Những nhát vẽ không dừng lại

21/08/2017 - 11:37

PNO - Yến ở nhà một mình, không có tiền đi học phụ đạo, không đồ chơi, không bè bạn. Trên chiếc bàn học tựa lưng vào “chiếc kệ sách” làm bằng… rổ rá nhựa, Yến ngồi đó, vẽ tất cả những gì em mơ.

Trong căn gác xép lỉnh kỉnh những đồ đạc cũ kỹ của bà Quý, có một xấp giấy quý lưu tranh vẽ của cô cháu ngoại 8 tuổi Nguyễn Như Phi Yến. Yến mồ côi cha, mẹ đi bước nữa. Ban ngày, bà ngoại phải quần quật bưng bê để kiếm tiền thuê trọ và đóng học phí. Yến ở nhà một mình, không có tiền đi học phụ đạo, không đồ chơi, không bè bạn. Trên chiếc bàn học tựa lưng vào “chiếc kệ sách” làm bằng… rổ rá nhựa, Yến ngồi đó, vẽ tất cả những gì em mơ.

Nhũng nhát vẽ khong dùng lại
Nét rạng rỡ, hồn nhiên của các nữ sinh cấp I tại buổi trao học bổng

Niềm vui vẽ vời trên căn gác xép tạm bợ của cô học sinh giỏi ấy, đã lần nữa hiện lên trong tôi khi chị Lê Huyền Ái Mỹ - Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM gửi đi thông điệp cuối bài phát biểu: “Các em hãy tiếp tục vẽ nên câu chuyện cuộc đời của riêng mình”, trước những “dữ kiện cuộc đời” tương tự của 300 nữ sinh giống Yến.     

Giây phút đó diễn ra vào sáng 19/8, trong chương trình học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó lần thứ 27 của Báo Phụ Nữ TP.HCM. Cũng trong buổi sáng ấy, ngồi lọt thỏm trên chiếc ghế sofa giữa cuộc giao lưu, Phạm Nguyễn Quế Trân vẫn bình thản nghe MC Đỗ Thụy lướt qua những chi tiết buồn bã nhất đời mình. Bốn năm trước, ba Trân bị tai nạn lao động, phải bỏ mạng ở Lào.

Ba năm sau, mẹ em bị tai nạn giao thông. Cuộc đời bắt đầu gắn liền với đôi nạng, mẹ mất việc lao công. Giữa gia đình có bốn người phụ nữ: bà nội ngoài 80 tuổi, mẹ thương tật, chị hai mới học lớp 10, chuyện học của Trân trở nên mong manh. Mỗi lần đôi chân thương tích, hay những tổn thương bên trong sau tai nạn của mẹ lên cơn đau kéo dài, mớ hàng thủ công nhận về làm tại nhà vẫn tồn đọng ở góc cửa, Trân lại đối diện với nguy cơ phải bỏ học. Nhắc đến những lần ấy, Trân bật khóc.

Nhũng nhát vẽ khong dùng lại
Phóng viên báo Phụ Nữ trò chuyện cùng nữ sinh Ông Mỹ Uyên, cô bé bị bệnh giòn xương. Ảnh: Phùng Huy

Nhưng, trước Trân, Yến, cùng hàng trăm đứa trẻ đang có mặt trong thông điệp “tiếp tục vẽ nên câu chuyện đời” của chị Ái Mỹ, tôi lại nghĩ đến bao nhiêu đứa trẻ cũng đang “vừa bước đi vừa vật lộn” với con chữ ngoài kia; mà “học bổng”, “Mạnh Thường Quân”, hay những động thái tiếp sức ở khắp các đơn vị truyền thông, còn chưa chạm tới được.

***

Ngay trước hành lang, sau khi đưa 10 nữ sinh của Q.9 vào hội trường để nhận học bổng, chị Trương Thị Hai, cán bộ Hội Phụ nữ Q.9 đứng nghĩ mông lung về một gia đình mình không kịp cứu, chỉ vì lỡ… nộp danh sách cho Báo Phụ Nữ sớm quá. Đó là gia đình của bé Nguyễn Nhật Khánh Uyên, học sinh lớp 9, ngụ P.Long Thạnh Mỹ, Q.9. Mẹ Uyên bị bệnh tim.

Là lao động duy nhất trong gia đình, mới đây, ba em phát bệnh thận sau những cơn đau sốt dữ dội, và được chỉ định mổ gấp. Khoản tiền cần đóng đầu ca mổ chừng 5-6 triệu đồng - bằng với khoản tiền anh vẫn vay hàng năm cho con nhập học. Hơn một tháng trước, chuyện sức khỏe của anh Khánh vẫn còn cấp bách bởi lịch hẹn mổ của bác sĩ mỗi lúc một cận kề.

Nhưng đến hôm nay, căng thẳng… đã “qua”, khi anh quyết định bỏ lịch mổ, dành tiền cho con nhập học. Bây giờ, cái “nguy kịch” trong lời bác sĩ ngày một rõ rệt qua những cơn đau cứ dày lên dần. Mỗi lúc quá đau đớn, anh lại tự cứu mình bằng… thuốc giảm đau hoặc những loại cây lá mà người quen giới thiệu. Hôm chị Hai đến thăm, anh Khánh đã gầy rộc, chiếc xe cà tàng - phương tiện đi lại bấy lâu của hai vợ chồng lại phải đem… trả lại cho đứa em trai. Anh ngượng ngùng vá víu câu chuyện sức khỏe bằng sự học xuất sắc của con gái Khánh Uyên. Còn chị Hai, thì… vừa hoàn tất danh sách nữ sinh hiếu học, vượt khó của quận cho Báo Phụ Nữ.

Chị tính, giá mà Uyên có được học bổng cho nữ sinh học cấp II của báo, hai triệu đồng ấy có thể giúp anh Khánh có động lực mà vay thêm để đi mổ, “để rồi con nhỏ còn có cha, có cơ hội tiếp tục học”. Chị liên tục chậc lưỡi, nhắc đi nhắc lại “phép tính” ấy với tôi. Rồi chị nói lẩm nhẩm, như tự thương lượng với mình: nếu kịp chọn bé Uyên vào danh sách học bổng, thì mình biết bỏ bé nào trong 10 em đó ra? Đứa nào cũng khổ, co kéo kiểu gì cũng thiếu hụt, biết làm sao được?

Nhũng nhát vẽ khong dùng lại
Phạm Nguyễn Quế Trân xúc động trong phần giao lưu

Vị cán bộ Hội ấy chắc sẽ còn chưa chịu tha thứ cho mình, dù tôi đã chứng kiến chị trở nên vui vẻ trong cái phút đón 10 nữ sinh của quận mình lên xe, cùng 10 suất học bổng. 

***

Ở trường cấp III của tôi - Trường THPT Sào Nam (Duy Xuyên, Quảng Nam), có một cô thủ thư vẫn dành tất cả thời gian rảnh của mình, chỉ để lần theo những lá đơn kêu cứu của học trò, đến tận nơi tìm hiểu hoàn cảnh, rồi xin học bổng cho các em. Cách đây chừng mười ngày, tôi thấy cô viết lên facebook của mình dòng trạng thái: “Lần đầu tiên thấy mình bất lực. Ngày nhập học của các em đang đến, vậy mà mọi nỗ lực tìm kiếm học bổng cho các em hầu như rơi vào bế tắc...”.

Cô kể ba trường hợp đang đối diện với nguy cơ phải từ bỏ giấc mơ đại học. Một bạn nam tên Quý, con trai của một người cha mắc bệnh tim bẩm sinh. Bản thân Quý lại bị bệnh về não. Thi đại học vừa xong, Quý đã ra TP.Đà Nẵng để làm phụ hồ. Có giấy báo nhập học, mang số tiền dành dụm được trong những ngày dầm dãi nắng mưa đến Trường ĐH Kiến trúc đóng học phí xong, Quý không còn tiền để thuê phòng trọ. Số tiền cọc để thuê trọ chừng vài triệu đồng.

Nhưng nhiêu đó vẫn chưa đáng ngại bằng những ngày tháng tiếp theo, khi lịch học không còn cho phép em phụ hồ, mà mọi công việc bán thời gian đều khó lòng trang trải đủ cho một sinh viên đại học ở thành phố đắt đỏ. Trong khi, căn bệnh não không biết còn “cho phép” em làm việc đến bao giờ… 

Nhũng nhát vẽ khong dùng lại
Bà Lê Huyền Ái Mỹ, Tổng biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM trao quà và học bổng cho các nữ sinh nghèo hiếu học.

Hai em còn lại là N.T.L.T., N.V.T. - hai tân sinh viên ở Đà Nẵng, đều mồ côi cha, đều quần quật làm lụng để kiếm tiền nhập học từ những ngày… chưa có điểm thi đại học  mà vẫn không đủ. Cô kể bằng giọng trĩu nặng, rồi kết thúc như một tiếng thở dài: “Thế mà, mình chẳng làm được gì cho các em. Thương nhưng đành chịu. Buồn!”.

Cả ba trường hợp ấy, tôi biết, cô đã gửi thông tin cụ thể và dạm hỏi tất cả những người cô quen để xin giúp đỡ nhưng không được. Dòng trạng thái kia, chỉ giống như cái tần ngần, bứt rứt của chị Trương Thị Hai trước hội trường trao học bổng hôm ấy. Cả hai người phụ nữ ấy, đều là người dưng - như tất cả chúng ta - với những đứa trẻ nọ.

Nỗi buồn của họ là nỗi buồn của một người đã… trót biết quá nhiều, hay chính là nỗi đau đáu, dằn vặt của một người có cùng một đức tin trước tri thức, với những đứa trẻ đang khát khao được học, với vị tổng biên tập đã nhắc đến nó (tri thức) như một chiếc cọ để “vẽ nên câu chuyện cuộc đời”, với những Mạnh Thường Quân đã góp mặt trong bao nhiêu chương trình tiếp sức...

Đức tin ấy, tôi đã có dịp nhìn thấy trên gương mặt của một người đàn bà chưa từng biết đến trái ngọt của “học thức”, ngay trên chiếc cầu thang dẫn lên hội trường trao học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó sáng 19/8.

***

Giữa cái lao xao đầu chương trình, chị Nguyễn Thị Kim (ngụ tại P.11, Q.3) một bên nách con, lê từng bước lên cầu thang, đi về phía bàn đăng ký. Đoạn cầu thang ngắn ngủi đó, cũng giống như hành trình bảy năm chị đấu tranh cho sự học của đứa con mắc chứng xương tạo bất toàn (bệnh giòn xương). Căn bệnh bẩm sinh làm cho Ông Mỹ Uyên (SN 2004) yếu ớt, có thể gãy xương bất cứ lúc nào. Năm 2010, vừa đến tuổi vào lớp 1 thì Uyên đã có… hai lần gãy xương.

Chị Kim đang băn khoăn về chuyện học của con, thì Uyên đã ấm ức giãy khóc bao lần vì “không được đi học giống chị hai”. Thương con, vợ chồng chị Kim đi khắp các trường tiểu học ở Q.3 để nộp hồ sơ. Từ chỗ “đi đăng ký”, chị chuyển sang… đi xin vì tất cả các trường đều từ chối tiếp nhận Uyên. Trong lúc vợ chồng chị thay nhau bỏ công việc để đến... thưa chuyện với các trường tiểu học, rồi các đơn vị hỗ trợ cấp phường, khu phố; thì những đứa trẻ bằng tuổi Uyên đã vào lớp 1. Dối con rằng “vì sức khỏe nên phải học trễ một năm”, suốt một năm ấy, chị Kim lại phải ngược xuôi xin cho con nhập học, vừa gom tiền mua dần dần sách vở, quần áo để… trấn an Uyên. 

Uyên được đi học vào năm tiếp theo, sau khi vợ chồng chị Kim cam kết với nhà trường sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về sức khỏe của con. Vừa nhập học, Uyên lại gặp rắc rối với môn thể dục. Mang giấy của bác sĩ đến trường, chị Kim được hiệu trưởng trả lời “trường này không chấp nhận học sinh không tham gia học môn thể dục”. Năm lần bảy lượt đến trình bày, vẫn không được, chị Kim làm đơn đến Hội Bảo vệ bà mẹ trẻ em Q.3, rồi xin gặp trực tiếp chủ tịch P.11 để nhờ can thiệp.

Lần ấy, khi mọi sự thương cảm của các cấp đều gần như “thua cuộc” trước “quy định của Bộ GD-ĐT”, chị Kim kiên quyết nói với vị đại diện UBND phường: “Bây giờ cơ quan nào có thể quyết định chuyện này, ông hãy chỉ cho tôi. Nếu cần ra đến Hà Nội, tôi cũng sẽ vay mượn xóm giềng để đi. Con tôi đã bệnh tật rồi, tôi không thể để nó thất học!”.

Uyên được miễn môn thể dục từ lần ấy.  Người mẹ chưa một lần biết “làm việc với cơ quan chức năng” đã có thể ngẩng cao đầu mà rành rọt, kiên quyết sau bao nhiêu năm đấu tranh để con được học. Rồi suốt 5 năm Uyên đến trường, chị lại cúi đầu nhẫn nại dìu con qua từng bậc cầu thang, mỗi ngày 4 bận, lên tận bàn học. Uyên học rất giỏi, nhưng theo chị Kim, sức khỏe của em chắc chẳng làm nổi nghề hướng dẫn viên du lịch như em mơ ước. Nhưng kệ, cứ học cho có kiến thức, chị nói, rồi mai mốt có tiền chị cho nó học vi tính, tiếng Anh để nó có thể tự kiếm tiền mà không phải vận động nhiều.

Trong những người có cùng “đức tin” vào tri thức trên kia, tôi đã để sót anh Nguyễn Văn Khánh - người đàn ông đang đánh đổi mạng sống của mình, để con được đến trường. Và bây giờ là người mẹ đã dành 7 năm trời đấu tranh cho sự học của đứa trẻ yếu ớt, dù biết giấc mơ của con khó lòng toại nguyện. Nhưng, với tất cả những lựa chọn ngặt nghèo, và sự quyết liệt vượt khỏi hình ảnh thường tình của một người dân lao động chân chất ấy - lại cho thấy một đức tin đã đôi lúc cô đơn đến cùng cực, đến xé toang mọi giới hạn của các “quy định của bộ” và cả... sự ham sống.

Và nếu không cô đơn, chắc đã không có những lựa chọn ngặt nghèo, cùng những tiếng kêu xin dài dặc và vô vọng đôi lần. Khái niệm “bỏ học vì hoàn cảnh” ở vô số những đứa trẻ nghèo trên khắp đất nước này, cũng có thể viết lại: bỏ học vì cô đơn, vì xã hội còn quá ít những nỗi buồn như đã thấy ở cô thủ thư, ở vị cán bộ hội Q.9. Người ta có thể vẫn biết cái nghèo đang còn đó như một khoảng cách vời vợi giữa niềm khao khát của bao đứa trẻ, và sự học (tưởng chừng) thường tình. Mà, mắt không thấy, tim không đau.

Tôi chợt nhớ đến nỗi lo của bà Quý về sức khỏe ngày càng đi xuống của mình, cùng đứa cháu ngoại thông minh, nhưng vẫn đang độ tuổi chỉ biết vẽ giấc mơ của mình, trên giấy.

Lời cảm ơn

Chương trình học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó lần thứ 27, năm học 2017-2018 (đợt I) dành cho nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, đạt thành tích cao trong học tập ở các quận huyện tại TP.HCM do Báo Phụ Nữ phối hợp tổ chức từ ngày 10/8 đến 19/8/2017 đã thành công tốt đẹp. 

Chương trình đợt I trao 355 suất học bổng tại TP.HCM, đợt II sẽ trao vào dịp 20/10 cho con em nữ công nhân đang làm việc tại khu chế xuất - khu công nghiệp; con em người bán báo; học sinh nghèo ở các tỉnh vùng sâu vùng xa, vùng biên giới như: Tây Ninh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Long An…  với tổng trị giá toàn bộ chương trình hơn 1,5 tỷ đồng. 

Ban biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM chân thành cảm ơn Hội LHPN các quận huyện tại TP.HCM; Hội LHPN các tỉnh thành đã nhiệt tình phối hợp. 

Báo Phụ Nữ xin tri ân những người bạn đồng hành đã hết lòng đóng góp, ủng hộ cho chương trình: Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi, Công ty TNHH Procter & Gamble Việt Nam (P&G), Tập đoàn Vingroup, Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3, Ngân hàng Agribank - chi nhánh Phan Đình Phùng, Công ty TNHH Thời trang và Xe đạp Martin 107, Công ty TNHH Kim cương KiTa, Công ty TNHH SX-TM Thuốc thú y - Thủy sản Mebipha, Công ty TNHH MTV Hội nhập phát triển Đông Hưng (AEON Citimart), Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Công ty Ajinomoto Việt Nam, Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam, Công ty TNHH SX-TM-DV Qui Phúc, Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Nhà may Kiều Oanh, Công ty CP Chế biến gỗ Đức Thành, Văn phòng đại diện Ngân hàng Agribank khu vực Tây Nam bộ, Công ty CP Bibica, Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood, Công ty TNHH MTV TM-XNK 100plus (F&N Việt Nam), Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty TNHH YSIMAN Việt Nam, Công ty TNHH Dược phẩm Quang Anh, Trung tâm Yoga Tantra - Bắc Hải và nhiều bạn đọc thân thiết của Báo Phụ Nữ.

Kính chúc quý công ty cùng các đơn vị đồng hành luôn phát triển bền vững và thịnh vượng, kính chúc quý bạn đọc luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc.

 Báo Phụ Nữ

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI