Những mô hình khuyến nông “trời ơi” - Bài 2: Hỗ trợ máy móc tùy tiện, nông dân chịu thiệt

09/12/2021 - 06:21

PNO - Trung tâm Khuyến nông TPHCM chuyển giao nhiều máy móc, thiết bị cho các hộ chăn nuôi bò sữa với 50% kinh phí từ ngân sách nhà nước, 50% do hộ chăn nuôi đầu tư nhưng số máy móc này lại không đúng công suất, hoạt động kém hiệu quả…

Ông G. nuôi ít bò nhưng khi giao máy băm thái cỏ, Trung tâm Khuyến nông TPHCM lại giao máy có công suất lớn. Ngược lại, ông T. nuôi nhiều bò, trung tâm này giao máy có công suất nhỏ, lại hư lên hư xuống. Theo ông T., máy này còn tệ hơn máy do nông dân tự chế. 

Bò ít, cấp máy to; bò nhiều, giao máy nhỏ

Mấy tháng qua, ông L.V.G. - nông dân có trên 20 năm nuôi bò sữa ở ấp 2, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn - phải lần lượt bán bớt đàn bò sữa của mình. Gặp chúng tôi, ông G. chia sẻ: “Bây giờ, nuôi bò sữa không lời. Trước đây, Nhà nước hỗ trợ thuốc thú y, năm nay không hỗ trợ nữa, trong khi thức ăn cho bò lên giá quá cao”.

Theo ông G., năm 2019, ông được Trung tâm Khuyến nông TPHCM hỗ trợ máy băm thái cỏ có vòi phun, trị giá trên 25 triệu đồng. Trong đó, gia đình ông G. phải bỏ ra gần 13 triệu đồng, số còn lại do trung tâm hỗ trợ bằng nguồn kinh phí nhà nước. Trước khi giao máy, gia đình ông G. không được trực tiếp xem mẫu mã, kết cấu máy nên không biết máy này hoạt động như thế nào.

“Họ kêu đăng ký thì tôi đăng ký thôi. Cái máy tôi đặt tới 25 triệu đồng lận, nhưng nhu cầu thì không tới mức đó. Lẽ ra tôi phải mua máy nhỏ hơn, đúng nhu cầu sử dụng hơn, giá tiền thấp hơn, chứ máy này mình xài không hết công suất, rất phí. Nếu cho khảo sát bài bản, bà con sẽ mua máy đúng nhu cầu, đỡ tốn tiền của nông dân và Nhà nước” - ông G. nói. Năm ngoái, khi máy đang vận hành thì đứt dây cu-roa, ông G. tắt máy để sửa nhưng do máy còn trớn nên đã cuốn đứt ngón tay ông, phải tháo khớp ngón tay cái và một đốt ngón tay khác, khiến sức khỏe ông sa sút. 

Trái ngược với trường hợp ông G., ông N.V.T. (ấp Trại Đèn, xã Phước Hiệp, H.Củ Chi) có đàn bò rất đông con nhưng lại được hỗ trợ máy băm thái cỏ công suất nhỏ. Ông T. lắc đầu: “Tôi có biết gì đâu. Phải chi trước khi mua, họ cho mình coi máy, coi công suất đàng hoàng. Đằng này, mấy ổng nói ngang là máy này được lắm, tôi cũng đặt ngang luôn”.

Chiếc máy băm thái cỏ mà ông T. đặt mua có giá hơn 18 triệu đồng. Trong đó, ông T. phải trả chi phí 50%, Nhà nước hỗ trợ 50%. Theo ông T., từ khi nhận và sử dụng, máy thường xuyên bị hư hỏng do bị lỗi quấn cỏ, bể bạc đạn. Lúc mới mua về, ông T. đã phải tự bỏ tiền túi ra thay mô-tơ vì vừa xài đã hỏng. Hiện tại, ông T. vẫn đang giữ máy lại nhưng chỉ để băm cỏ cho mười con bò sữa nhỏ, trong khi đàn bò của ông có đến 30-40 con.

Ông T. nuôi nhiều bò nhưng chỉ được cấp máy cắt cỏ nhỏ, lại thường xuyên bị hỏng
Ông T. nuôi nhiều bò nhưng chỉ được cấp máy cắt cỏ nhỏ, lại thường xuyên bị hỏng

“Nói nào ngay, máy này thua máy do nông dân họ tự làm bên ngoài, nhưng giá lại đắt hơn. Phải chi lúc đó, bên khuyến nông cho nông dân khảo sát máy đàng hoàng thì đâu có như vậy” - ông T. nói.

Nhiều bất thường, sai phạm

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông TPHCM, năm 2019, đơn vị đã thực hiện đề án nâng cao chất lượng đàn bò sữa. Trong đề án này, có gói thầu “Cung cấp thiết bị cơ giới hóa thuộc lĩnh vực chăn nuôi”. Tổng giá trị gói thầu là hơn 3,1 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% chi phí, nông dân đối ứng 50%. Gói thầu này cung cấp 90 máy vắt sữa, 156 bình nhôm chứa sữa, năm máy băm thái cỏ có trục cuốn, năm máy băm thái bỏ có vòi phun, 25 máy cắt cỏ cầm tay, bốn máy trộn thức ăn, mười máy làm mát chuồng trại, mười máy phun thuốc sát trùng chuồng trại. Có ba nhà thầu đã trúng gói thầu này.

Khi tìm hiểu về việc triển khai hỗ trợ ba máy băm thái cỏ có vòi phun và hai máy băm thái cỏ trục cuốn được giao cho các hộ chăn nuôi bò sữa ở huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi, chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm bất thường. Nhà thầu cung cấp năm máy băm thái cỏ trên là Công ty N.T., tổng trị giá của năm máy hơn 114 triệu đồng. Ngày 14/11/2019, ông Phạm Lâm Chính Văn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM - đã đại diện trung tâm ký biên bản nghiệm thu và thanh toán đợt hai với Công ty N.T. hơn 70 triệu đồng. 

Tuy nhiên, theo tài liệu mà chúng tôi có được, từ ngày 9 - 17/11/2019, ông Phạm Lâm Chính Văn được UBND TPHCM cử đi dự khóa bồi dưỡng nông nghiệp công nghệ cao tại Israel nên đã ủy quyền cho phó giám đốc trung tâm chỉ đạo điều hành, quản lý và giải quyết công việc tại trung tâm. Không hiểu sao, đang ở Israel, ủy quyền cho người khác giải quyết công việc mà ông vẫn có thể ký biên bản nghiệm thu và thanh toán với nhà thầu.

Khi đối chiếu vào biên bản nghiệm thu các máy băm thái cỏ, chúng tôi nhận thấy, hồ sơ nghiệm thu không có chữ ký của đại diện tổ chuyên gia và người dân nhưng ngày 24/12/2019, ông Phạm Lâm Chính Văn vẫn đại diện Trung tâm Khuyến nông TPHCM ký biên bản thanh lý hợp đồng với nhà thầu. Sau khi thanh lý hợp đồng nhiều tháng, đến tháng 5/2020, ông mới chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra về hai chủng loại máy băm thái cỏ tại năm hộ dân. Theo báo cáo của đoàn kiểm tra, cả máy băm thái cỏ có trục cuốn lẫn máy băm thái cỏ có vòi phun đã giao năm 2019 đều không đúng với hồ sơ dự thầu, hồ sơ trúng thầu của Công ty N.T.

Như vậy, Trung tâm Khuyến nông TPHCM đã làm theo quy trình ngược. Lẽ ra, trước khi ký biên bản thanh lý hợp đồng với nhà thầu, trung tâm phải kiểm tra kỹ hồ sơ nghiệm thu, đằng này lại kiểm tra sau khi đã thanh lý hợp đồng. Trả lời phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM về vấn đề này, ông Phạm Lâm Chính Văn cho rằng, có sự sai sót trong tham mưu nên máy cung cấp cho người dân không hiệu quả và thông số kỹ thuật không phù hợp. Khi phát hiện điểm không phù hợp, tổ chuyên gia thực hiện đề án này phải báo cáo ngay để ban giám đốc trung tâm có hướng xử lý, nhưng tổ chuyên gia đã không báo cáo kịp thời.

Ông Phạm Lâm Chính Văn xác nhận, trong hồ sơ nghiệm thu, thiếu chữ ký của một số thành phần, đặc biệt là của tổ trưởng tổ chuyên gia, nhưng do sơ suất nên ông vẫn ký nghiệm thu: “Sau khi phát hiện ra, tôi có báo cáo sở (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM), mời nhà thầu đến các hộ dân kiểm tra, máy nào điều chỉnh được, phù hợp với nhu cầu người dân thì điều chỉnh. Có hai máy không khắc phục được thì đã lập biên bản, thu hồi tiền trả về cho ngân sách nhà nước”.

Được biết, đối với hai máy băm thái cỏ không đạt yêu cầu, cán bộ liên quan phải tự bỏ tiền túi ra hoàn trả cho ngân sách nhà nước hơn 18 triệu đồng. Còn những hộ dân đã bỏ ra 50% chi phí để mua chiếc máy được đánh giá “không đạt yêu cầu” vẫn đang phải dùng máy này và không được hoàn trả phí. 

Tổ chuyên gia báo cáo gì?

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Phạm Lâm Chính Văn có đề cập đến trách nhiệm của tổ chuyên gia trong việc tham mưu cho ban giám đốc trung tâm. Tuy nhiên, theo báo cáo của tổ chuyên gia, các thành viên của tổ đã thực hiện đúng theo chỉ đạo của Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM. Quá trình đấu thầu đã diễn ra đúng theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn liên quan, nhưng khi giao sản phẩm cho các hộ dân tham gia đề án, Công ty N.T. đã giao máy móc không đúng hồ sơ trúng thầu và không lập biên bản giao nhận với các hộ dân. 

Một thành viên trong tổ chuyên gia cho biết, khi phát hiện nhà thầu giao hai loại máy băm thái cỏ không đúng hồ sơ thầu, đại diện tổ chuyên gia đã báo cáo việc này với giám đốc trung tâm. Thời gian qua, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM đã tổ chức rất nhiều cuộc họp liên quan đến vấn đề này, nhưng đại diện tổ chuyên gia vẫn giữ quan điểm xuyên suốt là “yêu cầu nhà thầu thu hồi năm máy băm thái cỏ đã giao không đúng hồ sơ thầu và giao lại máy mới đúng hồ sơ thầu”. 

Thành viên của tổ chuyên gia cũng cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm trong việc ký biên bản nghiệm thu và thanh toán khi mà hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ. Trong hồ sơ nghiệm thu, không có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên gia nhưng giám đốc trung tâm vẫn ký biên bản thanh lý hợp đồng là không đúng quy định.

Nhóm phóng viên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI