Những hộ dùng điện trên 711 kWh/tháng sẽ phải trả nhiều tiền hơn

12/10/2022 - 18:47

PNO - Đại diện Bộ Công thương cho rằng, phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt sẽ giảm tối đa tác động tới các hộ có mức sử dụng thấp, trung bình.

Tại họp báo thường kỳ chiều 12/10, ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, việc nghiên cứu, xem xét ghép các bậc giá điện nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt là cần thiết.

Theo đề xuất của Bộ Công thương, giá điện sinh hoạt được rút từ 6 bậc còn 5 bậc, mức giá điện ở bậc thấp nhất 1.678 đồng, cao nhất 3.356 đồng/kWh (ảnh minh họa).
Theo đề xuất của Bộ Công thương, giá điện sinh hoạt được rút từ 6 bậc còn 5 bậc, mức giá điện ở bậc thấp nhất 1.678 đồng, cao nhất 3.356 đồng/kWh (Ảnh minh họa).

“Cả 2 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt theo đề xuất của Bộ Công thương đều đảm bảo giảm tối đa tác động tới các hộ có mức sử dụng thấp, trung bình. Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, sẽ khắc phục được một phần tình trạng hóa đơn tiền điện biến động trong những tháng đổi mùa”, ông Trần Tuệ Quang khẳng định.

Đồng thời, đại diện Bộ Công thương nêu rõ, đối với phương án giá điện 5 bậc, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm; Tiền điện của các hộ sinh hoạt có mức sử dụng dưới 711 kWh/tháng đều có tiền điện phải trả không đổi hoặc giảm. Đối với phương án 4 bậc, tăng tiền điện phải trả đối với các hộ có mức sử dụng từ 119 - 232 kWh/tháng và các hộ có mức sử dụng trên 806 kWh/tháng.

“Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ thì tác động tăng tiền điện đối với các hộ có mức sử dụng từ 119 - 232 kWh/tháng là không lớn với mức tiền điện tăng thêm tối đa chỉ 12.100 đồng/tháng/hộ, tương ứng mức tăng tiền điện là 3,25%. Các hộ còn lại có tiền điện phải trả không đổi hoặc giảm”, ông Trần Tuệ Quang nói.

Trang Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI