Những đứa bé bị bỏ lại - Bài 3: Thế hệ 'trọc phú'

10/05/2015 - 08:23

PNO - PN - Nhiều làng quê miền Trung vắng người trẻ, trung niên, chỉ người già và trẻ em lao xao đường làng. Nơi ấy có những căn nhà cao nhờ tiền gửi về từ Lào, Thái Lan, Hàn Quốc, TP.HCM cùng những mái nhà thấp nát. Nhiều ngôi nhà vắng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Lãnh đạo các xã đều không giấu được hãnh diện khi nói rằng người địa phương đi làm ăn xa, mỗi tháng gửi về hàng chục tỷ đồng, sắm nhà lầu, ô tô, làng xóm thay đổi chóng mặt. Tết đến họ mang ô tô hạng sang về đậu chật xóm, giúp xã thoát nghèo nhanh, đạt chuẩn nông thôn mới nhất nhì huyện, tỉnh.

Theo thống kê tại Hà Tĩnh, đến cuối 2014, toàn tỉnh có 9.228 người đi làm ăn xa. Làn sóng ly hương diễn ra khắp 12/12 huyện, thị, thành phố, nhưng cao nhất là: Kỳ Anh (3.459 người), Thạch Hà (2.184 người), Cẩm Xuyên (1.763 người), Lộc Hà (1.509 người). Tại Quảng Ngãi, khoảng 6.000 người làm xa, chủ yếu là đi TP.HCM.

Nghệ An có từ 10.000-12.000 người đi Lào. Thừa Thiên-Huế có khoảng 5.000 người đi Lào. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) dự kiến đến năm 2015, tổng số lao động Việt Nam làm việc tại Lào sẽ hơn 20.000 người theo đường chính thống. Còn một lượng đáng kể sang Lào, Thái Lan theo đường tiểu ngạch, chủ yếu là lao động các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Tất nhiên, các vị cán bộ địa phương cũng có chút âu lo khi học sinh bỏ học, hư hỏng. “Nó tạo ra hệ lụy cho cả một thế hệ, làm vỡ nát cấu trúc và đạo đức làng xã, nguy cơ hình thành một lớp người trọc phú” - đó là ý kiến của PGS-TS Trần Xuân Bình, Trưởng khoa Xã hội học, Giám đốc Trung tâm KHXH-NV Đại học Huế khi trao đổi với báo Phụ Nữ TP.HCM.

PGS-TS Trần Xuân Bình nói: “Tôi đã có nhiều năm nghiên cứu vấn đề di cư ở miền Trung và tiểu vùng sông Mê Kông. Di cư trong và ngoài nước để kiếm việc làm bắt đầu ào ạt từ năm 2000 và đến nay chưa dừng. Đối tượng di cư phần lớn là người trẻ, trong đó có nhiều cặp vợ chồng.

Mất ruộng đất, thiếu việc làm, nghề nghiệp không ổn, khiến họ phải ly hương.

Ai cũng biết vai trò quan trọng của cha mẹ trong việc giáo dục con cái, hình thành tâm lý và nhân cách, kỹ năng sống, kết bạn, định hướng nghề nghiệp và hôn nhân, nhưng nhiều làng quê, cha mẹ bỏ con ở nhà để đi kiếm tiền. Con đi học, ông bà đưa đón, không có sự tương tác giữa thầy cô và cha mẹ, từ đó không thể hình thành tam giác phát triển gia đình-nhà trường-xã hội. Con cái mất đi sự giáo dục của cha mẹ, sẽ hư hỏng”.

Nhũng dúa bé bị bỏ lại - Bai 3: Thé hẹ 'troc phu'

Người lao động tại Nghệ An chen chúc phỏng vấn để được đi làm việc tại Hàn Quốc

* PV: Ông nghĩ sao về tình trạng ngày càng nhiều trường hợp học sinh đánh nhau, trộm cắp, giết người?

- PGS-TS Trần Xuân Bình: Đối với trẻ, nói mất dạy là không đúng. Dùng chữ vô học, vô văn hóa gán cho trẻ là hoàn toàn sai. Xã hội có nhiều bức tranh khác nhau, ập vào suy nghĩ trẻ, khiến trẻ làm vậy. Lên lớp, nhà trường giáo dục ra sao, ngoài xã hội đang diễn ra điều gì, đó là nguyên nhân dẫn đến trẻ hư. Mỗi lứa tuổi có nhóm xã hội khác nhau, nếu không có gia đình thì trẻ tìm đến trường và xã hội - những nơi có nhiều tác động.

Giáo dục có tính tác động cao nhất là học từ xã hội, trẻ tham gia và trải nghiệm, từ đó hình thành phẩm chất. Đổ hết cho nó hư là thiếu trách nhiệm. Ở đây phải nói đến vai trò của truyền thông rất quan trọng, vấn đề là ai kiểm soát trẻ và kiểm soát đến đâu.

* Di cư làm làng quê “rỗng ruột”, con thiếu sự chăm sóc của cha mẹ sẽ sinh ra lắm vấn đề đáng lo ngại?

- Nhiều vùng nông thôn đã vỡ hết từ cấu trúc đến đạo đức. Có nơi, cứ ăn giỗ ăn cưới xong là đánh nhau, đập phá, chửi mắng, toàn người trẻ gây ra. Vài ba ngày có người trộm chó bị đánh. Ai trộm? Cũng là người trẻ.

Di cư sẽ không dừng lại và nó thay đổi trong nhận thức. Ngày xưa nhiều gia đình quyết cho con đi học, nhưng nay cho nghỉ sớm để kiếm tiền. Tôi đi khảo sát nhiều nơi, bức tranh nông thôn ảm đạm lắm. Tôi nghĩ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đôi khi lệch với thực tế đang diễn ra, một thực tế đáng buồn trong quan niệm sống, học tập, khi cha mẹ nói: cho con đi học nhưng học xong có việc làm không, không ai trả lời được.

* Vậy giải pháp ở đâu, thưa ông?

- Phải từ chính sách đến làm luật. Chúng tôi đã tổ chức nhiều mô hình, sân chơi cho các em thiếu vắng cha mẹ với các hoạt động môi trường, văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, dạy kỹ năng sống, mong muốn lớn lên các em sẽ biết điều hay lẽ phải chứ không sống vô cảm. Hãy hành động cụ thể chứ đừng chung chung. Mô hình phải có tính đặc thù vùng miền, không thể khuôn mẫu.

* Theo ông, hệ lụy lớn nhất là gì?

- Như đã đề cập, nông thôn giàu lên do xuất khẩu lao động, đi làm ăn xa sẽ có nguy cơ hình thành lớp người trọc phú. Nó đặt ra một thang giá trị, từ đó định hướng hành vi, cụ thể là cụm từ phổ biến “mi đi học làm chi, hãy đi làm, sẽ có ô tô”. Từ lãnh đạo đến cha mẹ, đều vui khi có nhiều tiền, đó, xã hội và gia đình đã đặt ra thang giá trị bằng tiền.

* Vậy làm thế nào để thay đổi?

- Đây là câu chuyện của các nhà quản lý vĩ mô. Tôi ví dụ ở đồng bằng sông Cửu Long, cha mẹ tự hào có con gái mang tiền về nhiều, mở mặt với hàng xóm, nhưng cô gái đó vì gia đình mà quên mất giá trị của bản thân mình. Cách tốt nhất là hãy tác động vào mặt tốt, mặt tích cực, và công khai hết.

Tôi cho rằng hãy học phương Tây, ví dụ lập phố đèn đỏ, minh bạch đi. Ở phương Đông, cụ thể là nước mình, lập phố đèn đỏ, đố ai dám vào đó, vì văn hóa ta nó khác, sợ làm điều xấu gia đình, cơ quan, hàng xóm biết. Ở Việt Nam, ví dụ nếu minh bạch ai ma túy, bỏ học, ở đâu, con cái nhà ai, thì những ai có ý định dính vào đó, sẽ lo sợ và chuyển hướng hành vi. Khi biết họ sai, hãy thức tỉnh và giúp họ thay đổi.

* Ông đã gặp những cha mẹ đi làm ăn xa chưa? Nếu có, họ nói gì, nghĩ gì về con cái?

- Gặp rất nhiều. Họ đi xa, cực kỳ thiếu thốn tình cảm. Thương con nhưng vì vượt nghèo nên họ phải hy sinh tình cảm. Họ lo ngại nhưng không thoát được lẩn quẩn.

Khảo sát cho thấy mối lo con cái xếp chót bảng vì họ nghĩ có ông bà ở nhà. Họ lo nhất là an toàn chỗ làm việc, vì chủ yếu đi chui, sợ cảnh sát bắt, rồi lo về thu nhập. Khi nào xã hội đưa ra câu hỏi, các cặp vợ chồng hiện nay lo gì nhất, nếu câu trả lời là con cái thì lúc đó xã hội sẽ ổn. Không có cha mẹ, thì thầy cô cũng khó dạy dỗ, bởi sẽ có câu: “Cha mẹ nói em không nghe thì sao thầy nói em nghe được”.

* Xin cám ơn ông.

TRUNG VIỆT thực hiện

Ông Trần Văn Danh, Hiệu trưởng Trường THCS Thạch Long (H.Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh)

Ở làng bây giờ người ta so sánh: con nhà người ta đi hai năm qua Thái, đem về 400 triệu đồng, con mình học đại học bốn năm hết 200 triệu mà không có việc làm, thì học làm chi? Cho nên học đến lớp 9 là bỏ.

Như trường tôi, năm rồi chỉ 78% thi vào cấp III, vì số còn lại đi Thái. Tương lai tụi trẻ sẽ đi về đâu? Đau đầu lắm. Trường tôi lắm lúc không họp được hội cha mẹ học sinh vì cha mẹ có ở nhà đâu mà họp. Không ai thay thế được người mẹ đâu, bất luận sang hèn giàu nghèo ra sao. Cha mẹ biết nhưng vẫn đi làm ăn xa. Học hành, tiền bạc, con ở nhà tính ra sao, tiêu xài thế nào, cha mẹ không biết, ông bà làm sao quản được. Nuôi nhưng đâu có dạy, thì sao nên người được.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI