Một tùy bút không thể đọc vội

17/02/2020 - 07:46

PNO - Đọc Về Huế, chợt nhận ra, đôi khi những điều được viết ra vẫn còn chưa đủ, để về đất Huế hôm nay mà còn cảm được “tiếng chuông Thiên Mụ từ hai trăm năm trước vẫn ngân nga mà cũng chẳng bao giờ có thật”…


Tập tùy bút Về Huế (Phanbook và nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành) của nhà văn Trần Kiêm Đoàn có chút gì man mác như mưa Huế, tỉ mẩn chăm chút và nhiều dư vị như những món ăn đặc sản xứ này. Tác giả viết bằng tâm thế của một người ly hương, bằng ký ức đã thấm sâu như “dấu phèn còn vương trên mái đầu”. Từ những cuộc chia ly trên đất Huế, cho đến khi ở bên kia đại dương, và ngày trở về đã không còn mẹ…

Cảm giác bùi ngùi, day dứt, thấm sâu như một cơn mưa dầm theo từng con chữ, chạm vào những miền rung cảm của người đọc. Đó là chuyện về nàng “Thủy Tiên Đồng Khánh” thời thiếu nữ xinh xắn với tình yêu ban sơ ngọt ngào, nhưng ngày chàng trai cũ trở về chỉ còn nhìn thấy một “mụ Bé bán bánh lá” trong cuộc mưu sinh. Là hình ảnh một người thầy “ướt đẫm trong cơn mưa mùa đông” cố thay vỏ bánh xe lam khi chở khách từ Huế về Bao Vinh, và trong tình huống khóc cười ấy lại gặp học trò cũ. “Thầy ơi! Răng thầy tội rứa!” - câu nói của học trò vô tình nghe như một lời than buồn đã chìm sâu vào đáy tim của người lỡ vận. 

“Huế đối với tôi như một bà mẹ quê. Mẹ tôi tuổi chín mươi, da mồi tóc bạc, là Huế, là một phần linh hồn của tổ quốc tôi” - nhà văn tự sự. Vì thế, tập tùy bút viết Về Huế như dành cho vùng đất này sự kính trọng, yêu thương, nhớ nhung và cả niềm biết ơn. Tác giả dành phần nhiều thời lượng sách để viết về những món ăn. Từ mắm ruốc đến chè Huế, từ cơm hến đến cơm âm phủ; góc nhìn từ máy bay cho đến thấu vào “tâm Huế”. Một khuôn mặt “o Huế”, chén chè sen tịnh, một cơn mưa, một dòng sông, một chuyến đò…

Những điều tưởng chừng nhỏ bé, giản dị, lại được khai mở đến tận cùng ý nghĩa, để nâng mọi thứ lên thành tâm niệm, cung cách sống của người xứ Huế qua những trang viết. Tìm trong Huế xưa hình ảnh của chuyến đò từ bến Thừa Phủ xuôi qua điện Hòn Chén, trong đêm cầm thi là những giai thoại về sự hiển linh của bà chúa Liễu Hạnh, của Thiên Mụ Tự… “Tác giả đã viết về Huế bằng nước mắt của mình, mải mê với Huế bằng một tấm lòng trân trọng. Nghiêm túc, cẩn mật, tôn kính, gần như là sùng bái, đi đến tận cùng sự vật và sự việc, cho dù nó có nhỏ bé đến đâu” - giáo sư - tiến sĩ Thái Kim Lan nhận định. 

Hiểu một vùng đất là có thể nhìn thấy được cái hồn của nơi ấy qua những món ăn, những phong vị, ứng xử, văn hóa, lịch sử… Đọc Về Huế, chợt nhận ra, đôi khi những điều được viết ra vẫn còn chưa đủ, để về đất Huế hôm nay mà còn cảm được “tiếng chuông Thiên Mụ từ hai trăm năm trước vẫn ngân nga mà cũng chẳng bao giờ có thật”… 

Lục Diệp

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI