Nhất thiết phải đạt mục tiêu tiêm chủng

15/05/2023 - 06:14

PNO - 67 triệu trẻ em trên thế giới - trong đó có gần 250.000 trẻ em Việt Nam - bị bỏ lỡ 1 hoặc nhiều liều vắc xin trong hơn 3 năm xảy ra đại dịch COVID-19. Trong số này, 48 triệu trẻ không nhận được bất kỳ liều vắc xin nào và được gọi là “0 liều vắc xin”.

Số liệu trên được trích từ báo cáo do Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố vào cuối tháng Tư qua. Đáng lưu ý, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số trẻ “0 liều vắc xin” nhiều nhất. 

Có nhiều lý do dẫn đến thực trạng trên. Theo UNICEF, đại dịch COVID-19 đã khiến dịch vụ tiêm chủng gần như khắp thế giới bị gián đoạn do hệ thống y tế quá tải, nhân lực y tế thiếu thốn và phân tán, người dân sụt giảm niềm tin vào vắc xin, cũng như các biện pháp hạn chế người dân đi lại. 

Trong số nhiều nỗi lo toan thiết thân của người dân hiện nay về đời sống và kinh tế, có lẽ báo cáo tiêm chủng của UNICEF không khiến nhiều người quan tâm. Nhưng thực ra, nếu vấn đề này không được giải quyết, về lâu dài, nó chắc chắn dẫn đến những hậu quả lớn lao. 

Ngày nay, không ai phủ nhận được những giá trị của tiêm chủng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhân loại hiện đã có vắc xin phòng được hơn 20 căn bệnh đe dọa cuộc sống con người, giúp con người có thể sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn. Nhờ chích ngừa, mỗi năm, thế giới ngăn được gần 4,5 triệu ca tử vong bởi nhiều loại bệnh truyền nhiễm. Chẳng hạn, trước khi có vắc xin ngừa sởi vào năm 1963, ước tính mỗi năm, thế giới có 2,6 triệu người chết do sởi, đa số là trẻ em. Nhưng đến năm 2021, con số này chỉ còn 128.000 người. 

Ngoài lợi ích cho cá nhân, chủng ngừa còn mang đến lợi ích lớn cho gia đình và xã hội. Chủng ngừa giúp trẻ em ít bệnh tật nên kết quả học tập sẽ tốt hơn, tạo ra nguồn nhân lực tốt cho đất nước. Chủng ngừa cũng giúp giảm nghèo bền vững, bởi khi trẻ được tiêm chủng đầy đủ, không bị ốm đau hay tàn phế thì chi phí chăm sóc của gia đình đỡ đi đáng kể. Cuối cùng, chủng ngừa giúp tăng miễn dịch cộng đồng, làm giảm tình trạng kháng kháng sinh.

Tuy nhiên, để đạt được những kết quả tốt đẹp trên, điều tiên quyết là trẻ em phải được tiêm chủng đúng lịch và đầy đủ. Bằng không, dịch bệnh sẽ có thể quay đầu trở lại mạnh mẽ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Hiện tại, đã có một số dấu hiệu đáng lo về chuyện này. Theo UNICEF, do tỉ lệ bao phủ tiêm chủng giảm sút ở 112 quốc gia, số trẻ mắc sởi trên thế giới trong năm 2022 tăng gấp đôi so với năm 2021. Tương tự, khi so sánh giai đoạn 2019-2021 với 3 năm trước, số ca bại liệt tăng đến 8 lần. 

Trong quá khứ, từng xuất hiện nhiều vụ bùng dịch do giảm sút tỉ lệ tiêm chủng, không đạt miễn dịch cộng đồng. Chẳng hạn, dịch sởi xảy ra ở 61/64 tỉnh, thành phố của nước ta vào năm 2014 đã gây bệnh cho hàng ngàn người và cướp đi sinh mạng của gần 150 trẻ. 

Sau 3 năm đương đầu đại dịch COVID-19, chắc chắn nhiều quốc gia gặp khó trong chọn lựa các mục tiêu chi tiêu và đầu tư. Nhưng, không nên vì thế mà dừng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), trong đó có mục tiêu bảo đảm sức khỏe và cuộc sống tốt đẹp cho trẻ em.

Ở nước ta, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và xã hội coi trọng với quan điểm “trẻ em là tương lai của đất nước”. Chúng ta cũng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em và được thế giới công nhận. Tuy nhiên, trong tình hình thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn như hiện nay, để khắc phục tình trạng bỏ lỡ vắc xin và “0 liều vắc xin”, chúng ta chắc chắn phải nỗ lực rất nhiều. 

Báo cáo của UNICEF gợi ý một số giải pháp để bắt kịp mục tiêu tiêm chủng, như hỗ trợ đời sống cho nhân viên y tế, lồng ghép tiêm chủng trẻ em vào chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, củng cố niềm tin của cộng đồng về vắc xin, ưu tiên tài trợ cho tiêm chủng…

Trong một báo cáo hồi tháng Bảy năm qua, khi chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng tỉ lệ tiêm chủng trẻ em trên thế giới, bà Catherine Russell - Giám đốc điều hành UNICEF - cảnh báo: “Đây là một sự báo động đỏ cho sức khỏe trẻ em. Hậu quả sẽ được đo đếm bằng mạng sống. Chúng ta cần bắt kịp mục tiêu tiêm chủng cho hàng triệu trẻ bị bỏ sót hoặc chúng ta sẽ chắc chắn chứng kiến nhiều đợt bùng dịch hơn, nhiều trẻ em mắc bệnh hơn và nhiều áp lực hơn trên hệ thống y tế vốn đã bị căng thẳng”. 

Phan Sơn

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI