Nhiều sai phạm tại Trung tâm Khuyến nông TPHCM

04/07/2022 - 06:14

PNO - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM vừa thông báo kết quả xác minh một số sai phạm của Trung tâm Khuyến nông TPHCM. Những dấu hiệu bất thường trong việc thực hiện các mô hình thử nghiệm, đề án khuyến nông của trung tâm này đã được Báo Phụ Nữ TPHCM phản ánh trong loạt bài Những mô hình khuyến nông “trời ơi” hồi đầu tháng 12/2021.

Hỗ trợ không đúng quy định

Ông Võ Ngọc Đẹp - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông (TTKN) TPHCM - cho biết ông vừa được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TPHCM thông báo kết quả xác minh việc thực hiện mô hình khuyến nông thủy sản năm 2019 của trung tâm này. 

Trước đó, năm 2019, dựa vào Quyết định số 48/2012/QĐ-UBND ngày 15/10/2012 của UBND TPHCM, TTKN TPHCM đã thực hiện tám mô hình thử nghiệm tại các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi và quận 9 (nay là TP.Thủ Đức) bằng ngân sách Nhà nước hơn 430 triệu đồng thông qua việc hỗ trợ người dân 100% giống, vật tư thiết yếu. Trong 8 mô hình thử nghiệm nêu trên, có 2 mô hình thử nghiệm nuôi cua hai giai đoạn bằng con giống sinh sản nhân tạo tại hai huyện Cần Giờ, Nhà Bè và mô hình thử nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn tại H.Nhà Bè.

Tuy nhiên, thời điểm triển khai các mô hình thử nghiệm, Quyết định số 48/2012/QĐ-UBND đã hết hiệu lực pháp lý. Văn bản có hiệu lực pháp lý thời điểm đó là Nghị định 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/5/2018 về khuyến nông, trong đó quy định mức hỗ trợ tối đa cho các mô hình trình diễn khuyến nông là 50% chi phí về giống, vật tư thiết yếu, hoàn toàn không đề cập đến mô hình thử nghiệm. 

Đến tháng 4/2020, ông Phạm Lâm Chính Văn - Giám đốc TTKN TPHCM - mới có văn bản thông báo về việc “khắc phục đối với nội dung thực hiện các mô hình khuyến nông năm 2019”. Sau đó, ông và các cán bộ khuyến nông đã đến nhà các hộ dân thực hiện mô hình “nuôi cua hai giai đoạn” ở huyện Cần Giờ, Nhà Bè vận động người dân trả lại 50% kinh phí đã hỗ trợ.

Qua xác minh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM kết luận: Mô hình nuôi cua hai giai đoạn tại nhà bà Đ.T.C. kém hiệu quả, ảnh hưởng đến môi trường. Điều này khác với báo cáo trước đó của Trung tâm Khuyến nông TP.HCM
Qua xác minh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM kết luận: Mô hình nuôi cua hai giai đoạn tại nhà bà Đ.T.C. kém hiệu quả, ảnh hưởng đến môi trường. Điều này khác với báo cáo trước đó của Trung tâm Khuyến nông TPHCM

Trong một báo cáo giải trình vào tháng 5/2022, ông Phạm Lâm Chính Văn cho rằng, năm 2019, trung tâm bắt đầu triển khai các mô hình theo dự toán được phê duyệt nhưng do Nghị định 83/2018/NĐ-CP quy định “mô hình trình diễn ở địa bàn đồng bằng được hỗ trợ tối đa 50% chi phí về giống, vật tư thiết yếu” nên trung tâm đã điều chỉnh các mô hình thử nghiệm thành mô hình trình diễn và mức kinh phí hỗ trợ giống, vật tư thiết yếu là 50% để phù hợp với Nghị định 83/2018/NĐ-CP. 

Tuy nhiên, báo cáo này chưa phù hợp với diễn tiến việc triển khai các mô hình thử nghiệm năm 2019 bởi đến ngày 19/10/2021, HĐND TPHCM mới quy định nội dung chi, mức hỗ trợ khuyến nông và ngày 26/1/2021, HĐND TPHCM mới ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về khuyến nông trên địa bàn TPHCM.

Theo kết luận của Sở NN-PTNT TPHCM, TTKN TPHCM triển khai thực hiện mô hình nuôi cua hai giai đoạn bằng con giống sinh sản nhân tạo ở huyện Cần Giờ, Nhà Bè không đúng quy định về tỷ lệ hỗ trợ tối đa chi phí giống, vật tư, thiết bị. Ngoài ra, kết quả xác minh của sở tại hộ bà Đ.T.C. (xã Lý Nhơn, H.Cần Giờ) thể hiện: “Mật độ cua giống quá dày dẫn đến việc cua ăn thịt lẫn nhau; tỷ lệ cua sống ít, mô hình nuôi cua có lời nhưng ít, kém hiệu quả do phần hỗ trợ thức ăn cho cua quá ít, ảnh hưởng đến môi trường”. 

Trước thời điểm Báo Phụ Nữ TP.HCM đăng loạt bài Những mô hình khuyến nông “trời ơi”, TTKN TPHCM lại báo cáo với Sở NN-PTNT rằng, mô hình nuôi cua hai giai đoạn được thực hiện tại nhà bà C. với tỷ lệ cua sống trong giai đoạn 1 là 80%, giai đoạn 2 là 35 - 40%, nâng cao tỷ lệ cua sống so với mô hình truyền thống trước đây, giúp đạt sản lượng cao.

Theo TTKN TPHCM, từ kết quả các mô hình nêu trên, Sở NN-PTNT TPHCM đã tham mưu UBND TPHCM ra Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND ngày 26/1/2021 ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về khuyến nông trên địa bàn thành phố.

Bàn giao máy móc tùy tiện

Cũng vào năm 2019, TTKN TPHCM thực hiện đề án nâng cao chất lượng đàn bò sữa. Trong đề án này, có gói thầu “cung cấp thiết bị cơ giới hóa thuộc lĩnh vực chăn nuôi” với tổng giá trị hơn 3,1 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% chi phí, nông dân đối ứng 50%. 

Gói thầu này cung cấp 90 máy vắt sữa, 156 bình nhôm chứa sữa, 5 máy băm thái cỏ có trục cuốn, 5 máy băm thái bỏ có vòi phun, 25 máy cắt cỏ cầm tay, 4 máy trộn thức ăn, 10 máy làm mát chuồng trại, 10 máy phun thuốc sát trùng chuồng trại. Tuy nhiên, qua xác minh, Sở NN-PTNT phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến việc hỗ trợ máy băm thái cỏ. 

Máy băm thái cỏ do Trung tâm Khuyến nông TP.HCM hỗ trợ cho người dân thường xuyên bị hư hỏng
Máy băm thái cỏ do Trung tâm Khuyến nông TPHCM hỗ trợ cho người dân thường xuyên bị hư hỏng

Cụ thể, trong quá trình tham mưu lập hồ sơ mời thầu, tổ chuyên gia đã không tổ chức khảo sát thực tế nhu cầu sử dụng của hộ dân nên đã đề xuất thông số kỹ thuật máy băm thái cỏ với chi tiết không rõ ràng, không phù hợp thực tế. Khi phát hiện thiếu sót về thông số kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu, bộ phận chuyên môn đã không báo cáo, đề xuất giải pháp để lãnh đạo trung tâm điều chỉnh. 

Kiểm điểm nhiều cán bộ khuyến nông 

Liên quan đến những sai phạm của TTKN TPHCM, mới đây, Sở NN-PTNT TPHCM đã giao Giám đốc TTKN TPHCM kiểm điểm đối với cá nhân, tập thể có liên quan đến những sai phạm của đơn vị trong việc thực hiện các mô hình, đề án khuyến nông năm 2019. Theo kế hoạch của TTKN TPHCM, sẽ có khoảng 25 cán bộ nằm trong danh sách bị tổ chức kiểm điểm. Trước đó, vào cuối năm 2021, có 21 cán bộ đã bị Giám đốc TTKN TPHCM ký thông báo kiểm điểm, phê bình trước tập thể. 

Lãnh đạo trung tâm đã chậm trễ trong việc chỉ đạo điều chỉnh thông số kỹ thuật cho phù hợp nhu cầu thực tiễn của người dân. Người dân nhận hỗ trợ bức xúc về việc khắc phục sự cố hư hỏng. Việc tiếp nhận bàn giao và nghiệm thu sản phẩm giữa nhà thầu và TTKN TPHCM thiếu chặt chẽ, không đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định về nghiệm thu, bàn giao. Máy băm thái cỏ có trục cuốn khác biệt hoàn toàn với tiêu chí kỹ thuật và hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, các thành viên tổ nghiệm thu đợt 1 và một số thành viên tổ nghiệm thu đợt 2 vẫn đánh giá đạt yêu cầu.

Cũng theo Sở NN-PTNT TPHCM, trong công tác thanh quyết toán gói thầu liên quan đến máy băm thái cỏ, bộ phận kế toán và kế toán trưởng TTKN TPHCM kiểm tra hồ sơ chưa chặt chẽ, hồ sơ thanh quyết toán chưa đầy đủ chữ ký nhưng vẫn đề xuất thủ trưởng ký thanh toán. (Theo tìm hiểu của chúng tôi, hồ sơ thanh quyết toán máy băm thái cỏ chưa có chữ ký của người phụ trách đề án nhưng giám đốc TTKN TPHCM vẫn ký thanh lý hợp đồng).

Sở NN-PTNT TPHCM cũng kết luận, Giám đốc TTKN TPHCM Phạm Lâm Chính Văn ký biên bản nghiệm thu thanh toán đợt 2 ghi ngày 14/11/2019 là không đúng bởi lúc này, ông đang có chuyến công tác ở Israel. 

Chưa thể quyết toán cho các mô hình khuyến nông năm 2019

Mới đây, ông Phạm Lâm Chính Văn lại tiếp tục gửi văn bản đến Sở NN-PTNT TPHCM kiến nghị xem xét quyết toán ngân sách đối với một số mô hình và máy băm thái cỏ đã hỗ trợ nông dân năm 2019. Số tiền cần quyết toán là trên 440 triệu đồng. 

Trước đó, TTKN TPHCM đã nhiều lần kiến nghị duyệt quyết toán ngân sách nhà nước cho bảy mô hình thử nghiệm mà đơn vị này đã thực hiện từ năm 2019 nhưng đến nay, Sở NN-PTNT vẫn chưa phê duyệt do cơ sở pháp lý để triển khai mô hình khuyến nông, do sai phạm trong việc chi hỗ trợ, do máy băm thái cỏ bàn giao cho người dân không đúng hợp đồng đã ký kết.

Hiện Sở NN-PTNT TPHCM đã giao Phòng Kế hoạch - Tài chính của sở hướng dẫn TTKN TPHCM thực hiện các biện pháp khắc phục về tài chính theo Luật Ngân sách nhà nước đối với những sai phạm trong việc triển khai các mô hình khuyến nông và sai phạm liên quan đến việc mua sắm, bàn giao các máy băm thái cỏ.

Nhóm phóng viên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI