Nhặt rác trên núi Bà Đen và ý thức "tệ hại" của người leo núi không chuyên

24/03/2021 - 15:21

PNO - "Nhiều lúc đang gom nhặt rác, chúng tôi bị du khách ném thẳng chai vào người, hỏi: "hôm nay kiếm được kha khá phải không?", anh Chung Quốc Thành, một trong những tình nguyện viên nhặt rác ở núi Bà Đen kể.

Vài năm nay, việc kêu gọi du lịch hay khám phá các địa danh du lịch có ý thức không còn xa lạ với nhiều người. Thế nhưng mới đây, lời kêu gọi về việc du khách leo núi Bà Đen cần "nhặt ý thức về" cùng những bức ảnh cho thấy lượng rác khổng lồ gom được trên cung đường dài khoảng 3km này khiến nhiều người giật mình.

Trong status của mình tại Nhóm Trekking, Leo núi, Cắm trại cuối tuần, nickname An Bùi chia sẻ: "Bạn leo núi Bà Đen có mệt không? Chúng tôi leo cũng rất mệt, nhưng phải dọn luôn phần của những bạn thiếu ý thức".

Bạn leo Núi Bà Đen có mệt không? Chúng tôi leo cũng rất mệt, nhưng phải dọn luôn phần của những bạn thiếu ý thức. Tuy vậy những bạn trẻ này cảm thấy rất vui vì đã trả lại vẻ đẹp vốn có của Núi Bà Đen @21.3.2021
Ảnh chụp màn hình

"Lượng rác trung bình trong mỗi lần gom, nhặt như thế khoảng 100-200 kg. Có lúc đến 500 kg", anh Chung Quốc Thành, 36 tuổi, giáo viên, đang sống tại khu phố Long Thành, phường Long Thành Trung, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh - trưởng một nhóm tình nguyện viên gom rác tại núi Bà Đen - chia sẻ.

Theo lời anh, khi nhận thấy lượng rác do các nhóm leo núi để lại ngày càng nhiều, anh và bạn thân đã quyết định gom rác, mang xuống núi. Thấy hành động ý nghĩa của đôi bạn, nhiều bạn trẻ, nhiều nhóm leo núi yêu thích cung đường này, muốn giữ gìn môi trường, cảnh quan thiên nhiên, cũng tham gia gom rác.

Cũng như anh Quốc Thành, hầu hết tình nguyện viên tham gia nhặt rác tại núi Bà Đen đều có công việc ổn định khác nên thời gian gom rác không cố định thứ trong tuần, ngày trong tháng hay số lượng người tham gia. Ai có thời gian thì đến núi, gom rác, mang xuống. Vì vậy nên lúc thì có cả nhóm đông, khi chỉ 2-3 người.

a
Vẻ đẹp huyền bí của động Huyền Không.
quãng đường leo lên 3 k, leo xuống 3 km, nhưng toàn dốc đứng 30-45 độ và phải đi trên các mỏm đá, thêm vào khí hậu nắng nóng tháng 3 thì phải sức rất khỏe
Quãng đường trekking núi Bà Đen khoảng 3km khi lên và 3 km khi xuống nhưng toàn dốc đứng 30-45 độ nên việc gom nhặt rác, mang xuống núi không đơn giản. 

"Có nhiều nhóm khách dễ thương lắm. Khi thấy tình nguyện viên gom nhặt rác, cũng ở lại tham gia; nhưng cũng có nhiều người tưởng bọn em là dân nhặt ve chai, nhìn với ánh mắt khinh khỉnh", vừa bỏ rác vào túi, bạn M.T nói, không hề giấu sự tức giận.

Cũng gặp trường hợp tương tự, nickname Kim Xoàn chia sẻ trên Facebook cá nhân: "Chúng tôi là những tình nguyện viên nhặt rác cho núi sạch đẹp, chúng tôi có công việc riêng chứ không phải leo núi nhặt rác để kiếm tiền, đừng nhìn chúng tôi với ánh mắt như vậy".

Chị bộc bạch: "Bạn biết không, chúng tôi là những người con quê hương Tây Ninh yêu thương núi Bà Đen, coi núi như một phần của cuộc sống vì nhờ có nơi đây mà cứ vào mỗi cuối tuần chúng tôi được luyện tập sức khỏe, được hòa mình với thiên nhiên tươi đẹp. Ấy thế mà...

Vấn đề đau đầu nhất là làm cách nào để hạn chế lượng rác thải trên núi, chẳng lẽ cứ mãi cắm mặt để nhặt những ý thức này chăng?"

Chị Kim Xoàn chia sẻ trên Facebook cá nhân. Ảnh chụp màn hình.
Chị Kim Xoàn chia sẻ trên Facebook cá nhân - Ảnh chụp màn hình

Nỗi lo ngại của nickname Kim Xoàn cũng là nỗi lo chung của rất nhiều tình nguyện viên gom rác trên núi Bà Đen nói riêng và tại các ngọn núi/điểm trekking khác tại Việt Nam nói chung.

Nguyên nhân là để giữ môi trường xanh sạch, hạn chế tình trạng một số người cắm mặt nhặt rác, một số người tiếp tục xả rác, các tình nguyện viên gom tiền, đặt nhiều bảng chỉ dẫn nơi bỏ rác cũng như đặt nhiều thùng rác tự chế dọc đường. Tuy nhiên, tình hình chẳng những không cải thiện mà các tấm bảng hay thùng rác cũng bị dân leo núi phá hư.

a
Các tình nguyện viên đã bỏ tiền đặt rất nhiều bảng chỉ dẫn cũng như thùng rác trên cung đường trekking của ngọn núi này

Thường xuyên chọn trekking cung đường núi Bà Đen vào các dịp cuối tuần với nhóm bạn hay một mình, anh Hải Đăng (38 tuổi, nhà ở quận Tân Phú, TPHCM) chia sẻ mỗi lần lên núi, anh hạn chế mang theo lương thực, thực phẩm. Và khi di chuyển, hoặc là anh bỏ vỏ chai đã dùng vào thùng rác hoặc là mang về thùng rác dưới chân núi.

Đôi lúc, những người đi cùng không thuộc nhóm thấy anh di chuyển đường dốc với bọc đựng vỏ chai trên tay, nói anh có thể vứt đâu đó cho tiện, nhưng anh vẫn mang rác đến nơi quy định. Anh chia sẻ: "Trekking là một môn thể thao gắn liền với thiên nhiên, mình phá hoại thiên nhiên là mình đang phá hoại môn trekking và chính mình".

Lượng rác thu gom mỗi lần lên đến vài trăm kg, có khi cần nửa tấn.
Lượng rác thu gom mỗi lần lên đến vài trăm ký, có khi cả nửa tấn
Bạn chỉ mệt khi leo núi, chúng tôi còn mệt vì nhặt ý thức của bạn và mang nó xuống núi,
"Bạn chỉ mệt khi leo núi, chúng tôi còn mệt vì vừa leo núi, vừa nhặt ý thức của bạn và mang nó xuống núi", anh Quốc Thành chia sẻ

Theo ông Bùi Ngọc Duy An, phó giám đốc một công ty chuyên tổ chức các tour leo núi chuyên nghiệp, các nhóm leo núi chuyên nghiệp thường tuân thủ rất tốt việc không xả rác trên núi. Các nhóm không chuyên thì ngược lại. "Việc tổ chức gom nhặt rác trên núi là đúng, nhưng không thể cứ như vậy. Việc cần làm là phải thông tin mạnh hơn về ý thức bảo vệ môi trường trên các tuyến trekking, thùng rác để nhiều hơn, có thu vé vệ sinh hay ít nhất cũng có người phụ trách vệ sinh. Phần phí đó hoặc là có quy định hoặc là đóng góp tùy lòng hảo tâm", anh An Bùi gợi ý.

An Huỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI