được đồn thổi, trở thành điểm yếu của tổng thống Andrew Shepherd trong mắt các đối thủ. Khi cuộc tranh cử sắp diễn ra, nhiều thông tin về đời tư của tổng thống đương nhiệm được bật mí nhằm hạ uy tín của ông.

The American President ra mắt năm 1995, giành được nhiều lời ngợi khen từ giới chuyên môn. Phim giành được một số đề cử về diễn xuất cho Nam/nữ diễn viên, Đạo diễn, Kịch bản  Âm nhạc xuất sắc tại Quả cầu vàng 1996.

Man of the year (Người đàn ông của năm)

Man of the year – bộ phim châm biếm chính trị Mỹ ra mắt năm 2006. Phim của đạo diễn Barry Levinson tập trung trả lời cho câu hỏi, khi một nghệ sĩ hài làm tổng thống Mỹ, chính trường xứ cờ hoa sẽ như thế nào?

Toàn bộ phim như một câu chuyện cười kể từ lúc Tom Dobbs (Robin Williams) – một người dẫn chương trình châm biếm, chuyên liên tưởng chính trị với những câu chuyện hài hước đứng ra tranh cử vào vị trí tổng thống Mỹ. Vào thời điểm người dân mất niềm tin với giới lãnh đạo, Tom Dobbs bỗng dưng nhận được sự ủng hộ. Ông trở thành tổng thống Mỹ một cách nhanh chóng mà không cần dụng công.

Poster phim Man of the year - bộ phim châm biếm chính trị Mỹ.
Poster phim Man of the year

Tuy nhiên, khi một diễn viên hài làm tổng thống, mọi chuyện không đơn giản, dễ chịu như cách Tom Dobbs thường cười cợt về nó trên truyền hình. Nhiều tình huống cười ra nước mắt bởi cách xử lý, giải quyết tình huống của Tom Dobbs trên chính trường vẫn mang phong cách của một diễn viên hài. Trong phim, Tom Dobbs trải qua một biến cố lớn mà về sau, khi hết nhiệm kỳ, ông không tái tranh cử, chọn trở về công việc cũ.

Wag the Dog (Đánh lạc hướng)

Wag the Dog ra mắt năm 1997, là bộ phim đặc biệt không chỉ với giới mộ điệu điện ảnh mà còn với những ai làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Bởi, ngoài những mánh khoé giữa các ứng viên tranh cử tổng thống, khâu xử lý khủng hoảng truyền thông cũng được nhắc đến như nội dung chính trong phim. Wag the Dog do Barry Levinson sản xuất và đạo diễn.

Trong phim, chỉ 11 ngày trước khi cuộc bầu cử diễn ra, vụ bê bối tình dục giữa tổng thống Mỹ và một phụ nữ trẻ bị phanh phui. Ngay lập tức, mọi thông tin bất lợi cho chiến dịch truyền thông tràn lan khắp các mặt báo.

Wag the dog cho thấy bộ mặt khác của những người làm chính trị
Wag the dog cho thấy bộ mặt khác của những người làm chính trị

Những cộng sự của tổng thống Mỹ thuê Conrad Brean (Robert De Niro) - một người có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông và Stanley Motss (Dustin Hoffman) – một nhà làm phim, để xử lý.

Ngoài dùng mối quan hệ báo chí để dập các nguồn tin xấu đã xuất hiện, Conrad Brean và Stanley Motss nghĩ ra những kịch bản xử lý khủng hoảng một cách sáng tạo nhưng cũng đầy giả dối, tinh vi để xoá gần như sạch sẽ mọi thông tin bất lợi cho tổng thống trong cuộc chạy đua bầu cử sắp tới.

Cuộc “tẩy trắng” thành công trong thời gian cực ngắn, tổng thống tái đắc cử, Conrad Brean và cộng sự được tôn như người hùng trong giới truyền thông.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI