Nhiều công nhân bị lừa mua đất không chính chủ

28/12/2020 - 07:07

PNO - Hàng chục công nhân, lao động nghèo lâm cảnh trắng tay khi mua đất từ một số đối tượng ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM. Các đối tượng này đã làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lừa người dân mua đất không chính chủ bằng giấy tay, tạo lòng tin bằng hình thức lập vi bằng về việc giao nhận tiền.

Tan giấc mơ an cư

Tháng 10/2017, một phụ nữ tên Văn Thị Kim Phượng - ở ấp 6, xã Vĩnh Lộc A - rao bán nhiều nền đất giá rẻ. Người dân đến Công ty Bất động sản Đại Dương Phát (đường Vĩnh Lộc, ấp 1, xã Vĩnh Lộc A, do bà Võ Thị Dương làm giám đốc) đều được giới thiệu đến gặp bà Phượng để mua đất. Trong số này, có vợ chồng chị Phan Thị Thu Dung - sinh năm 1983, trú tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TPHCM.

Vài năm gần đây, tình trạng phân lô, bán nền trá i phé p tại xã Vĩnh Lộc A đã khiến nhiều người lâm cảnh trắng tay
Vài năm gần đây, tình trạng phân lô, bán nền trái phép tại xã Vĩnh Lộc A đã khiến nhiều người lâm cảnh trắng tay

Chị Dung kể, vợ chồng chị từ Quảng Ngãi vào TPHCM làm công nhân đã nhiều năm, rất khát khao có được căn nhà thay vì phải thuê nhà trọ. Tháng 10/2017, khi đã tích cóp được một số tiền kha khá, chị đến Công ty Bất động sản Đại Dương Phát và được giới thiệu một miếng đất ở ấp 1, xã Vĩnh Lộc A, là một phần của thửa đất 609, tờ bản đồ số 83.

Theo giấy tờ do bên bán cung cấp, thửa đất này thuộc quyền sở hữu của bà Nguyễn Thị Mai - ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Khu đất của bà Mai có diện tích 1.500m2, có 999m2 đã được chuyển mục đích sử dụng thành đất ở. Lô đất mà gia đình chị Dung mua có diện tích 48,8m2, giá mua 403 triệu đồng. Theo người dân địa phương, giá này khá rẻ vào thời điểm đó nên có rất nhiều người mua.

Điều bất thường là bên bán đưa ra giấy chủ quyền do bà Nguyễn Thị Mai đứng tên nhưng người trực tiếp giao dịch với bên mua là bà Văn Thị Kim Phượng. Khi chị Dung thắc mắc thì bà Phượng đưa ra “giấy sang nhượng đất vĩnh viễn” mà bà này ký với vợ chồng bà Mai. 

Ngày 9/11/2017, bà Phượng và chị Dung ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với phần diện tích 48,8m2 tại thửa đất như đã nêu ở trên. Để tạo lòng tin, chiều cùng ngày, bà Phượng đã liên hệ Văn phòng Thừa phát lại quận 5 để lập vi bằng, ghi nhận việc giao - nhận 403 triệu đồng tại xã Vĩnh Lộc A. “Tôi thấy giao dịch này đảm bảo vì có lập vi bằng, bà Phượng có đưa cho tôi bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy sang nhượng đất vĩnh viễn mà bà ký với chủ đất. Lúc tôi mua đất, có rất nhiều người khác cũng ký hợp đồng mua đất với bà Phượng” - chị Dung nhớ lại.

Năm 2017, vợ chồng anh Nguyễn Văn Đồng (ấp 1, xã Vĩnh Lộc A) cũng được Công ty Bất động sản Đại Dương Phát giới thiệu đến gặp bà Phượng mua 61,5m2 đất thuộc thửa 609, tờ bản đồ số 83 tại ấp 1, xã Vĩnh Lộc A với số tiền 460 triệu đồng bằng hình thức ký hợp đồng chuyển nhượng đất (không có công chứng) và lập vi bằng về việc giao nhận tiền. “Vợ chồng tôi đều là công nhân, có hai con nhỏ, ở trọ nhiều năm nay nên tôi bàn với vợ góp tiền mua một miếng đất để xây nhà. Tưởng sẽ an cư, ai ngờ…” - anh Đồng tâm sự.

Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được, từ tháng 10-11/2017, có ít nhất mười người đã được Công ty Bất động sản Đại Dương Phát giới thiệu đến mua đất của bà Phượng với tổng số tiền gần 4,5 tỷ đồng. Người mua đất hầu hết là công nhân, ở các quận Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, huyện Bình Chánh. Việc mua bán, chuyển nhượng đất đều bằng “giấy tay” (không có công chứng) và lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền.

Nhiều năm nay, huyện Bình Chánh là điểm nóng về vi phạm trật tự xây dựng
Nhiều năm nay, huyện Bình Chánh là "điểm nóng" về vi phạm trật tự xây dựng

Những người mua đất sau đó đã góp tiền làm tường rào bao quanh thửa đất và dùng gạch phân ô từng lô đất đã mua để sau này xây nhà. Bất ngờ, tháng 4/2019, một phụ nữ tên D.T.H.N. đã đến khu đất trên tháo dỡ tường rào. Bà N. cho biết, mình là chủ sở hữu hợp pháp của khu đất nói trên. Khi người mua liên hệ với bà Phượng thì bà này đưa ra cách giải quyết là sẽ mua lại phần đất nói trên với giá 8 triệu đồng/m2. Mức giá này bằng với mức giá mà nhiều người đã mua đất từ bà Phượng năm 2017 nên mọi người không đồng ý bán. Sau đó, họ hẹn gặp bà Phượng để trao đổi nhưng bà này tìm cách né tránh.

Tháng 5/2019, một số người mua đất đã làm đơn khởi kiện “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đến Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh. Tòa án đã có thông báo về việc thụ lý vụ án nhưng đến nay, chưa được giải quyết. Bà Phượng nhiều lần hứa hẹn sẽ trả lại tiền cho người mua đất nhưng đến nay vẫn chưa trả. 

Lật tẩy chiêu lừa của “đầu nậu”

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bên trái) mà bà Phượng dùng để giao dịch với mười người dân có nhiều chi tiết không khớp với giấy chủ quyền thật (bên phải)
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bên trái) mà bà Phượng dùng để giao dịch với mười người dân có nhiều chi tiết không khớp với giấy chủ quyền thật (bên phải)

Trong lúc nhiều người chưa biết đòi lại tiền bằng cách nào thì một vài nạn nhân phát hiện có sự bất thường trên tờ “giấy chủ quyền”. Theo đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà bà Phượng dùng để giao dịch với người mua có số AN 115409, số vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là H 03225/7013925. Tuy nhiên, khi so sánh kỹ, phần số vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị tẩy xóa, ghi lại số. Trên giấy chủ quyền này, phần “những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” có hai phần cập nhật vào ngày 27/6/2009 và 15/10/2015, có đóng dấu của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bình Chánh và chữ ký của giám đốc chi nhánh Dương Thị Thùy Trang.

Những người mua đất cũng tìm được một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác có số AN 115409, ở phần số vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không bị tẩy xóa và đề số H 03225/7013923. Đáng nói, ở phần “những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” của giấy chủ quyền này lại có đến ba lần thay đổi cơ sở pháp lý, ngày tháng thay đổi cơ sở pháp lý hoàn toàn khác cuốn sổ mà bà Phượng dùng để giao dịch với bên mua. Không chỉ vậy, phần xác nhận của cơ quan có thẩm quyền cũng có đóng dấu của chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bình Chánh nhưng chữ ký lại là của phó giám đốc chi nhánh Trang Sĩ Tươi.

Anh Nguyễn Văn Kiên - người mua đất, trú tại quận Bình Tân - nói: “Một thửa đất thì không thể có hai giấy chủ quyền cùng số nhưng nội dung khác nhau được. Rõ ràng, giấy chủ quyền mà bà Phượng dùng để giao dịch với chúng tôi là giấy đã bị làm giả. Chiêu trò của đầu nậu này là dùng giấy tờ giả để bán đất cho nhiều người”.

Nhận thấy đã bị lừa, những người mua đất đã làm đơn tố cáo bà Văn Thị Kim Phượng và bà Võ Thị Dương - Giám đốc Công ty Bất động sản Đại Dương Phát - đến Công an huyện Bình Chánh. Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm ngày 10/8/2020 của cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Bình Chánh nêu: căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra nhận thấy, bà Văn Thị Kim Phượng có hành vi sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả (thực tế, bà Phượng không có đất, cũng không đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nào) để rao bán đất cho chín người (do lúc này chỉ có chín người tố cáo) nhằm chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng, có dấu hiệu phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nạn nhân lao đao vì nợ nần

Đa số người bị bà Phượng lừa mua đất ở xã Vĩnh Lộc A đều là công nhân, lao động tự do có thu nhập thấp. Để có đủ tiền mua đất, nhiều người phải mượn tiền của người thân, vay ngân hàng và phải gồng mình trả nợ vay ngân hàng suốt ba năm qua. Nạn nhân Nguyễn Thị Thu cho biết: “Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chúng tôi bị giảm thu nhập nghiêm trọng. Tôi phải ở nhà thuê, nuôi hai con nhỏ. Trong khi đó, tôi phải gồng mình đóng lãi hằng tháng cho khoản vay ngân hàng 300 triệu đồng. Rất mong cơ quan chức năng sớm giải quyết vụ việc để chúng tôi nhận lại tiền, ổn định cuộc sống”.

Căn cứ theo quy định tại điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự, vụ việc trên thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan CSĐT Công an TPHCM. Do đó, cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh đã chuyển đơn đến đơn vị này.

Nguồn tin của Báo Phụ Nữ TPHCM cho biết, mới đây, thượng tá Võ Hữu Nghĩa - Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TPHCM - đã ký ban hành thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với vụ việc mười người dân tố cáo bà Phượng và bà Dương có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chiếm đoạt gần 4,5 tỷ đồng. 

Sau khi xác minh dấu hiệu tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại điều 314 Bộ luật Hình sự, ngày 17/12/2020, cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố vụ án nói trên. 

Yêu cầu lập danh sách đầu nậu và xử lý
Mới đây, Sở Xây dựng TPHCM đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng. Sở Xây dựng đề nghị các địa phương lập danh sách các tổ chức, cá nhân xây dựng các công trình trên đất không được phép xây dựng, tổ chức xây dựng công trình không phép, sai phép; lập danh sách các tổ chức, cá nhân môi giới, kinh doanh các công trình không phép, sai phép để nhắc nhở, cảnh báo và yêu cầu viết cam kết không vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng. Các địa phương cần chủ động cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan công an các cấp để có biện pháp xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm đến mức phải xử lý hình sự theo quy định. 

Trước đó, tháng 5/2020, Báo Phụ Nữ TPHCM đã đăng tải loạt bài Bảo kê xây nhà “chui” giữa đại dịch ở Sài Gòn, phản ánh về tình trạng xây dựng nhà không phép, bảo kê xây nhà không phép và mua bán nhà xây dựng không phép ở xã Vĩnh Lộc A. Sau khi báo đăng, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã lập đoàn kiểm tra. Sau chuyến kiểm tra thực địa, Thành ủy TPHCM đã yêu cầu xử lý dứt điểm hoạt động môi giới, đầu nậu, bảo kê, hỗ trợ chia lô bán nền đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh.

Sơn Vinh 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI