Nhiều chủ doanh nghiệp còn mơ hồ về EVFTA

01/07/2020 - 05:49

PNO - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8 tới, nhưng đến nay, không ít doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa biết sẽ tận dụng hiệp định này ra sao.

Từ trước đến nay, gạo Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu phải đóng thuế từ 5-45% nên rất khó cạnh tranh. Khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất về 0%, các doanh nghiệp (DN) ngành này hưởng lợi rất lớn, đủ sức cạnh tranh với gạo xuất khẩu từ các quốc gia khác vào thị trường này.

Chế biến hạt điều trong nước phát triển nhưng lại thiếu phần lớn nguyên liệu
Chế biến hạt điều trong nước phát triển nhưng lại thiếu phần lớn nguyên liệu

Theo ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - đa số các DN xuất khẩu nông sản, điển hình là DN xuất khẩu gạo, chưa nắm rõ các thủ tục, quy trình về hồ sơ hợp lệ để xuất khẩu gạo sang châu Âu trong hạn ngạch (80.000 tấn/năm) với mức thuế suất 0%. “Coi chừng các DN không xuất khẩu hết 80.000 tấn gạo trong năm 2020” - ông Bình cảnh báo. 

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho hay, ít có mặt hàng nông sản Việt Nam nào có giá trị xuất khẩu 3,5 tỷ USD nhưng hạt điều đã làm được điều này. Trong khi đặc điểm của các ngành hàng khác là “sản xuất tốt hơn chế biến” thì hạt điều lại “chế biến tốt hơn sản xuất”. Hiện nay, tại Việt Nam, có 486 DN chế biến hạt điều, toàn bộ là DN trong nước. Nhưng nút thắt ở chỗ, 486 DN chế biến hạt điều với tổng công suất 1,7 triệu tấn mà Việt Nam chỉ sản xuất được có 30.000 tấn, còn lại phải nhập khẩu. 

Trước những nghịch lý trên, tại hội nghị “Hỗ trợ DN xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA” do UBND TP.HCM và Bộ Công thương phối hợp tổ chức ngày 30/6, Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhất trí lập đoàn công tác xử lý nhanh để hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, tận dụng cơ hội lớn từ EVFTA để xuất khẩu vào EU.

Theo đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong lúc chuẩn bị tổng thể theo yêu cầu, quy chuẩn của hiệp định, cần ưu tiên những đơn vị sản xuất có uy tín, thậm chí có cơ chế cho phép một số DN đi trước để “đầu xuôi, đuôi lọt”.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết, TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, ổn định sản xuất, kinh doanh, tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu ngay khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết.

Để hỗ trợ xuất khẩu, TP.HCM tập trung xây dựng “Đề án phát triển xuất khẩu đến năm 2025-2030” để định hướng hoạt động xuất khẩu theo hướng chuyển dần sang dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu; theo đó, TP.HCM sẽ giữ vai trò là trung tâm cung cấp dịch vụ xuất khẩu cho các tỉnh, thành phía Nam. Đồng thời, TP.HCM cũng cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu theo hướng xuất khẩu sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học, công nghệ và giá trị gia tăng cao. 

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI