Nhiều "kịch bản" giúp học sinh khối 10... đổi môn, đổi lớp

16/10/2022 - 13:07

PNO - Để giải quyết nguyện vọng chuyển đổi nhóm môn học lựa chọn của học sinh khối 10 theo Chương trình GDPT 2018, các trường THPT ở TPHCM đã xây dựng nhiều kịch bản khác nhau.

Mỗi trường mỗi khác

Tại Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5), có hai thời điểm học sinh khối 10 được phép chuyển đổi nhóm môn học lựa chọn: giữa học kỳ I và kết thúc năm học.

Trường THPT Trần Khai Nguyên xây dựng 2 kịch bản thời gian để học sinh chuyển đổi môn học
Trường THPT Trần Khai Nguyên xây dựng hai kịch bản thời gian để học sinh chuyển đổi môn học

Về lý do, thầy Ngô Hùng Cường - Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên - cho hay, vì vào giữa học kỳ I học sinh đã có khoảng thời gian học tập, tìm hiểu, trải nghiệm về môn học, đủ để nhận ra mình có phù hợp hay không. Khi thực hiện chuyển đổi môn học vào thời gian này kiến thức môn học cũng không quá nặng nề, học sinh dễ dàng theo kịp.

Riêng thời điểm kết thúc năm học, kết quả học tập cả năm học, học sinh, gia đình và nhà trường sẽ cơ bản đánh giá được năng lực học tập của các em trước khi chuyển đổi. Đây cũng là thời điểm học sinh có khoảng thời gian hè để bồi dưỡng, ôn tập kiến thức môn học ở nhóm tổ hợp mới.

"Ở tất cả các môn học trong các nhóm môn học lựa chọn, giáo viên đều biên soạn và đưa tài liệu lên hệ thống LMS của trường. Học sinh nào có nguyện vọng chuyển đổi sẽ tự ôn tập kiến thức môn học trên hệ thống. Đến thời điểm này, cũng có một vài trường hợp học sinh đề cập đến chuyện thay đổi nguyện vọng.

Trước hết, trường làm việc trực tiếp với học sinh, phụ huynh lắng nghe tâm tư nguyện vọng, phân tích về mọi mặt. Để được chuyển đổi, ngoài việc học sinh đáp ứng được chuẩn kiến thức, kỹ năng của tổ hợp môn lựa chọn chuyển đến thì lớp học chuyển đến sĩ số phải không quá 48 học sinh mới đủ điều kiện tiếp nhận" - thầy Ngô Hùng Cường thông tin.

Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) chọn thời điểm lý tưởng nhất để học sinh chuyển đổi nguyện vọng môn học là vào giữa tháng 10 của năm học. Thầy Tô Lâm Viễn Khoa - Phó hiệu trưởng - cho biết, thời điểm này học sinh bắt đầu vào chương trình học, kiến thức môn học cũng chưa quá "nặng", do đó nếu thay đổi các em cũng sẽ dễ dàng bắt kịp các bạn, không bị mất bài, đủ các cột điểm kiểm tra, đánh giá.

"Nếu kết thúc năm học mà học sinh đổi nguyện vọng môn lựa chọn thì sẽ là khó khăn rất lớn đối với cả học sinh và nhà trường. Bởi thời điểm đó khi đổi môn, học sinh sẽ bị "hổng" rất lớn về kiến thức, các điểm số trong suốt một năm học trước đó ở các môn học sẽ chuyển đổi. 

Nếu học sinh có nguyện vọng thay đổi môn học lựa chọn khi kết thúc năm học thì có thể nhà trường sẽ phải tính toán đến phương án cho các em học thêm một học kỳ hè có thu phí thỏa thuận với phụ huynh hoặc sẽ có một bài kiểm tra xem học sinh có đáp ứng được kiến thức hay không, hoặc là một phương án nào đó phù hợp" - thầy Tô Lâm Viễn Khoa nói.

Mặc dù vậy, thầy phó hiệu trưởng này cho rằng khi học sinh có nguyện vọng thay đổi từ môn học này sang môn học khác thì còn phải tùy vào khả năng tiếp nhận của nhà trường trong môn học đó để có thể giải quyết nguyện vọng hay không. 

Không đơn giản là... không thích thì chuyển

Việc chuyển đổi môn học sẽ tác động đến quá trình học tập, tâm lý học sinh
Việc chuyển đổi môn học sẽ tác động đến quá trình học tập, tâm lý học sinh

Thầy Nguyễn Minh - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - chia sẻ, việc chuyển đổi lớp học lựa chọn cho học sinh khối 10 năm học 2022-2023 được nhà trường dự kiến thực hiện khi kết thúc năm học. 

Sau khi hoàn thành năm học lớp 10, học sinh nào có nguyện vọng chuyển lớp sẽ làm đơn, nhà trường sẽ mời phụ huynh, học sinh đến để tư vấn, nói chuyện về những vấn đề liên quan đến việc chuyển lớp lựa chọn. Nếu bản thân học sinh, gia đình vẫn có mong muốn chuyển lớp thì nhà trường cung cấp cho tài liệu ôn tập ở các môn học liên quan đến nhóm các môn lựa chọn và phân công giáo viên bộ môn hướng dẫn.

Học sinh sẽ sử dụng thời gian hè để ôn tập với sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn và thực hiện bài kiểm tra trước khi xếp lớp mới. Bài kiểm tra có ma trận, kiến thức tương đương như bài kiểm tra cuối học kỳ II ở môn học. Nếu đạt yêu cầu, học sinh mới được xếp lớp mới.

"Khác với chương trình hiện hành, ở Chương trình GDPT 2018 với mục tiêu định hướng nghề nghiệp, nên khi lựa chọn nhóm môn học lựa chọn nào thì học sinh sẽ phải theo nhóm môn học đó trong suốt ba năm THPT. Việc chuyển đổi lớp học tương đương với chuyển nhóm môn lựa chọn không chỉ đơn thuần là... cảm thấy không hợp thì chuyển lớp, mà việc chuyển đổi này còn kéo theo rất nhiều yếu tố liên quan đến kiểm tra, đánh giá ở môn học, đảm bảo rằng học sinh có đủ năng lực để theo học môn học đó, tác động đến việc lựa chọn ngành nghề sau này", thầy Nguyễn Minh phân tích.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở GD-ĐT...

Việc thay đổi nguyện vọng học môn lựa chọn của học sinh sẽ do hiệu trưởng nhà trường quyết định. Tuy nhiên, từng trường sẽ có kế hoạch tổ chức giảng dạy, xây dựng cơ cấu lớp, quy định sĩ số lớp, phân công giáo viên, cơ sở vật chất... nên sẽ có những hướng dẫn cụ thể, đảm bảo có thể đáp ứng được nguyện vọng của học sinh hay không. 

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 bậc THPT là định hướng nghề nghiệp cho học sinh nên việc lựa chọn hướng nghề nghiệp để lựa chọn các môn tương ứng rất quan trọng. Việc thay đổi trong quá trình học sẽ ảnh hưởng đến cá nhân học sinh như: thời gian bổ sung kiến thức, tâm lý, sự hòa nhập trong môi trường học tập khi thay đổi. Do vậy, học sinh, phụ huynh phải hết sức cân nhắc, nhà trường cần theo dõi, nắm bắt thường xuyên để kịp thời hóa giải những áp lực trong học tập của học sinh.

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI