Nhìn nhận khách quan về Ethylene Oxide để doanh nghiệp khỏi khổ và người dân không hoang mang

04/09/2021 - 12:38

PNO - Liên quan đến việc các sản phẩm mì gói ăn liền xuất khẩu của Việt Nam vừa bị một số nước của Liên minh châu Âu (EU) thu hồi do có chứa Ethylene Oxide, vi phạm chỉ thị số 91/414/EEC của EU, tôi thiết nghĩ cần phải có cái nhìn thật sự khách quan về vấn đề này.

Nói Ethylene Oxide là chất cấm, thuốc trừ sâu là hoàn toàn không chính xác

Có thể nhiều người không để ý tới Ethylene Oxide, nhưng nó được sử dụng khá rộng rãi trong khử khuẩn thực phẩm, dệt may, thuốc. Ngay như chiếc khẩu trang chúng ta sử dụng hằng ngày, ngay bao bì bên ngoài, có thể đọc được dòng chữ khử khuẩn bằng Ethylene Oxide. Trong thuốc trừ sâu cũng có chứa một lượng Ethylene Oxide, nhưng như thế không có nghĩa Ethylene Oxide là thuốc trừ sâu. Như vậy, việc nói Ethylene Oxide là chất cấm là hoàn toàn không chính xác. Bởi nếu là chất cấm thì người ta đã không qui định mức tồn dư tối đa, tức mặc định cho phép sử dụng nhưng phải tuân theo định mức.

Không lý do gì để dùng Ethylene Oxide khi làm mì gói

Theo chia sẻ của bà Kim Chi (Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM): “Ethylen Oxide có khả năng khử khuẩn salmonella (gây tiêu chảy, thương hàn) tuyệt hảo, nên được dùng diệt khuẩn trong các loại gia vị như bột tiêu, bột nghệ, các gói gia vị hỗn hợp… hoặc các loại bánh có hạt. Do vậy, một số sản phẩm mì ăn liền của các công ty tại Việt Nam hay kể cả sản phẩm của Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… xuất khẩu đi châu Âu bị cảnh báo có Ethylene Oxide, bị buộc thu hồi có khả năng là tồn dư trong nguyên liệu có nguồn gốc từ nông sản vì như đã nói, Ethylene Oxide dùng diệt khuẩn, nấm mốc trong các loại gia vị, rau củ”.

Bà Kim Chi nhận định thêm: “Đặc biệt, trong quy trình sản xuất mì ăn liền, có một bước rất quan trọng là công đoạn chiên để làm khô sợi mì và chiên bằng dầu thì nhiệt độ sẽ tăng lên hơn 150 độ C, làm các vi sinh vật, nấm... đều bị tiêu diệt. Doanh nghiệp không có lý do gì để sử dụng chất Ethylene Oxide vào khử khuẩn”.

Thực tế, mỗi quốc gia đều có những quy định về hàm lượng và cho phép sử dụng chất Ethylene Oxide rất khác nhau 

Hiện nay, các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm chưa có quyết nghị chung liên quan tới dư lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm. Nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng Ethylene Oxide trong nông nghiệp/thực phẩm hay dư lượng của chất này. Một số ít quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định nhưng với cơ sở và ngưỡng giới hạn có sự chênh lệch lớn.

Chẳng hạn, đến nay hầu hết các quốc gia tại châu Á như: Ấn Độ, Trung Quốc… trong đó Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng cho phép trong thực phẩm. Với châu Âu từ năm 2005, EU đưa ra định nghĩa tại Regulation (EC) 396/2005 về dư lượng chung cho hai thành phần: “Tổng của Etylen Oxit và 2-cloroetanol được biểu thị dưới dạng Ethylene Oxide” và chỉ cho phép từ 0,02 - 0,1mg/kg; nhưng Hoa Kỳ cho phép hàm lượng Ethylene Oxide trong rau khô, hạt khô và hạt có dầu là 7mg/kg, riêng với óc chó là 50mg/kg; Canada ngưỡng này cũng là 7mg/kg đối với gia vị và rau sấy. 

Việc mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra quy định khác nhau phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia/khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng…

Vì vậy, mức giới hạn dư lượng EO cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác nên “thu hồi ở quốc gia này không có nghĩa là không được sử dụng ở quốc gia khác chiếu theo tỉ lệ hàm lượng mà từng nước quy định”.

Trên cơ sở đó, việc cho rằng sử dụng thực phẩm có chứa hàm lượng nhỏ chất này sẽ gây ra ung thư như nhiều người vẫn lầm tưởng là không đúng. Theo bà Kim Chi cho biết nếu người tiêu dùng ăn mì sống, thì trung bình một người phải ăn 5 gói/ngày trong suốt cả cuộc đời, thì trong 1 triệu người sẽ có 10 người bị ung thư.

Như vậy, từ quan điểm bà Kim Chi cho rằng, việc đồng nhất EO với thuốc trừ sâu, chất cấm rồi nhấn mạnh vào chuyện gây ung thư là chưa đầy đủ cơ sở. Người dân cần bình tĩnh, nhận định thông tin rõ ràng, chính xác để yên tâm sử dụng, tránh thêm sự lo lắng không cần thiết, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay.

Bà Kim Chi nói thêm: “Do đó, với những trường hợp vừa phát sinh của Công ty cổ phần Acecook hay của Công ty cổ phần Thiên Hương, theo tôi nghĩ các doanh nghiệp cần kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào, cũng như luôn cập nhật mọi thông tin, quy định mới từ thị trường các nước châu Âu trước khi sản xuất để việc xuất khẩu không xảy ra những sự cố đáng tiếc như trên, vì đây là thị trường rất khắt khe, luôn có những quy định mới, đòi hỏi nhà sản xuất phải nắm bắt kịp thời.

Trong giai đoạn dịch bệnh ảnh hưởng trên toàn mặt của xã hội, nhất là về kinh tế, các doanh nghiệp đang phải gồng mình sản xuất để vừa cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân, vừa thực hiện "3 tại chỗ", đảm bảo an toàn và điều kiện ăn ở cho công nhân. Chúng ta cũng đừng tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp để họ an tâm sản xuất, phục vụ thực phẩm cho người dân”. 

Minh Thi

Nguồn: H.N

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI