Nhờ COVID-19, tháng Giêng không còn là tháng ăn chơi

19/02/2020 - 07:09

PNO - Vì chủ trương phòng tránh đại dịch COVID-19, rất nhiều lễ hội đã phải dừng hoặc tạm hoãn. Và dường như đây là lần đầu tiên chúng ta không phải than thở, trách cứ và bất an vì sự bùng phát lễ hội ở khắp các tỉnh thành trong cả nước.


Tuân theo chu kỳ nông nghiệp, lễ hội ở Việt Nam tập trung chủ yếu vào mùa xuân và mùa thu, hai thời khắc nông nhàn thảnh thơi và dễ bề nảy sinh nhiều cảm xúc vui chơi. Ở miền Bắc, từ lâu đời, mùa xuân đồng nhất với lễ hội và làng, đơn vị tụ cư vào hàng lâu bền nhất, là cái nôi sản sinh. Một cộng đồng thuần nông xoay xở đủ nghề trong quá khứ, không biết tự bao giờ, tự tin chắc mẩm rằng “tháng giêng là tháng ăn chơi” và luôn cho phép mình tham gia đủ loại lễ hội đầu năm như một thói quen khó bỏ.

Thực ra, trong nhiều khía cạnh tích cực của lễ hội, có hạt nhân quan trọng là quãng nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, nên người nông dân thường lấy đó làm an tâm để không phải tự cật vấn mình, rằng sau “tháng hai đình đám, tháng ba hội hè” thì lấy gì để lo cho giai đoạn túng thiếu vào những tháng giáp hạt.

Lễ hội chùa Hương, một lễ hội lớn và mở đầu cho tháng lễ hội ở miền Bắc, phải tạm hoãn vì đại dịch covid-19
Lễ hội chùa Hương, một lễ hội lớn và mở đầu cho tháng lễ hội ở miền Bắc, phải tạm hoãn vì đại dịch COVID-19

Đời sống hôm nay phần đông no đủ và con người hiện đại, nhưng chưa hề lìa đứt cái gen nông nghiệp ham vui ham chơi, nên lễ hội càng có cớ để không ngừng phát triển cả về quy mô, tính chất, lẫn cung cách tổ chức. Một lễ hội cấp làng, sau một mùa tổ chức thành công, đã có thể trở thành lễ hội cấp huyện, tỉnh, thậm chí là cấp quốc gia nếu được đầu tư, làm mới, cải biên bài bản.

Lễ hội được coi như tấm thẻ thông hành bước vào nền kinh tế dịch vụ, du lịch, nên nhiều địa phương, ngoài chủ ý bảo tồn giá trị văn hóa lễ hội, bao giờ cũng nhận thấy tiềm năng kinh tế của nó. Thành thử, trong vòng nhiều năm trở lại đây, các địa phương đua nhau phát triển lễ hội đến mức “lạm phát”, và danh sách lễ hội, theo đà tiến của các chiêu thức truyền thông, quảng bá, đã phủ sóng hầu khắp mọi ngõ ngách trần gian.

So với lạm phát các loại festival/carnaval đời mới, thường chủ yếu sao chép ngoại quốc mà thành, gây không ít e dè trước các màn lắc mông rung rốn, thì lễ hội được dân chúng ưu ái hơn, vì có cội gốc bản địa và đặc biệt, có thứ tâm linh không gì thay thế được. Đi lễ hội giờ đây là “ba trong một”, thưởng thức, thăm thú thì ít, nhưng cầu xin, khấn vái và ăn uống thì nhiều.

Bởi thế, lễ hội nào (nhất là các lễ hội gắn với tín ngưỡng, tôn giáo) cũng cố gắng đánh bóng, xác thực tính thiêng để hút khách thập phương. Mà dân chúng nước Nam, tự bao giờ, không cuồng tín nhưng mê tín, không sâu sắc nhưng rất mực thành tâm, sẽ chẳng quản ngại xa xôi cách trở, tham gia bằng được lễ hội mà mình đắc ý. 

Nhưng một khi bơm quá liều “doping” mê tín, dân chúng không còn giữ cho lễ hội một sự trang nghiêm, hoặc vui vẻ, an bình tối thiểu. Không kể cấp làng, ngay cả lễ hội cấp quốc gia cũng nhiều lần bát nháo, hỗn loạn. Bất chấp mọi nỗ lực giữ gìn, bảo đảm an toàn, văn minh lễ hội, cảnh tượng chen lấn, tranh đoạt, bạo lực vẫn chưa hề nguôi giảm. “Đổ máu”, từ ngữ tưởng chỉ diễn ra ở thời chiến, đã đậm đặc trong rất nhiều bài báo thể hiện cảm giác bàng hoàng, đau xót khi chứng kiến các lễ hội đôi khi chỉ tranh nhau một quả cầu hay một cái hoa tre vô thưởng vô phạt.

Lễ hội Chùa Bà - Bình Dương
Lễ hội Chùa Bà - Bình Dương mỗi năm đều thu hút một lượng lớn người dân khu vực

Ngay đến thần thánh, dẫu đã có các nhân viên bảo vệ yểm trợ, vẫn bị quần chúng lễ hội dấy lên thoán đoạt cái gọi là “lộc thánh” - thứ đến được tay chủ nhân thì nhiều khi đã nhuốm cả nước mắt lẫn sự căm phẫn của xung quanh. 

Đổ lỗi cho ban tổ chức lễ hội kém năng lực quản lý, theo tôi, là không thật sự giải quyết rốt ráo vấn đề. Tự trong bản chất, lễ hội dân gian đã hàm chứa sự ganh đua, thi thố giữa các làng xã. Truyền thống ấy, cộng với năng lượng thừa sau mỗi mùa màng, rất dễ đẩy những thường dân chân lấm tay bùn trở nên gan dạ, dũng mãnh bất thường. Và khi được tung hô bởi tư duy “làng tao là nhất”, thì trở nên hăng máu, dữ dằn, sát phạt.

Hiếu thắng và chút danh phù phiếm đã biến các trò diễn trong lễ hội thành “sới đấu” theo đúng nghĩa hơn thua. Ở thời điểm hiện tại, khi có của ăn của để, lễ hội càng là dịp để so kè và phô trương, chẳng những không thể trở lại niềm vui bình dị, thô mộc ngày xưa, mà còn chuốc lấy căng thẳng, tốn kém, nhọc nhằn. Tôi nghĩ, chỉ khi nào chủ nghĩa làng xã dần được pha loãng bởi những hành động và suy nghĩ khác, thì mới có thể tạo dựng những lễ hội hài hòa. Tôi không đặt cược vào sự thay đổi tức thì, nhưng thấy hy vọng khi các bạn trẻ bắt đầu có lễ hội của riêng mình, chẳng hạn như lễ hội hiến máu thường niên mang tên “xuân hồng“. 

Đầu xuân 2020, tưởng rằng ê hề lễ hội lại tái lặp, thì đại dịch Covid-19 xảy đến. Những ngày sau, nhiều lễ hội phải tạm hoãn. Ngừng tổ chức lễ hội, dĩ nhiên gây thiệt hại về kinh tế, nhưng là dịp để chúng ta tự nhận ra vai trò thực sự của lễ hội trong đời sống mỗi cá nhân. Lễ hội thiết yếu, nhưng chắc chắn không phải là cách thức duy nhất khiến chúng ta cố sống cố chết bám lấy. Thay vì lựa chọn cầu xin, ăn uống và vui chơi lễ hội bất chấp mọi giá, mỗi người có thể tạo cho mình một quãng nghỉ ngơi, tôn vinh cuộc sống hiện tại.

Triết gia M. Heidegger từng nói, đại ý, lễ hội đích thực là dịp khiến con người nhận thấy toàn bộ cõi sống, tôn vinh cuộc đời, sự hiện hữu tự thân. Mùa xuân thì ngắn, lễ hội thì dài, và khi trải nghiệm một mùa xuân không lễ hội như năm nay, biết đâu, chúng ta đã có những ngày xuân đẹp đẽ và đáng nhớ của đời mình. 

Mai Anh Tuấn

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI